Quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt

10/04/2019
Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) được Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ ba) thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014[1]. Trong đó, một trong những quy định được Luật XLVPHC “luật hóa” là nội dung về quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt. Thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục kịp thời được tháo gỡ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
I. CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH, CHỨNG TỪ THU, NỘP TIỀN PHẠT
1. Về tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính[2]. Theo đó, phạt tiền và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong năm hình thức xử phạt được quy định trong Luật XLVPHC[3], trong đó, phạt tiền được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung.
Phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng phổ biến. Nhà nước buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt vi phạm hành chính phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật XLVPHC thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính bao gồm các loại tiền sau:
Thứ nhất, tiền nộp phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền.
Để thu tiền xử phạt vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn này thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt[4].
Thứ ba, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác.
Để thực hiện thu tiền phạt vào ngân sách nhà nước, pháp luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định cụ thể về hình thức thu, nộp tiền phạt[5]. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong bốn hình thức sau:
(1) Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
(2) Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
(3) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật XLVPHC, trường hợp xử phạt vi phạm hành chính tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn, trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật XLVPHC hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam.
(4) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích[6].
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cụ thể, chi tiết về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính và thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính[7].
2. Về quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 2 Điều 83 Luật XLVPHC quy định “Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Cụ thể hóa quy định của Luật XLVPHC, khoản 5, khoản 6 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014) quy định: Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều tiết khoản thu phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách địa phương. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Căn cứ các văn bản pháp luật nêu trên có thể thấy tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương.
Đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, từ  tháng 7 năm 2013[8] đến hết năm 2016[9], để bảo đảm ổn định phân cấp ngân sách, không làm xáo trộn nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2016, trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội xác định thu tiền phạt vi phạm hành chính là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%; riêng tiền phạt an toàn giao thông là khoản thu thực hiện điều tiết về ngân sách Trung ương 70%, ngân sách địa phương 30% (như cơ chế đã thực hiện trước tháng 7/2013)[10]. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước năm 2014[11], Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định[12] về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó quy định: Khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật XLVPHC là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, riêng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa là khoản thu phân chia điều tiết về ngân sách trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%. Kinh phí đảm bảo hoạt động cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
Từ năm 2017, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm cả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào xử phạt sẽ phân cấp cho ngân sách cấp đó hưởng 100%. Theo đó, trong các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% có “Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện[13]. Trong các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% có “Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện”[14].
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% là “tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu”[15]. Khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% là “tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu”[16].
Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật XLVPHC, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Quyết định[17] của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, từ năm 2017, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa) do cơ quan, đơn vị cấp nào thực hiện (trung ương, địa phương) thì ngân sách cấp đó (trung ương, địa phương) hưởng 100%, theo đó:
- Các khoản thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do lực lượng xử phạt thuộc cơ quan, đơn vị trung ương thực hiện, gồm: Công an (trừ Công an xã), Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của Bộ Giao thông vận tải (Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Cảng vụ đường thủy nội địa) và các lực lượng xử phạt thuộc trung ương khác (nếu có) xử phạt là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.
- Các khoản thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do các lực lượng ở địa phương xử phạt (Công an xã, Thanh tra thuộc Sở Giao thông vận tải, Thanh tra thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường, cơ quan cảng vụ thuộc địa phương và các lực lượng xử phạt thuộc địa phương khác (nếu có) là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%.
Theo quy định nêu trên, thì khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thuộc khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% là rất hạn chế, khó khăn cho các địa phương trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm vì phần kinh phí do lực lượng xử phạt thuộc cơ quan, đơn vị trung ương thực hiện, trong đó có lực lượng công an nhân dân trung ương (trừ công an xã) được tổ chức, hoạt động và thực hiện xử phạt trên địa bàn địa phương thuộc khoản thu ngân sách trung ương hưởng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc có nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, phương án được đưa ra là thực hiện cơ chế bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương[18] để hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn địa phương, vì vậy, trong Nghị quyết[19] về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 của Quốc hội nêu rõ “Trong giai đoạn 2018-2020, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành. Bố trí 30% còn lại cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc, thực hiện mua sắm tập trung một số phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ phục vụ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn”[20].
