Các sự kiện sắp được tổ chức trong tháng 12/2012

Các sự kiện sắp được tổ chức trong tháng 12/2012

 

Ngày 12 tháng 12 năm 2012:

 

DIỄN ĐÀN ĐỐI TÁC PHÁP LUẬT NĂM 2012:

“Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”

 

Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012 về “Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam” sẽ được tổ chức vào ngày 12 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội.

Đây là hoạt động thường niên do Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ phối hợp tổ chức trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai Bên.

Mục đích của việc tổ chức Diễn đàn là nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, tiến trình sửa đổi Hiến pháp, một vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Dự kiến các nội dung cụ thể được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012 bao gồm:

(1) Cập nhật thông tin về tình hình thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cải cách pháp luật của Việt Nam trong năm 2012;

(2) Cập nhật thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012 – 2016; và

(3) Sơ lược tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992 tính đến thời điểm cuối năm 2012.

Thành phần tham dự Diễn đàn gồm đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng (Vụ Pháp luật và Cải cách tư pháp), một số cơ quan của Quốc hội (Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội); Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ; một số Bộ, ngành; một số Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật, Hội luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư; một số Sở Tư pháp địa phương; đại diện một số Cơ quan đại diện ngoại giao của một số nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ  trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp...

Đầu mối liên hệ: Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ  Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp, ĐT: 62739523, email: oanhdh@moj.gov.vn 

 

Ngày 10 – 11 tháng 12 năm 2012:

 

HỘI THẢO

Lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu

đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp và phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp

 

Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 10-11 tháng 12 năm 2012 tại Hải Phòng với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương.

Thực hiện các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, và nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban tư pháp đã được thành lập với một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chức năng giám sát đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Nhằm góp phần hoàn thiện chức năng giám sát này của Uỷ ban tư pháp, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do UNDP tài trợ, trong năm 2012 Tiểu dự án Uỷ ban tư pháp sẽ tiến hành xây dựng Báo cáo nghiên cứu về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp và phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp”.

Để góp phần hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp và phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp”, theo kế hoạch hoạt động năm 2012, Tiểu dự án Uỷ ban tư pháp của Quốc hội dự kiến sẽ chủ trì tổ chức một cuộc hội thảo để thảo luận, thu thập ý kiến góp ý của đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương, chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đối với bản dự thảo Báo cáo nghiên cứu này. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại hội thảo, nhóm chuyên gia trong nước sẽ tiến hành chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo, đảm bảo thực hiện đúng các mục đích và yêu cầu đặt ra.

Mục tiêu của hội thảo nhằm: Lấy ý kiến, đóng góp của các đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý vào dự thảo Báo cáo nghiên cứu. Trên cơ sở thảo luận, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, những vướng mắc, hạn chế và đề xuất giải pháp kiến nghị “đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp và phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp”. Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung sau:

-          Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử,  thi hành án, bổ trợ tư pháp;

-          Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội đối với hoạt phòng, chống tham nhũng;

-          Kinh nghiệm của Belarus trong việc giám sát đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp và phòng, chống tham nhũng.

-          Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của Trung Quốc và UNDP liên quan đến nội dung nghiên cứu.

  Đầu mối liên hệ: Mai Thị Phương Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp của Quốc hội, ĐT: 08046651, email: hoamp@qh.gov.vn 


 

Tháng 12 năm 2012:

 

HỘI THẢO

“Nghiên cứu đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”

 

Hội thảo sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tại Hải Phòng với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương.

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước. Việc nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho sự phát triển của đất nước và cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn tới. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, các nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi phải được các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về Hiến pháp, về Nhà nước và pháp luật tập trung nghiên cứu, đề xuất.

Được sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do UNDP tài trợ, Tiểu dự án Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp các hoạt động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần thiết để triển khai nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Nhóm chuyên gia đã xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 liên quan đến các vấn đề: xây dựng Nhà nước pháp quyền; chính quyền địa phương; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cơ chế xử lý vi phạm Hiến pháp; kỹ thuật lập hiến.

