Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

21/01/2015
Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Sáng 13/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo của Tổ nghiên cứu liên ngành về kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trong Mục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN); các Báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về một số nội dung cơ bản của của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự  năm 1999 và Bộ luật dân sự năm 2005.

Kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng các tài liệu phục vụ phiên họp thứ 16 và nêu rõ: Báo cáo của Tổ nghiên cứu liên ngành về dự thảo nội dung xây dựng Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã có những nhận xét, đánh giá sát thực với tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua, nêu được  những quan điểm, định hướng lớn về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trong thời gian tới. Báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về một số nội dung cơ bản của của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự cho thấy việc sửa đổi, bổ sung 2 Bộ luật này là cần thiết. Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi 2 Bộ luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013.

Thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện Tờ trình, Báo cáo kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (về công tác tư pháp và cải cách tư pháp), trình Tiểu ban văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo việc chỉnh lý dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Đối với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau cần trình 2 phương án, có lập luận khoa học, thuyết phục đối với mỗi phương án và thể hiện rõ quan điểm của Ban soạn thảo. Cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ những vấn đề mới phát sinh trên cơ sở phù hợp với đường lối của Đảng và Hiến pháp; khẩn trương hoàn thiện các dự thảo nói trên trình Quốc hội vào năm 2015.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, việc thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay. Đây là thời điểm, là cơ hội rất thuận lợi cho việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp trung ương, các bộ, ngành liên quan cần nắm bắt cơ hội này, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật đã được phân công theo đúng tiến độ, bám sát Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của Quốc hội Khóa XIII, bảo đảm các chủ trương của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW phải được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thể chế hóa cần báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thảo luận, tháo gỡ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Các cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan tư pháp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên cơ quan, tổ chức mình tham gia chủ động, tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao vào quá trình xây dựng, thảo luận và đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đặc biệt là phần về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, thông qua đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cải cách tư pháp, thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp đảm bảo cải cách tư pháp phải kịp thời, đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới phát triển kinh tế để góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước./.

                                                                  H.Giang