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan, ngày 02/01/2018 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, quy định rõ “Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương 70%  số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành (dự toán năm 2018 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2016; dự toán năm 2019 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2017 và dự toán năm 2020 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2018)”.[21] Riêng năm 2018, địa phương sử dụng 70% số kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương từ nguồn xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông cho lực lượng công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, 30% còn lại cho các lực lượng khác của địa phương tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn theo đúng quy định tại Điểm 7.2, Khoản 7, Mục II Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018[22].
Đối với Bộ Công an, Bộ Công an lập dự toán chi đảm bảo trật tự an toàn giao thông nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông được giao. Giai đoạn 2018-2020, Bộ Công an lập dự toán chi đảm bảo trật tự an toàn giao thông tương ứng 30% nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng năm trước liền kề năm hiện hành, trong đó chi tiết: Phần Bộ Công an và các đơn vị trực thuộc trực tiếp thực hiện; Phần hỗ trợ công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn[23].
Năm 2019, dự toán chi từ khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính của ngân sách trung ương trong lĩnh vực an toàn giao thông tiếp tục được quy định tại Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, theo đó, “Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm 2017; giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông được điều tiết từ ngân sách trung ương về ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ưu tiên cho lực lượng Công an, Thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Bố trí 30% còn lại cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc, thực hiện mua sắm một số phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ phục vụ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn”[24].
Cũng theo quy định tại Thông tư số 119/2018/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, thì “Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương tương ứng 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng thực phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm 2017. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ưu tiên cho lực lượng công an, thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nội dung chi, mức chi được thực hiện theo quy định riêng của Bộ Tài chính[25].
Ngoài việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương như đã nêu trên, cũng theo quy định của Thông tư số 119/2018/TT-BTC, từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, số thu từ xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường[26] thực hiện điều tiết 100% số thu về ngân sách trung ương[27].
3. Về chứng từ thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Chứng từ thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, “chứng từ thu, nộp tiền phạt được quản lý theo quy định của Chính phủ”[28].
Điều 11 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2013/NĐ-CP) đã quy định cụ thể về chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính. Về các loại chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt; việc phát hành biên lai thu tiền phạt; về sử dụng biên lai thu tiền phạt; về quản lý biên lai thu tiền phạt, bảo đảm phù hợp với các quy định về hình thức nộp tiền phạt vi phạm hành chính, trong đó có hình thức nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua dịch vụ bưu chính công ích[29], cụ thể:
Chứng từ thu, nộp tiền phạt, tiền chậm nộp phạt được in, phát hành, quản lý và sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật để xác nhận số tiền mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền thu phạt.
3.1. Về các loại chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt, bao gồm:
- Biên lai thu tiền phạt phải in sẵn mệnh giá được sử dụng để thu tiền phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 2 Điều 78 Luật XLVPHC trong trường hợp phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức;
- Biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá được sử dụng để thu tiền phạt đối với các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính còn lại và thu tiền chậm nộp phạt;
- Giấy xác nhận nộp tiền phạt vào tài khoản của Kho bạc nhà nước (nếu có);
- Giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (nếu có);
- Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật.
3.2. Việc phát hành biên lai thu tiền phạt được thực hiện như sau:
- Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức cấp biên lai thu tiền phạt cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và các cơ quan, tổ chức thu tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm tổ chức việc in và quản lý giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua dịch vụ bưu chính công ích;
- Cơ quan, tổ chức phát hành phải có thông báo phát hành bằng văn bản trước khi đưa ra sử dụng lần đầu mẫu biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính hoặc giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
- Cá nhân, tổ chức được cấp biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính, giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt, giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan.       
3.3. Về sử dụng biên lai thu tiền phạt:
- Cá nhân, tổ chức thu tiền phạt khi sử dụng biên lai thu tiền phạt phải đối chiếu các thông tin ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các nội dung ghi trên biên lai thu tiền phạt theo đúng quy định. Tổng số tiền trên các biên lai thu tiền phạt phải đúng với số tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt;
Trường hợp thu tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật XLVPHC, thì nội dung biên lai phải ghi rõ số tiền đã thu và việc thu thuộc trường hợp thu tiền chậm nộp phạt.
- Cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vi phạm hành chính có quyền từ chối nộp tiền nếu phát hiện biên lai thu tiền phạt hoặc chứng từ thu tiền không đúng mẫu quy định, ghi không đúng với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ghi không đúng số tiền phạt, chậm nộp phạt (nếu có) và báo cho cơ quan quản lý người có thẩm quyền thu tiền phạt biết để xử lý kịp thời.
3.4. Về quản lý biên lai thu tiền phạt:
- Việc quản lý biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo chế độ quản lý hiện hành phù hợp với từng loại biên lai;
- Cơ quan, tổ chức được cấp biên lai để thu tiền phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm mở sổ sách theo dõi nhập, xuất, bảo quản, lưu giữ biên lai theo chế độ kế toán hiện hành; hàng tháng, hàng quý lập báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính; hàng năm thực hiện quyết toán biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định;
- Việc hủy biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định hiện hành phù hợp với từng chủng loại biên lai.
Trên cơ sở quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quy định cụ thể nội dung, hình thức biên lai thu tiền phạt và các chứng từ thu phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính[30]; trừ giấy chứng nhận nộp tiền phạt hoặc xác nhận nộp tiền phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua dịch vụ bưu chính công ích quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 19, 20 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).
II. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH, CHỨNG TỪ THU, NỘP TIỀN PHẠT
1. Kết quả đạt được
Thời gian qua, công tác quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước là rất lớn. Theo Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật XLVPHC về tình hình xử phạt vi phạm hành chính cho thấy số vụ vi phạm hành chính đã phát hiện là 36.789.227 vụ việc, tổng số vụ việc đã xử phạt là 28.493.927 vụ việc (chiếm 77,45% số vụ vi phạm), trong đó, tổng số tiền phạt thu được là 38.543.430.058.702 đồng. Tiền thu được từ  bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 1.658.712.091.597 đồng, cụ thể như sau[31]:
- Năm 2014: Tiền phạt thu được: 11.883.944.685.169 đồng. Tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 383.744.281.055 đồng.
- Năm 2015: Tiền phạt thu được: 8.515.914.534.928 đồng. Tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 533.025.143.498 đồng.
- Năm 2016: Tiền phạt thu được: 12.674.747.484.808 đồng. Tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 532.142.482.026 đồng.
- Năm 2017 (06 tháng): Tiền phạt thu được: 5.468.823.353.797 đồng. Tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 209.800.185.018 đồng.
Thứ hai, Nhà nước đã có sự quan tâm, đầu tư kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:
- Quy định cụ thể nội dung chi và mức chi, bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt[32] với sáu đầu mục chi thuộc các khoản chi chung: (i) Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; (ii) Chi công tác phí, chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn công tác xử phạt vi phạm hành chính; (iii) Chi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các lực lượng xử phạt; (iv) Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật vi phạm; chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho hoạt động của các lực lượng xử phạt; (v) Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính; (vi) Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ. Bên cạnh đó, kinh phí ngân sách nhà nước cũng bảo đảm cho các khoản chi đặc thù, bao gồm chi phí mua tin (nếu có) và chi phụ cấp cho lực lượng trực tiếp xử phạt theo chính sách chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu có).
- Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn[33]. Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng[34].
- Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định tới 18 nội dung chi với các mức chi cụ thể[35]. Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông[36].
      Thứ ba, pháp luật hiện hành  đã có hướng dẫn về hoàn trả tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó nêu cụ thể về nguồn hoàn trả và thủ tục hoàn trả.
Thứ tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quy định cụ thể về các loại biên lai thu tiền phạt; Hình thức, nội dung biên lai thu tiền phạt; Tổ chức in, phát hành, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền và cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc thu, nộp tiền phạt.
2. Khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, công tác quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt còn có những khó khăn, vướng mắc:
Thứ nhất, việc ban hành văn bản hướng dẫn quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn chậm
Luật XLVPHC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Trong khi đó, suốt một thời gian dài (hơn ba năm, từ tháng 7 năm 2013 đến đầu năm 2017), một số nội dung chi đặc thù trong xử lý vi phạm hành chính chưa được quy định, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện như: (i) Hoạt động kiểm tra, đánh giá văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ, quyết định cưỡng chế; (ii) Hoạt động kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (iii) Chi mua, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;  (iv) Hoạt động công bố kết quả xử lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai, kinh phí phục vụ cho công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính nói chung, công tác xử phạt vi phạm hành chính nói riêng còn hạn chế
Số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm là rất lớn. Trong khi đó, số kinh phí của ngân sách đầu tư trở lại cho hoạt động này còn hạn chế. Các đầu mục chi và mức chi cho công tác xử lý vi phạm hành chính chưa nhiều như hiện nay ngoài việc bảo đảm cho các khoản chi đặc thù, Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính mới chỉ quy định sáu đầu mục chi thuộc các khoản chi chung.
Thứ ba, một số quy định về nội dung chi, mức chi cho công tác xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ, cụ thể, gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện
Ngày 28/02/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính với tổng số mười tám nội dung chi. Trong đó, có quy định nội dung chi “Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức”[37] nhưng khi quy định về mức chi thì Thông tư số 19/2017/TT-BTC chỉ quy định mức chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng[38] mà không quy định mức chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân. Bên cạnh đó, một số quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-BTC còn chưa bảo đảm sự rõ ràng, cụ thể như quy định tại khoản 17 Điều 3 Thông tư, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện liên quan đến tiêu chí, thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ phức tạp.
Thứ tư, trong một số trường hợp, việc thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính của đối tượng vi phạm còn gặp khó khăn
Hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp cá nhân vi phạm hành chính sau khi đã làm thủ tục cấp thẻ lên tàu bay. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013  của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định có bốn hình thức thu, nộp tiền phạt. Trong đó chỉ có quy định việc nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật XLVPHC, trường hợp xử phạt vi phạm hành chính tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn, trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật XLVPHC hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam, mà chưa quy định đối với trường hợp cá nhân vi phạm hành chính sau khi đã làm thủ tục cấp thẻ lên tàu bay, thì việc thu, nộp tiền phạt sẽ thực hiện như thế nào. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các lực lượng có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Thứ năm, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước chưa được thực hiện kịp thời do việc tiến hành tịch thu sung vào ngân sách nhà nước và thực hiện việc bán đấu giá hoặc tiến hành xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (trong đó có việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính) còn chậm
Hiện nay, việc tiến hành tịch thu sung vào ngân sách nhà nước và thực hiện việc bán đấu giá hoặc tiến hành xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (trong đó có việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính) còn chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân[39], trong đó có nguyên nhân xuất phát từ thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng mà cơ quan chức năng đang truy tìm hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, bán đấu giá. Một số phương tiện bị tạm giữ không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc thanh lý phương tiện bị tạm giữ còn hạn chế, trong khi thủ tục thanh lý rườm rà, phức tạp. Mặt khác, chưa có cơ chế trích lại kinh phí thu được từ bán, thanh lý phương tiện vi phạm hành chính nên gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý phương tiện vi phạm hành chính.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế
1.1. Đối với Bộ Tài chính
- Nghiên cứu, sớm có văn bản hướng dẫn hoặc đính chính quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-BTC về sự thống nhất giữa nội dung quy định tại khoản 17 Điều 3 “Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức…” và điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư số 19/2017/TT-BTC “Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng: Mức chi tối đa 500.000 đồng/hồ sơ”; đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2017/TT-BTC theo hướng quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ phức tạp.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể tình hình thực hiện các văn bản quy định về kinh phí trong công tác xử lý vi phạm hành chính, qua đó, nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các Thông tư (nếu thấy cần thiết) về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí về xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường điều tiết kinh phí phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính.
- Về lâu dài, Bộ Tài chính tham mưu, báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc thực hiện lâu dài và có hiệu quả nguồn tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính cũng như việc điều tiết nguồn kinh phí thu, chi từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực an toàn giao thông nói riêng cho công tác xử lý vi phạm hành chính.
