Hoàn thiện công tác tư pháp sát thực tiễn

16/11/2015
Hoàn thiện công tác tư pháp sát thực tiễn
Chiều 13/11, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) TƯ họp phiên thứ 24 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng BCĐ để góp ý về báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình công tác CCTP giai đoạn 2011-2016 và dự kiến chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2020.

Còn “rào cản” trong thực hiện CCTP

Đánh giá những kết quả đạt được qua thực hiện chương trình CCTP 5 năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, qua CCTP đã góp phần làm cho nhận thức trong Đảng, cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò, sự cần thiết công tác CCTP có chuyển biển tốt, nâng lên rõ rệt; hoàn thiện một bước căn bản hệ thống hệ thống luật pháp, cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý, chưa nên thỏa mãn, hài lòng với kết quả này” mà cần tiếp tục nỗ lực, có những giải pháp thiết thực, sát thực tiễn hơn để công tác CCTP thực sự có chiều sâu và tác động tích cực đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế nói chung và đổi mới tổ chức, hoạt động tư pháp nước nhà.

Theo đánh giá của BCĐ CCTP, qua 5 năm thực hiện chương trình công tác CCTP đã góp phần tạo chuyển biến đầy đủ, sâu  sắc hơn trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò của CCTP trong xây dựng NNPQ XHCN, bám sát cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp 2013, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp…

Dưới tác động của CCTP, công tác điều tra truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt giam, giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được tình trạng oan, sai. Công tác giám sát của cơ quan dân cử và của nhân dân được tăng cường

BCĐ cũng thừa nhận còn một số hạn chế là rào cản trong việc thực hiện nhiệm vụ “đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược CCTP đến năm 2020” như: tư tưởng bảo thủ, chậm đổi mới tư duy về tư pháp và CCTP vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong điều kiện hội nhập. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn một số sai sót, hạn chế, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận; hoạt động giám sát chưa được thực hiện rộng khắp, có nề nếp…

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp

Trên cơ sở kết quả đã đạt được và yêu cầu của giai đoạn tới, giai đoạn 2016-2020, BCĐ đề xuất chương trình trọng tâm công tác CCTP gồm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị mà chưa được triển khai; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp của TAND; khẩn trương quán triệt, hướng dẫn triển khai thi hành các luật, bộ luật về tổ chức, hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Hoàn thiện rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp; hoàn thiện chế định luật sư và bổ trợ tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp…

Cơ bản nhất trí với báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị đánh giá khái quát sâu sắc hơn, chỉ rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng việc xây dựng chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2020 cần đánh giá sát thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp để có giải pháp chấn chỉnh rõ nét vì “một trong những yếu tố bảo đảm cho CCTP là nguồn lực, nhưng hiện nay đào tạo nghề còn quá dễ dãi.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Doãn Khánh, cần điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cho phù hợp với thực tiễn; kiện toàn BCĐ CCTP theo hướng chuyên môn hóa để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo CCTP giai đoạn tới.

BCĐ cũng cho ý kiến về đề xuất nội dung, chương trình  làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 về những vấn đề có liên quan đến công tác CCTP./.

                                                          H.Giang