Một số kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Bắc Ninh

03/08/2015

Sau khi Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện trong toàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ chính sách và pháp luật theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đảm bảo mục tiêu, nội dung như định hướng của Nghị quyết và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Kết quả tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đã tạo sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong tỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu cơ chế chính sách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở định hướng của Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần vào quá trình quản lý điều hành và phát triển kinh tế của tỉnh.

Đối với công tác xây dựng văn bản QPPL:Từ năm 2005 đến 2015, theo thẩm quyền HĐND, UBND, tỉnh đã ban hành  544 văn bản QPPL, trong đó có 121 nghị quyết của HĐND tỉnh, 408 quyết định và 15 chỉ thị của UBND tỉnh. Các văn bản QPPL của tỉnh ban hành cơ bản đều phù hợp với các văn bản QPPL do các cơ quan Trung ương ban hành, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bắc Ninh, có tính thực tiễn, khả thi cao, có tác động tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phục vụ phát triển triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên. Sở Tư pháp, các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai nghiêm túc các quy định của Chính phủ về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản QPPL theo thẩm quyền về thể chế, chính sách, các điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh.

Trong 10 năm (2005 – 2015), Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng, Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã đã tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền trên 1000 lượt văn bản QPPL. Riêng Phòng Kiểm tra văn bản nay là Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL của Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền và giúp tự kiểm tra trên 700 lượt văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện ban hành.

Ngoài việc rà soát, hệ thống theo định kỳ hàng năm, còn được tiến hành rà soát, hệ thống theo định kỳ 5 năm, 10 năm, hệ thống hóa kỳ đầu và các đợt rà soát, hệ thống hóa theo yêu cầu, chỉ đạo... Tỉnh đã tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 2005 đến 2010, hệ thống hóa kỳ đầu từ năm 1997 (năm tái lập tỉnh) đến hết 31/12/2013 với 684 văn bản QPPL, công bố 452 văn bản còn hiệu lực; 232 văn bản hết hiệu lực; 09 văn bản hết hiệu lực 1 phần; 28 văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Qua rà soát, hệ thống hóa, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số văn bản không phù hợp với quy định của Trung ương và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh.

Bắc Ninh cũng đã triển khai tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh được thực thi trong thực tế, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là Ngành Tư pháp và đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến ngày càng đa dạng, phù hợp đến nhiều đối tượng quần chúng nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng và hình thành ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Một vấn đề quan trọng khác đó là kiện toàn tổ chức và bảo đảm điều kiện hoạt động của bộ máy xây dựng và thi hành pháp luật của địa phương so với yêu cầu của Nghị quyết và yêu cầu thực tiễn của địa phương. Tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bảo đảm các điều kiện hoạt động của bộ máy xây dựng và thi hành pháp luật của các đơn vị Sở, ngành, UBND cấp huyện. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế tại các Sở, ngành tỉnh, quyết định thành lập Phòng Pháp chế tại 14 Sở, ngành theo quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, phân công, bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các Sở, ngành còn lại và các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương. Tỉnh cũng đảm bảo cơ sở vật chất như nhà công vụ, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc thừa hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được bảo đảm đầy đủ.

                                                     Nguyễn Văn Đại