1.2. Đối với Bộ Giao thông vận tải
Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ quy định bổ sung trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (Nghị định thay thế Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng) việc thu, nộp tiền phạt đối với cá nhân vi phạm hành chính sau khi đã làm thủ tục cấp thẻ lên tàu bay được nộp tiền phạt cho Cảng vụ Hàng không hoặc đại diện Cảng vụ Hàng không, bảo đảm thuận tiện cho người bị xử phạt, bảo đảm thu đúng, thu đủ và không làm thất thu tiền của ngân sách nhà nước.
1.3. Đối với Bộ Tư pháp
Rà soát Luật XLVPHC đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất, sửa đổi quy định về quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc thực hiện lâu dài và có hiệu quả nguồn tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính cũng như việc điều tiết nguồn kinh phí thu, chi từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực an toàn giao thông nói riêng cho công tác xử lý vi phạm hành chính.
1.4. Đối với Bộ Công an
Phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn nhằm đơn giản hóa thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và giảm các chi phí không cần thiết.
2. Về tổ chức thi hành pháp luật
2.1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắt cũng như chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng nội dung, định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định pháp luật hiện hành.
2.2. Tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung; quan tâm đầu tư kinh phí thuê, mua sắm phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính nói riêng.
2.3. Tiếp tục tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và mọi công dân trong giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, trong đó có nội dung về quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu, nộp tiền phạt.
ThS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng, Cục QLXLVPHC&TDTHPL
 
[1] Khoản 1 Điều 141 Luật XLVPHC.
[2] Khoản  2 Điều 2 Luật XLVPHC.
[3] Điều 21 Luật XLVPHC quy định:
“1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính  (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính”.
 
[4] Khoản 1 Điều 78 Luật XLVPHC.
[5] Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).
[6] Hình thức thu, nộp tiền phạt mới được bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 07/01/2016 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng I năm 2016.
[7] Xem khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP); Điều 4, Điều 5 Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
[8] Thời điểm Luật XLVPHC có hiệu lực thi hành (01/7/2013).
[9] Thời điểm Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành (từ năm ngân sách 2017).
[10] Trước tháng 7/2013, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông được để lại toàn bộ cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ xử phạt. Việc quản lý số tiền phạt thực hiện theo quy định tại Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các  lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Theo đó, số thu phạt được trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, 30% trích cho các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông ở địa phương (Thanh tra giao thông 10%, Ban An toàn giao thông cấp tỉnh 10%, 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia đảm bảo an toàn giao thông).
[11] Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
[12] Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2014.
[13] Xem điểm i khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
[14] Xem điểm q khoản 1 Điều 37 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
[15] Xem điểm i khoản 1 Điều 13 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.
[16] Xem điểm p khoản 1 Điều 15 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.
[17] Quyết định số 2309/QĐ-TTg ngày 29/11/2016.
[18] Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, thì “Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương” thuộc nguồn thu của ngân sách địa phương.
[19] Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14/11/2017.
[20] Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14/11/2017.
[21] Xem khoản 2 Điều 2 Thông tư số 01/2018/TT-BTC.
[22] Xem điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2018/TT-BTC.
[23] Xem điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2018/TT-BTC.
[24] Xem Điều 6 Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chín h phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
[25] Xem điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 119/2018/TT-BTC.
[26] Ngày 10 tháng  8  năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương.
[27] Xem điểm đ khoản 4 Điều 1 Thông tư số 119/2018/TT-BTC.
[28] Xem khoản 2 Điều 83 Luật XLVPHC.
[29] Xem Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2013/NĐ-CP).
[30] Xem các điều 7,8,9 Thông tư số 153/2013/TT-BTC.
[31] Số liệu được tổng hợp từ năm 2014-thời điểm cơ quan quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính được thành lập (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp); thời điểm trước đó, một số Bộ, ngành, địa phương chưa tiến hành tổng hợp số liệu.
[32] Xem Điều 11 Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 105/2014/TT-BTC).
[33] Thông tư số 193/2014/TT-BTC ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[34] Thông tư số 117/2017/TT-BTC ngày 06/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[35] Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.  
[36] Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[37] Xem khoản 17 Điều 3 Thông tư số 19/2017/TT-BTC.
[38] Xem điểm d khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 6 Thông tư số 19/2017/TT-BTC.
[39] Báo cáo số 102/BC-BTP  ngày 27/4/2018 của Bộ Tư pháp Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính.