THÔNG TUTHÔNG TƯ
Hướng dẫn về dịch vụ sở hữu trí tuệ
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ số 21/2000-QH10 được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2000;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc xác định các hoạt động dịch vụ sở hữu trí tuệ như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Khoản 8 Điều 2 của Luật Khoa học và Công nghệ số 21/2000-QH10 ngày 9/6/2000, Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ số 21/2000-QH10, phát sinh tại các khâu chuẩn bị đăng ký và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước; duy trì và thực hiện việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ thuộc phạm trù dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp, sử dụng dịch vụ sở hữu trí tuệ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành và tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ SỞ HỮU TRÍ TUỆ THUỘC
PHẠM TRÙ DỊCH VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Dịch vụ sở hữu trí tuệ quy định tại điểm 1 Mục I của Thông tư này, bao gồm:
1. Chuẩn bị đăng ký và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
a) Cung cấp thông tin về tình trạng của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới.
b) Cung cấp thông tin về tình hình bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới.
c) Viết bản mô tả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.
d) Lập hồ sơ và làm các thủ tục đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.
2. Duy trì và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ
a) Thực hiện các thủ tục theo quy định để duy trì hiệu lực các văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.
b) Làm các thủ tục chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.
c) Soạn thảo và đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi quyền hạn của mình, căn cứ các hướng dẫn về dịch vụ sở hữu trí tuệ quy định tại Thông tư này để xác định quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sở hữu trí tuệ.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh cho Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.