Nghị định NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 49/CP NGÀY 09 THÁNG 04 NĂM 1968 BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ - Căn cứ vào Điều lệ về kỷ luật lao động ban hành do Nghị định số 195-CP ngày 31 tháng 12 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ; - Căn cứ vào Nghị quyết số 59-CP ngày 10 tháng 5 năm 1967 của Hội đồng Chính phủ; - Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính; - Căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong các phiên họp ngày 4 tháng 1 và ngày 13 tháng 3 năm 1968. NGHỊ ĐỊNH Điều 1: - Nay ban hành kèm theo Nghị định này chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước. Điều 2: - Các ông Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC Tài sản của Nhà nước là cơ sở vật chất vô cùng quý báu của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn sức mạnh về kinh tế và quốc phòng của Tổ quốc, nguồn ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, bảo vệ tài sản của Nhà nước vô cùng quan trọng, nhất là trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước hiện nay. Đó là một chính sách lớn, của Đảng và Nhà nước, một nguyên tắc cơ bản của việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, một vấn đề thuộc về đạo đức cách mạng. Muốn làm tốt việc bảo vệ tài sản của Nhà nước, phải hết sức coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi người nhận rõ ý nghĩa to lớn và nội dung cách mạng của nhiệm vụ bảo vệ tài sản của Nhà nước, coi đó là quyền lợi thiết thân và nghĩa vụ thiêng liêng của mình và thể thiện một cách thiết thực bằng việc làm cụ thể trong sản xuất và công tác. Trên cơ sở nhận thức được nâng cao, tư tưởng thông suốt, phải tăng cường quản lý kinh tế tài chính, giữ vững các nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa, đề cao kỷ luật lao động, kiên quyết chấp hành các chế độ, thể lệ quản lý. Phải quy định rõ chế độ trách nhiệm, kịp thời biểu dương những việc làm tốt, khen thưởng xứng đáng những người có thành tích trong việc bảo vệ của công, xử lý thích đáng những trường hợp gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, nghiêm trị theo pháp luật những phần tử cố tình xâm phạm đến tài sản của Nhà nước. Căn cứ vào điều 7 của Điều lệ về kỷ luật lao động trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước nay quy định cụ thể chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước. I- NGUYÊN TẮC CHUNG Điều 1- Công nhân, viên chức làm việc lâu dài hay tạm thời trong xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, dù ở cương vị nào, đều có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước, tự mình không xâm phạm và kiên quyết không để ai xâm phạm; gặp trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiên tai, dịch hoạ hay một nguyên nhân nào khác đe doạ gây thiệt hại thì tự giác bảo vệ, chủ động góp phần lớn nhất của mình vào việc ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại. Điều 2- Những người được giao nhiệm vụ quản lý, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, sử dụng, bảo quản tài sản của Nhà nước phải nâng cao ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, thể lệ đã quy định, hết sức giữ gìn không để tài sản bị hư hỏng, mất mát; phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm, kịp thời phát hiện những tình hình có thể gây thiệt hại và thi hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản của Nhà nước. Điều 3- Thủ trưởng các ngành và Uỷ ban hành chính các cấp có nhiệm vụ thường xuyên nắm tình hình tài sản của Nhà nước thuộc phạm vi mình quản lý, giao nhiệm vụ rõ ràng cho những cơ quan, đơn vị và cá nhân phụ trách; phải đôn đốc kiểm tra việc thi hành các chế độ kế toán tài sản, kế toán kho tàng, thống kê, báo cáo và các chế độ khác về quản lý tài sản; đôn đốc việc kiểm kê tài sản định kỳ hoặc sau khi xảy ra địch hoạ, thiên tai và các tai nạn bất ngờ. Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan và những cán bộ lãnh đạo khác trong đơn vị phải gương mẫu chấp hành các chế độ quản lý tài sản và có nhiệm vụ cùng với công đoàn cơ sở, thường xuyên giáo dục công nhân, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, nghiên cứu xây dựng những chế độ, nội quy bảo vệ tài sản cần thiết, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các chế độ, thể lệ của Nhà nước, của cơ quan, xí nghiệp, kịp thời thi hành những biện pháp đề phòng cần thiết để bảo vệ tài sản của Nhà nước. Điều 4- Công nhân, viên chức có thành tích trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước thì được xét khen thưởng theo chế độ chung. Nếu có những cải tiến nâng cao công suất máy móc, thiết bị, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu, v.v... thì được khen thưởng theo chế độ khen thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến nghiệp vụ và công tác. Điều 5- Công nhân, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, công tác mà gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại cho công quỹ theo chế độ này; ngoài ra, còn có thể bị thi hành kỷ luật theo Điều lệ về kỷ luật lao động. II- CĂN CỨ, MỨC VÀ CÁCH THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG Điều 6- Việc bồi thường nhằm góp phần giáo dục công nhân, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ của công, đồng thời đền bù lại cả hay một phần sự thiệt hại đã gây ra cho Nhà nước, nhưng có chiếu cố đến tình hình đời sống của công nhân, viên chức. Điều 7- Người nào có lỗi vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây ra thiệt hại thì người ấy phải bồi thường. Nếu nhiều người có lỗi thì tất cả những người có lỗi đều phải bồi thường. Những người phạm kỷ luật lao động do cố ý hoặc vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà làm thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, những phần tử tham ô, những người gây ra thiệt hại không phải trong trường hợp thi hành nhiệm vụ lao động được giao hoặc không phải trong trường hợp được quyền sử dụng tài sản thì không xử lý theo chế độ này mà xử lý theo những luật lệ hiện hành khác. Điều 8- Nếu người phụ trách công việc chứng minh được rằng lỗi không phải ở họ hoặc không phải do một mình họ gây ra thì xí nghiệp, cơ quan phải tìm ra người có lỗi và xác định rõ lỗi của từng người. Điều 9- Nếu thiệt hại do điều kiện khách quan không thể lường trước được hoặc vượt quá sức khắc phục của con người như bão to, lụt lớn, địch bắn phá, v.v... mà người phụ trách công việc đã làm hết sức mình để đề phòng hoặc hạn chế thiệt hại thì được miễn trách nhiệm bồi thường, nếu không làm hết trách nhiệm và khả năng mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn có trách nhiệm bồi thường. Điều 10- Công nhân, viên chức chỉ phải bồi thường những thiệt hại đã trực tiếp gây ra cho tài sản của Nhà nước, không phải bồi thường những thiệt hại gián tiếp là hậu quả của việc tài sản bị thiệt hại gây ra. Điều 11- Mức bồi thường cao hay thấp là tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ, thiệt hại nhiều hay ít, có cân nhắc hoàn cảnh xảy ra thiệt hại và tinh thần, thái độ công tác của người phạm lỗi. Nếu nhiều người có trách nhiệm bồi thường thì tổng số tiền bồi thường không vượt quá tổng số thiệt hại. Điều 12- Nếu làm hư hỏng tài sản của Nhà nước thì, tuỳ tình hình, phải bồi thường cả hay một phần sự thiệt hại, nhưng mức bồi thường tối đa không quá 3 tháng lương và phụ cấp lương của người phạm lỗi. Nếu để mất tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường toàn bộ sự thiệt hại đã gây ra; trường hợp có lý do chính đáng, có thể xét và quyết định một mức bồi thường thấp hơn. Điều 13- Cách thực hiện bồi thường là trừ dần vào lương hàng tháng, trừ trường hợp người phạm lỗi tự nguyện trả hết một lần. Số tiền trừ hàng tháng phải tính toán một cách hợp lý, sát với hoàn