Thông tưTHÔNG TƯ CỦA PHỦ THỦ TƯỚNG SỐ 73/TTG NGÀY 7 THÁNG 7 NĂM 1962 VỀ VIỆC QUẢN LÝ ĐẤT CỦA TƯ NHÂN CHO THUÊ, ĐẤT VẮNG CHỦ, ĐẤT BỎ HOANG Ở NỘI THÀNH, NỘI THỊ Để xoá bỏ việc cho thuê đất và để sử dụng hợp tình, hợp lý đất đai ở nội thành, nội thị, hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 2 -5 -1962 đã đề ra chính sách và các nguyên tắc về việc quản lý đất cho thuê của tư nhân, đất vắng chủ và đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị. I - NGUYÊN TẮC 1. Xoá bỏ chế độ chiếm hữu đất cho thuê ở nội thành, nội thị, đồng thời chấm dứt tình trạng chiếm hữu và sử dụng bất hợp pháp của tư nhân về các loại đất vắng chủ, đất công, đất sa bồi, đất bỏ hoang... 2. Nhà nước trực tiếp quản lý, phân phối và sử dụng các loại đất này, kể cả các bất động sản hiện có trên mặt đất như: cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, ao, hồ nuôi cá, giếng nước và các di tích lịch sử v.v... 3. Người sử dụng đất không phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước mà chỉ phải nộp thuế thổ trạch hay thuế nông nghiệp. II - QUY ĐỊNH CỤ THỂ 1. Đất cho thuê của các thành phần bóc lột như: địa chủ, phú nông, tư sản, chủ có nhà cho thuê thuộc diện cải tạo, không kể diện tích chiếm hữu đất cho thuê nhiều hay ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý, phân phối và sử dụng. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào. 2. Đất cho thuê của các tôn giáo, các Hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào. 3. Đất cho thuê của các tư nhân khác, ngoài hai loại đất nói trên, cũng đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Phủ Thủ tướng sẽ có công văn quy định và hướng dẫn những điểm chi tiết về việc này. 4. Đất vắng chủ, mà người quản lý không là cha mẹ đẻ, con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của người chủ đi vắng, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý, và Nhà nước sẽ xét giải quyết một cách thoả đáng khi người chủ đi vắng trở về. 5. Đất công, đất sa bồi ở ven bờ sông là đất công do Nhà nước quản lý, phân phối và sử dụng. Những người đang sử dụng đất này để sản xuất hoặc để ở sẽ được Nhà nước cấp giấy cho sử dụng. Những người đã chiếm hữu bất hợp pháp các đất này để cho thuê đều phải giao trả lại cơ quan quản lý nhà, đất của Nhà nước . 6. Đất bỏ hoang ở trong các nội thành, nội thị, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý để dùng vào các việc công hoặc phân phối cho nhân dân lao động tạm thời sử dụng. Những người được sử dụng đất này phải đóng thuế nông nghiệp hoặc thuế thổ trạch tuỳ theo loại đất. 7. Những người hiện đang sử dụng các loại đất nói ở các điểm trên đây để sản xuất, hoặc xây dựng nhà cửa để ở.. thì được tiếp tục sử dụng. Các đất này phải trả lại Nhà nước khi người đang được phép sử dụng không dùng đến nữa; không ai được mua bán, chuyển nhượng đất này cho người khác với bất cứ một lý do nào. Nếu trên mặt đất có những bất động sản như: ao, hồ nuôi cá, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước, các di tích lịch sử, thì người hiện đang sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ và tuyệt đối không được tự ý phá huỷ. 8. Đối với các bất động sản hiện có trên mặt đất này như ao, hồ nuôi cá, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước là của người lao động được sử dụng đất trực tiếp làm ra, thì họ có quyền hưởng thụ hoa lợi. Khi cần thiết cho công cuộc xây dựng các công trình lợi ích công cộng mà phải phá huỷ những bất động sản này, thì Nhà nước sẽ bồi hoàn theo tinh thần Nghị định số 151-TTg ngày 14 tháng 5 năm 1959 của Thủ tướng Chính phủ. III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Trước khi tiến hành quản lý các loại đất nói trên đây, Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần tiến hành đăng ký toàn bộ đất cho thuê của tư nhân, của các tôn giáo, các Hội, đất vắng chủ, đất bỏ hoang... ở nội thành, nội thị để phân loại và để áp dụng chính sách cho thích hợp. 2. Trong khi tiến hành quản lý các loại đất này Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần làm thí điểm tốt ở một khu phố rồi rút kinh nghiệm để mở rộng và làm nhanh gọn, làm xong trong năm nay. Trong khi tiến hành cần tranh thủ sự tham gia của các ngành có liên quan như: Toà án, Thuế vụ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Kiến thiết đô thị và các đoàn thể nhân dân, nhất là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương. Các Sở, Chi cục và Phòng quản lý nhà, đất ở các địa phương là những cơ quan có trách nhiệm trực tiếp giúp Uỷ ban hành chính các cấp lãnh đạo tốt công tác này. 3. Sau khi tiến hành xong công tác quản lý các loại đất này, (kể cả bất động sản có trên mặt đất) Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ giao cho cơ quan quản lý nhà, đất ở địa phương quản lý dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính. Nếu địa phương nào chưa có cơ quan quản lý nhà, đất thì Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ giao nhiệm vụ quản lý này cho Phòng địa bạ hoặc một bộ phận nào trong Uỷ ban. Uỷ ban hành chính các cấp cần có những biện pháp tích cực chống thất thu về thuế đất và chống việc phá hoại những bất động sản hiện có trên mặt các đất nói ở Thông tư này. Trong khi thi hành Thông tư này, nếu có trường hợp nào mắc mứu thì Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh báo cáo kịp thời về Phủ Thủ tướng. |