NGHỊ QUYẾT
Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân
_______________________
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) tại Thông báo kết luận số 74-TB/TW ngày 11 tháng 05 năm 2007 "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân", Chính phủ quyết nghị chủ trương và các giải pháp thực hiện sau đây:
I. CHỦ TRƯƠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP
1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
3. Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của công tác chính trị, tư tưởng. Sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành đạo luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả; kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
5. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương theo hướng bảo đảm tính thiết thực, tránh hình thức; xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của Hội đồng là tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức ở Trung ương và địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Đổi mới, kiện toàn tổ chức làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này; xác định rõ khoản ngân sách hàng năm cho hoạt động này theo hướng tăng thêm để đáp ứng kịp thời, đầy đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
7. Kết hợp có hiệu quả việc tuyên truyền pháp luật với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo...
8. Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong việc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
9. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
10. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Tư pháp
a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2007, xây dựng Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể, thiết thực cho giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012.
b) Nghiên cứu xây dựng Luật về phổ biến, giáo dục pháp luật trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII (2007 - 2011).
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và thi đua - khen thưởng việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
d) Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các Bộ, ngành và địa phương.
đ) Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện việc luân chuyển sách pháp luật giữa các điểm bưu điện văn hoá xã với thư viện xã, tủ sách pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như làm phong phú về chủng loại, sát hợp về nội dung theo yêu cầu của nhân dân.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Tổ chức việc giảng dạy các kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân.
b) Đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có hoạt động ngoài giờ lên lớp.
c) Rà soát và có kế hoạch bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn pháp luật và môn giáo dục công dân.
d) Chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2008.
3. Bộ Thông tin và truyền thông
a) Chỉ đạo việc củng cố, phát triển đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách về pháp luật của các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ báo chí bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
b) Chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và duy trì các chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật phục vụ cán bộ và nhân dân trên các báo, đài, trang thông tin điện tử.
4. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
a) Chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hoá - thông tin cơ sở nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động truyền thông về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
b) Tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong chấp hành pháp luật; bài trừ các biểu hiện không lành mạnh trong lối sống và sinh hoạt văn hoá, tệ nạn xã hội và các loại văn hoá phẩm bạo lực, đồi truỵ.
c) Củng cố và phát triển hệ thống đội thông tin lưu động.
5. Bộ Tài chính
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cần tiếp tục củng cố, xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật phục vụ cán bộ và nhân dân; tăng thời lượng phát thanh, truyền hình về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng kênh truyền hình đại chúng về pháp luật.
7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, dài hạn và bố trí kinh phí để thực hiện công tác này; chịu trách nhiệm chính trong việc phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật do Bộ, ngành ban hành hoặc chủ trì dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cho cán bộ, công chức của Bộ, ngành mình; phối hợp với Bộ Tư pháp, các đoàn thể ở Trung ương và chính quyền các cấp triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân; kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các Bộ, ngành.
8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương và biện pháp của Nghị quyết này trong phạm vi địa phương.
b) Chỉ đạo toàn bộ hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ phù hợp với tình hình, đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng khu vực, địa bàn.
c) Định hướng, chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân.
d) Bảo đảm kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới.
III. HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi, hướng dẫn đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này và định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.