THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí áp dụng tại các cơ quan
Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài
Căn cứ Pháp lệnh của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/08/2001 về phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 189/HĐBT ngày 04/06/1992 của Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh lãnh sự;
Căn cứ Quyết định số 185/2003/QĐ-TTg ngày 10/09/2003 của Thủ tướng Chính phủ quyết định bãi bỏ các quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp lại, đầu tư trở lại từ các khoản thu của ngân sách nhà nước từ năm ngân sách 2004;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí áp dụng tại cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là lệ phí lãnh sự) như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG NỘP LỆ PHÍ
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài được cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài phục vụ về công việc quản lý nhà nước theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật thì phải nộp lệ phí lãnh sự theo quy định tại Thông tư này.
2. Thông tư này không điều chỉnh đối với những trường hợp sau:
a) Người nước ngoài là khách mời (kể cả vợ hoặc chồng và các con cùng đi theo khách mời) của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ hoặc của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mời với tư cách cá nhân.
b) Viên chức, nhân viên hành chính kỹ thuật (kể cả vợ hoặc chồng và các con chưa thành niên) của cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài, các tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ.
c) Người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ do nước ngoài cấp, theo nguyên tắc có đi có lại.
d) Người nước ngoài thuộc diện được miễn lệ phí lãnh sự theo hiệp định hoặc thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ hoặc tổ chức nước ngoài.
e) Người nước ngoài là công dân của nước chưa ký hiệp định hoặc thoả thuận với Việt Nam nhưng đã đơn phương miễn lệ phí thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông thì cũng được miễn lệ phí thị thực theo nguyên tắc có đi, có lại.
g) Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện công việc cứu trợ hoặc giúp đỡ nhân đạo cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam.
h) Đối tượng được miễn lệ phí lãnh sự áp dụng đối với các trường hợp do nhu cầu đối ngoại cần tranh thủ, vì lý do nhân đạo, công dân ta có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc bị rủi ro theo Quyết định cụ thể của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
k) Người Việt Nam định cư tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Cămpuchia.
II. MỨC THU
1. Mức thu lệ phí lãnh sự được quy định tại Biểu mức thu lệ phí lãnh sự ban hành kèm theo Thông tư này và được áp dụng tại tất cả các cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
2. Lệ phí lãnh sự thu bằng đô la Mỹ (USD) hoặc bằng tiền nước sở tại trên cơ sở quy đổi từ đôla Mỹ theo tỷ giá do ngân hàng nơi cơ quan Đại diện Việt Nam mở tài khoản và được giữ ổn định trong thời gian 6 tháng. Trên cơ sở Biểu mức thu lệ phí lãnh sự bằng đồng đôla Mỹ đính kèm Thông tư này, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính các Biểu mức thu lệ phí lãnh sự bằng đồng tiền của nước sở tại của các cơ quan Đại diện Ngoại giao Việt Nam ở các nước. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày Bộ Ngoại giao cung cấp biểu thu nêu trên, nếu tỉ giá biến động tăng hoặc giảm trên 20%, Trưởng cơ quan Đại diện phải báo cáo về Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính để xem xét quy định lại mức thu lệ phí bằng đồng tiền nước sở tại và cũng giữ ổn định theo nguyên tắc này.
III. TỔ CHỨC THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ LỆ PHÍ
Cơ quan thu lệ phí lãnh sự là cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp phục vụ các tổ chức, cá nhân về công việc quản lý nhà nước theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật. Cơ quan thu lệ phí lãnh sự có trách nhiệm:
- Tổ chức thu, nộp lệ phí theo đúng quy định tại Thông tư này. Niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu lệ phí tại địa điểm thu. Khi thu tiền phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp lệ phí theo quy định hiện hành. Hoá đơn thu lệ phí được in và phát hành tại cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 của Thông tư này.
- Thực hiện mở sổ sách kế toán theo dõi, phản ảnh việc thu, số nộp ngân sách và quản lý sử dụng tiền lệ phí theo đúng chế độ quy định.
- Bộ Ngoại giao được trích 30% trên tổng số tiền lệ phí lãnh sự thực thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi theo nội dung quy định của Thông tư này. Số tiền còn lại (70%) định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 25 của tháng), cơ quan thu phải nộp vào Quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 29/2000/TT-BTC ngày 24/04/2000 của Bộ Tài chính quy định về quản lý Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước tại các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
IV. SỬ DỤNG TIỀN THU LỆ PHÍ
Bộ Ngoại giao được sử dụng 30% số thu (là nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, không phản ảnh vào ngân sách nhà nước) để chi cho các nội dung sau đây:
1. Chi mua hộ chiếu, ấn phẩm trắng và các chi phí liên quan đến công việc thu lệ phí (tiền vận chuyển, tờ khai, in hoá đơn, biểu mẫu, văn phòng phẩm, chi phí điện thoại, fax, cước phí bưu điện...).
2. Sau khi trừ chi phí nêu tại điểm 1, phần còn lại được phân phối như sau:
2.1. Trích 1/3 để chi cho việc sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản và đổi mới máy móc, thiết bị của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2.2. Trích 2/3 để chi:
- Phụ cấp và bồi dưỡng làm thêm giờ (kể cả làm gấp, làm nhanh) cho cán bộ có liên quan đến công việc thu.
- Trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, mức trích bình quân một năm một người tối đa không quá 3 tháng sinh hoạt phí thực hiện.
- Điều hoà, khuyến khích chính sách địa bàn trong và ngoài nước.
3. Bộ Ngoại giao căn cứ đặc điểm từng địa bàn và tình hình cụ thể hàng năm, tổ chức thực hiện điều hoà, khuyến khích chính sách địa bàn và báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện công việc trên.
Bộ Ngoại giao phải quản lý, sử dụng số tiền lệ phí được để lại đúng mục đích nêu trên, có chứng từ hợp pháp, hàng năm phải quyết toán thu - chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền lệ phí được trích lại chưa chi hết trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
V. QUYẾT TOÁN THU CHI LỆ PHÍ
1. Các cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài có trách nhiệm mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán số thu, chi lệ phí theo đúng Quyết định số 999/TC-QĐ-CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm kiểm tra xác nhận quyết toán thu, chi lệ phí lãnh sự của các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Phụ lục số 1) và tổng hợp vào báo cáo quyết toán năm gửi Bộ Tài chính thẩm định (Phụ lục số 2 và Phụ lục số 3) và ra thông báo duyệt quyết toán cùng với quyết toán kinh phí các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao.
3. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đảm bảo thu, chi đúng chế độ quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 99/2002/TT-BTC ngày 25/10/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài, và bãi bỏ mục C tại Biểu mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch của Quyết định số 57/2000/TT-BTC ngày 20/04/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch.
2. Bộ Ngoại giao hướng dẫn các cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài thực hiện thu, nộp và sử dụng lệ phí lãnh sự theo quy định tại Thông tư này.
3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp lệ phí lãnh sự và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.