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia trong nước, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính sẽ tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Mục đích của hội thảo là nhằm Góp ý vào Dự thảo Báo cáo nghiên cứu của Nhóm chuyên gia nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; hoàn thiện các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong Dự thảo Báo cáo, phục vụ cho việc đề xuất của Bộ Tư pháp về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; và chia sẻ thông tin trong nghiên cứu khoa học.

Dự kiến các nội dung cụ thể được trao đổi, thảo luận tại hội thảo bao gồm:

(1) Nghiên cứu đề xuất các vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nhằm thực hiện nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó tập trung vào các chế định của Hiến pháp có liên quan đến việc tổ chức thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

(2) Nghiên cứu đề xuất các vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 liên quan đến chính quyền địa phương; 

(3) Nghiên cứu đề xuất các vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

(4) Nghiên cứu đề xuất các vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 liên quan đến cơ chế xử lý vi phạm Hiến pháp; và

(5) Nghiên cứu đề xuất các vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 liên quan đến kỹ thuật lập hiến nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

  Đầu mối liên hệ: Chu Thị Thái Hà, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ tư pháp, tel: 62739412; email: hactt@moj.gov.vn  

 

Ngày 20 – 21 tháng 12 năm 2012

 

HỘI THẢO

Khung pháp lý của Việt Nam và quốc tế về quyền của người đồng tính,

chuyển giới trong lĩnh vực hôn nhân gia đình

Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 20-21 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương.

Sau gần 12 năm thi hành, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ) đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Luật HNGĐ đã có một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với cuộc sống, chưa thống nhất với các văn bản luật có liên quan trong các quy định liên quan đến bảo đảm thực chất về thực hiện quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bảo vệ bà mẹ, trẻ em và những người yếu thế khác; lợi ích của thành viên gia đình...

Trong đó, quyền của người đồng tính, người chuyển giới trong hôn nhân và gia đình đã và đang là vấn đề thực tiễn và pháp lý được xã hội quan tâm. Theo Luật HNGĐ hiện hành, những người cùng giới tính bị cấm kết hôn (khoản 5, Điều 10), nhưng trong thực tiễn xã hội, việc tổ chức hôn lễ và quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra trên thực tế, công khai, hoặc bán công khai và đang có chiều hướng gia tăng về số lượng.

Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự nói chung, quyền của người đồng tính, chuyển giới nói riêng, hiện tại Bộ Tư pháp đã và đang tiến hành nghiên cứu, thu thập các ý kiến từ các bộ, ngành, tổ chức ở trung ương và địa phương, các chủ thể có liên quan trong xã hội về việc đánh giá thực trạng pháp luật và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HNGĐ đối với các chế định liên quan đến quyền của người đồng tính, chuyển giới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Với mục tiêu hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động năm 2012, Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (do UNDP hỗ trợ) đặt ra vấn đề tổ chức Hội thảo về khung pháp lý của Việt Nam và quốc tế về quyền của người đồng tính, chuyển giới trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, xem xét trên cơ sở các tiêu chí quốc tế về quyền con người nhằm góp phần hoàn thiện Luật HNGD đối với vấn đề nêu trên. Hội thảo hướng tới các mục tiêu sau:

(1) cung cấp thông tin và thảo luận về các tiêu chí quốc về quyền con người, trong đó có quyền của người đồng tính, chuyển giới;

(2) trao đổi, tham khảo kinh nghiệm về điều chỉnh pháp luật của một số nước trên thế giới, đặc biệt các nước đã thừa nhận hôn nhân đồng tính hoặc thừa nhận kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính, cũng như những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau ở những nước này hoặc trên thế giới;

(3) cung cấp thông tin và thảo luận về những vấn đề xã hội và pháp lý liên quan đến quyền của người đồng tính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở Việt Nam;

(4) thảo luận về những yêu cầu đặt ra trong sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quyền của người đồng tính, chuyển giới trong hôn nhân và gia đình.

 Đầu mối liên hệ: Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ tư pháp, tel: 62739421; email: huedd@moj.gov.vn