Căn cứ Luật nghĩa vụ quân sự ngày 30-12-1981 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự 21-12-1990;
Căn cứ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích ngày 10-11-1988;
Căn cứ Điều lệ Dân quân tự vệ ban hành kèm theo Nghị định số 29/HĐBT ngày 29-01-1990;
Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng hướng dẫn bổ sung việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm như sau:
1. Bổ sung việc tạm miễn tham gia lao động công ích hàng năm
1.1. Những người trong diện làm nghĩa vụ lao động công ích hàng năm mà gia đình thực sự có khó khăn ít nhất một lần trong năm (như: thiếu đói phải cứu tế; hoặc bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro gây nên thiếu, đói), có chứng nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp (gọi tắt là xã) thì được tạm miễn tham gia lao động công ích hàng năm trong đó.
1.2. Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, được xuất ngũ (phục viên) về địa phương hoặc chuyển ngành thì được tạm miễn tham gia lao động công ích hàng năm. Cứ mỗi năm phục vụ tại ngũ được miễn tham gia lao động công ích hàng năm một năm, tính từ ngày có quyết định xuất ngũ (phục viên).
2. Quân nhân dự bị (QNDB), dân quân tự vệ (DQTV) thuộc diện làm nghĩa vụ lao động công ích hàng năm, trong những trường hợp sau đây được giảm ngày công lao động công ích các năm:
2.1. QNDB thoát ly sản xuất để làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, học tập chính trị, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu hoặc trực chiến theo kế hoạch hàng năm của Bộ Quốc phòng.
2.2. DQTV tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, học tập chính trị, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu hoặc trực chiến theo kế hoạch hàng năm của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 2.3. QNDB, DQTV và những người thuộc diện làm nghĩa vụ lao động công hàng năm nhưng không phải là QNDB hoặc DQTV được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là huyện) hoặc Chủ tịch UBND xã (đối với vùng biên giới hải đảo) trở lên điều động đi làm một trong các nhiệm vụ vây bắt, trấn áp bọn phản cách mạng hoạt động có vũ trang chống lại Đảng và chính quyền; người vượt biên, vượt biển trái phép; bọn biệt kích, gián điệp, thổ phỉ, giặc lái; tàu thuyền lạ xâm phạm hải phận; tàu thuyền của bọn thám báo, cướp biển.
Việc giảm ngày công lao động công ích hàng năm được thực hiện như sau: Cứ mỗi ngày làm nhiệm vụ được giảm một ngày lao động công ích; nhưng thời gian được giảm tối đa là 10 ngày trong năm có làm các nhiệm vụ nói trên.
Trong những ngày tập trung làm nhiệm vụ được giảm thời gian lao động công ích hàng năm, QNDB, DQTV còn được hưởng các quyền lợi chế độ quy định tại Thông tư số 598/TC-QP ngày 16-5-1991 của Liên Bộ Tài chính - Quốc phòng.
3. Những công việc thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được sử dụng ngày công lao động công ích hàng năm
3.1. Xây dựng sân bay, khu căn cứ, đường giao thông quân sự, công trình quốc phòng theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng ở địa phương.
3.2. Chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở nơi có chiến sự xảy ra theo lệnh điều động của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã trở lên, gồm: đào đắp công sự, làm đường theo phương án phòng thủ ở địa phương; cấp cứu, tải thương, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng; sửa chữa, bảo quản vũ khí; giao thông liên lạc hoả tốc cho quân sự; khắc phục hậu quả sau khi địch đánh phá như cứu sập, chữa cháy, chôn cất người chết, thu dọn nơi bị địch đánh phá v.v... canh gác, áp giải tù binh.
Trường hợp chiến sự lớn trên diện rộng và kéo dài ngày thì sử dụng lao động công ích trong trường hợp khẩn cấp (quy định tại chương II Pháp lệnh nghĩa lao động công ích).
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Hàng năm, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập kế hoạch nhu cầu về số ngày công lao động công ích hàng năm gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ Ban Kế hoạch để đưa vào kế hoạch huy động sử dụng lao động công ích hàng năm của địa phương; đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để xem xét điều hoà chung. Kế hoạch bao gồm hai phần:
- Kế hoạch chi tiết về nhu cầu số ngày công lao động công ích cần thiết để thực hiện nội dụng ở từng điểm (2.1) (2.2) và (3.3) nêu trên.
- Kế hoạch dự phòng về nhu cầu số ngày công lao động công ích cần thiết để thực hiện nội dung ở từng điểm (2.3) và (3.2) nêu trên.
Trong năm nếu có yêu cầu tăng, giảm thì lập kế hoạch điều chỉnh.
Các bản kế hoạch của Bộ chỉ huy quân sự thuộc loại tối mật, phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ bảo mật.
4.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan rà soát lại kế hoạch về nhu cầu ngày công ở từng công trình thuộc từng ngành (thuỷ lợi, quốc phòng, giao thông) sử dụng; tính toán khả năng nguồn lao động công ích của địa phương; lập kế hoạch huy động sử dụng lao động công ích hàng năm và tổ chức thực hiện trong phạm vi tỉnh, thành phố.
Việc xây dựng kế hoạch và đôn đốc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch cần ưu tiên cho nhu cầu làm đê điều, kè cống và nhu cầu xây dựng các công trình quốc phòng, đồng thời phải bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích giữa người có nghĩa vụ các vùng, các địa phương, đơn vị cơ sở.
Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc giảm ngày công lao động công ích hàng năm ở địa phương theo đúng chế độ quy định.
Thông tư này hướng dẫn bổ sung việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm và có hiệu lực từ ngày 01-1-1992.