Tọa đàm tìm hiểu pháp luật và kinh nghiệm của Pháp trong xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Tọa đàm tìm hiểu pháp luật và kinh nghiệm của Pháp trong xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại

Triển khai Kế hoạch Hợp tác năm 2017 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp, ngày 4/5/2017 Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm tìm hiểu pháp luật và kinh nghiệm của Pháp trong xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Trình bày tại Tọa đàm là các chuyên gia đến từ Hội đồng thừa phát lại quốc gia và các Văn phòng Thừa phát lại tại Pháp. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện của các cơ quan Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân và Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, một số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Trước bối cảnh Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/10/2016, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trình Chính phủ. Do vậy, mục đích của Tọa đàm là nhằm mục đích thu thập thông tin, tài liệu, kinh nghiệm của Pháp trong xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài để từ đó tham khảo xây dựng các quy định pháp luật giao thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã có chủ trương là từng bước giao thừa phát lại tống đạt các văn bản tư pháp và ngoài tư pháp do nước ngoài gửi vào Việt Nam trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.  

Tọa đàm lần lượt nghe các tham luận của hai bên gồm: Giới thiệu quy định pháp luật Việt Nam về việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu về dân sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (do đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp trình bày); Giới thiệu các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại Cộng hòa Pháp trong tống đạt giấy tờ của nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong thực tiễn thực thi hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài trong lĩnh vực dân sự (do chuyên gia Pháp trình bày). Tọa đàm cũng giành thời gian thảo luận sôi nổi giữa các đại biểu tham dự với Hội đồng thừa phát lại Pháp về xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và thực tiễn thực thi Công ước tống đạt thông qua thừa phát lại.

Hàng năm, Bộ Tư pháp tiếp nhận và chuyển khoảng 800 yêu cầu tống đạt giấy tờ từ phía cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho Tòa án Việt Nam. Các thông tin về pháp luật và thực tiễn hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài thông qua Thừa phát lại tại Pháp được các chuyên gia của Hội đồng quốc gia Thừa phát lại Pháp chia sẻ sẽ được Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu xây dựng các quy định pháp luật về giao thừa phát lại thực hiện việc tống đạt giấy tờ nước ngoài, qua đó giảm tải công việc cho các Tòa án đồng thời tăng cường vai trò, mở rộng phạm vi hoạt động cho thừa phát lại nhằm thúc đẩy thừa phát lại phát triển hơn nữa tại Việt Nam.
Phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế
 
​​​