Đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Hợp phần 1. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành các chiến lược Phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (chiến lược cải cách pháp luật) và chiến lược về cải cách tư pháp tới năm 2020 (chiến lược cải cách tư pháp). Tổng kết, đánh giá đầy đủ quá trình và hiệu quả 5 năm triển khai Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 900/UBTVQH11 về kế hoạch triển khai Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ chính trị.
Đồng thời đánh giá nhu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và các năm tiếp theo (trước mắt là chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII và XIV), phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020.
Xây dựng cơ chế đánh giá và giám sát việc thực thi chiến lược xây dựng pháp luật giai đoạn 2011 – 2020. Hợp phần này dự kiến do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chủ trì, phối hợp Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội thực hiện.
Tăng cường đối thoại về chính sách pháp luật
Hợp phần 2. Điều phối quan hệ đối tác giữa Chính phủ, các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác trong xã hội nhằm thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và chiến lược cải cách tư pháp thông qua việc tăng cường đối thoại chính sách trong lĩnh vực pháp luật. Củng cố và duy trì mô hình diễn đàn đối tác pháp luật như đã quy định trong Nghị định 78 về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật và kế hoạch chung thực hiện Một Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý công tác điều phối hoạt động hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Tăng cường công tác truyền thông, đối thoại chính sách giữa chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức xã hội.
Hợp phần này dự kiến do Bộ Tư pháp thực hiện.
Nâng cao vai trò theo dõi thi hành pháp luật
Hợp phần 3. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập. Nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển ngành tư pháp và kế hoạch phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của ngành về xây dựng pháp luật, hợp tác pháp luật và một số lĩnh vực khác.
Đặc biệt, dự án dành một phần ngân sách đáng kể nhằm tăng cường vai trò mới của Bộ Tư pháp về theo dõi thi hành pháp luật.
Hợp phần này dự kiến do Bộ Tư pháp thực hiện.
Xây dựng bộ chỉ số tư pháp cấp tỉnh
Hợp phần 4. Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền, trong đó dự kiến các nội dung chính là xây dựng bộ chỉ số tư pháp cấp tỉnh (Provincial Justice Index - JPI). Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược về trao quyền pháp lý cho người nghèo, phối hợp triển khai sáng kiến của UNDP toàn cầu về trao quyền pháp lý cho người nghèo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tăng cường việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền và nội luật hóa các cam kết quốc tế này vào pháp luật trong nước.
Hợp phần này dự kiến do một số đơn vị khác trong và ngoài Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngoại giao và một số Sở Tư pháp địa phương thực hiện.
Hỗ trợ sáng kiến và thử nghiệm về cải cách tư pháp
Hợp phần 5. Tăng cường cải cách tư pháp thông qua hỗ trợ nghiên cứu các vấn đề và sáng kiến mang tính liên ngành. Trong đó có việc nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, vai trò của cải cách tư pháp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Nghiên cứu so sánh công tác quản lý tòa án, đổi mới các chức danh và công chức tư pháp. Hỗ trợ các sáng kiến và thử nghiệm về cải cách tư pháp có tính chất liên ngành theo phương pháp hỗ trợ linh hoạt.
Hợp phần này dự kiến sẽ do Ban thư ký Ban chỉ đạo cải cách tư pháp chủ trì thực hiện.