cảnh kinh tế của người phạm lỗi, nhưng không dưới 10% và không quá 30% số lương và phụ cấp lương hàng tháng của người phạm lỗi. Điều 14- Trong thời gian thực hiện việc bồi thường, nếu người phạm lỗi gặp khó khăn đột xuất trong đời sống thì có thể tạm thời được hoãn việc bồi thường; trường hợp cá biệt, xét nên có sự chiếu cố đặc biệt, thì cũng có thể được giảm, miễn mức bồi thường. Nếu người phạm lỗi đã trả được từ 50% số tiền bồi thường trở lên và tích cực làm việc, có thành tích trong công tác và sản xuất thì, tuỳ mức độ thành tích, có thể được giảm, miễn số tiền còn lại; trường hợp cá biệt, có thành tích rất xuất sắc trong công tác và sản xuất thì, tuy chưa trả được 50% số tiền bồi thường, cũng có thể được giảm, miễn số tiền còn lại. III- THỦ TỤC XỬ LÝ Điều 15- Những vụ do vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, đều do xí nghiệp, cơ quan có trách nhiệm quản lý tài sản bị thiệt hại xử lý, trừ những trường hợp miễn, giảm mức bồi thường nói ở các điều 12 và 14. Thẩm quyền xử lý của từng loại xí nghiệp, cơ quan do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố quy định đối với các đơn vị thuộc địa phương, bộ chủ quản quy định đối với các đơn vị thuộc Trung ương. Các việc miễn, giảm mức bồi thường nói ở các điều 12 và 14 do thủ trưởng xí nghiệp, cơ quan đề nghị và do cơ quan cấp trên quyết định, sau khi bàn bạc với cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp. Điều 16- Nếu sự việc rõ ràng, thiệt hại không lớn, người phạm lỗi nhận trách nhiệm bồi thường thì, trong thời hạn ngắn nhất, thủ trưởng đơn vị phải xét và quyết định mức bồi thường, sau khi bàn bạc với ban chấp hành công đoàn cơ sở và kế toán trưởng (hay người phụ trách kế toán của đơn vị, nếu đơn vị chưa có kế toán trưởng). Gặp sự việc phức tạp, thiệt hại tương đối lớn thì thủ trưởng đơn vị phải khẩn trương tiến hành công việc điều tra, xác định; phải có kết luận của người có thẩm quyền về kỹ thuật, về những vấn đề có liên quan đến kỹ thuật, phải đưa ra Hội đồng kỷ luật xét và bàn bạc với kế toán trưởng trước khi quyết định việc bồi thường. Quyết định của thủ trưởng đơn vị phải viết thành văn bản chính thức để lưu ở hồ sơ của đơn vị và gửi lên cấp trên để báo cáo. Quyết định bồi thường có hiệu lực thi hành ngay sau khi công bố, nhưng người phạm lỗi có quyền gửi đơn khiếu nại lên cấp trên. Nếu người trực tiếp gây ra thiệt hại là thủ trưởng đơn vị hay cán bộ lãnh đạo cấp tương đương trong đơn vị thì việc bồi thường do thủ trưởng cơ quan cấp trên quyết định; trước khi quyết định, thủ trưởng cơ quan cấp trên phải đưa ra Hội đồng kỷ luật xét và bàn bạc với cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp. Điều 17- Thủ trưởng cơ quan cấp trên có nhiệm vụ xét các đơn khiếu nại và trả lời cho người gửi đơn, thẩm tra lại việc xử lý bồi thường ở cấp dưới và có quyền bác bỏ hay sửa đổi quyết định của cấp dưới. Điều 18- Nếu sau khi đã quyết định việc bồi thường mà phát hiện những sự việc mới, làm thay đổi nhận định trước về lỗi và mức độ lỗi, thì cơ quan có thẩm quyền phải xét và quyết định lại. IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 19 - Chế độ này thi hành thống nhất trong tất cả các cơ quan, xí nghiệp thuộc Trung ương và địa phương. Thủ trưởng các ngành ở Trung ương và Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào chế độ này, có thể quy định những điều cụ thể cần thiết để áp dụng đối với các cơ quan, xí nghiệp thuộc quyền; những quy định này phải được Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Tổng Công đoàn thoả thuận trước khi ban hành. Điều 20:- Những quy định về chế độ bồi thường do các ngành ban hành trước khi có chế độ này đều bãi bỏ. Điều 21: - Liên bộ Tài chính - Lao động - Tổng Công đoàn hướng dẫn cụ thể việc thi hành chế độ này. Chế độ này ban hành kèm theo Nghị định số 49-CP ngày 9 tháng 4 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ. |