Giới thiệu sơ lược về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2015 (phần thứ tư)

Giới thiệu sơ lược về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2015 (phần thứ tư)

Thực hiện vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp, theo quy định của Điều 62 Luật TTTP và Điều 6 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP và thực hiện yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Công văn số 2269/VPQH-TH ngày 18/9/2015 của Văn phòng Quốc hội phục vụ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, Chính phủ báo cáo Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2015. Vụ Pháp luật quốc tế tiếp tục thông tin về Phần thứ tư: Tình hình thực hiện ủy thác tư pháp.

1. Tình hình thực hiện UTTP về dân sự

Trong năm 2015 số lượng yêu cầu UTTP về dân sự của Việt Nam gửi đi và yêu cầu UTTP về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đến Việt Nam vẫn duy trì ở mức tương đương với năm 2014 (Số liệu thực hiện UTTP về dân sự cụ thể xin xem Phụ lục 2).

a) UTTP theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam

- Tổng số yêu cầu UTTP của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi đi qua đầu mối Bộ Tư pháp là 3149 yêu cầu. Trong đó có 2661 yêu cầu (chiếm gần 85% tổng số yêu cầu UTTP) được gửi đến những nước chưa có điều ước quốc về TTTP với Việt Nam.

- Tổng số yêu cầu UTTP có trả lời là 2126/3149 yêu cầu (chiếm gần 68%).

Các hồ sơ UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn chủ yếu là tống đạt giấy tờ, tài liệu, bản án, các quyết định của Tòa án, yêu cầu về thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc, tập trung ở các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động và các vụ việc về hộ tịch.

Các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam gửi yêu cầu UTTP nhiều nhất vẫn là Hoa Kỳ, Ca-na-đa, lãnh thổ Đài Loan, Ốt-xtờ-rây-li-a và Hàn Quốc.

So sánh kết quả chung thực hiện yêu cầu UTTP gửi ra nước ngoài năm 2015 với năm 2014 cho thấy tỷ lệ yêu cầu UTTP gửi đi có trả lời tăng gần 15%[1]. Tuy nhiên, tỷ lệ có trả lời từ những nước đã có điều ước quốc tế với Việt Nam lại giảm 6%.

b) UTTP theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

Bộ Tư pháp đã nhận được 805 yêu cầu UTTP về dân sự của của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện. Kết quả thực hiện được theo điều ước quốc tế đạt 57%, kết quả thực hiện cho các nước chưa có điều ước quốc tế là 59%, nhìn chung đều tăng so với kết quả thực hiện năm 2014[2].

Cũng tương tự như UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài liên quan chủ yếu đến tống đạt giấy tờ, tài liệu, thu thập chứng cứ, lấy lời khai đương sự trong các vụ việc về hôn nhân và gia đình, xác minh quan hệ cha-mẹ-con, yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn, yêu cầu về quyền nuôi con sau khi ly hôn, các vụ việc thương mại và lao động.

2. Tình hình thực hiện UTTP về hình sự

Theo Báo cáo của VKSNDTC, tình hình thực hiện UTTP về hình sự cụ thể như sau:

a) UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

VKSNDTC đã thụ lý và giải quyết 241 hồ sơ UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (trong đó 84% yêu cầu liên quan đến các nước đã ký Hiệp định với Việt Nam như Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Hung-ga-ri và Hàn Quốc).

Nội dung yêu cầu TTTP về hình sự chủ yếu liên quan đến việc xác minh, thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt tài liệu, giấy tờ, chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số yêu cầu liên quan đến lĩnh vực và tội phạm nghiêm trọng như giết người, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đưa hối lộ và tội phạm công nghệ cao.

Ngoài ra, VKSNDTC đã phối hợp với Bộ Công an tạo điều kiện và hỗ trợ người tiến hành tố tụng nước ngoài đến Việt Nam tham gia chứng kiến quá trình thực hiện yêu cầu TTTP về hình sự hoặc đưa điều tra viên ra nước ngoài làm chứng trong vụ án liên quan đến công dân Việt Nam[3].

b) UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam

VKSNDTC đã thụ lý, giải quyết 157 hồ sơ UTTP theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (trong đó 78% yêu cầu liên quan đến các nước đã ký Hiệp định với Việt Nam như Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, CHDCND Lào và Liên bang Nga). Nội dung yêu cầu UTTP chủ yếu liên quan đến việc thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt tài liệu, giấy tờ. Đáng chú ý, có một số yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam liên quan đến thu hồi tài sản do phạm tội mà có ở các nước (như vụ Vinashinlines).

Số lượng các yêu cầu UTTP gửi đi các nước có chiều hướng gia tăng (bằng 111% so với cùng kỳ năm 2014). Bên cạnh đó, các yêu cầu UTTP ngày càng đa dạng và phức tạp, liên quan đến nhiều tội phạm nghiêm trọng như tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các tội phạm ma túy, giết người và hiếp dâm.

VKSNDTC đã chủ động làm việc trực tiếp với các Cơ quan trung ương và cơ quan tố tụng có thẩm quyền của nước ngoài để kịp thời phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh và đôn đốc thực hiện các yêu cầu còn tồn đọng.

3. Về thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT[4]

a) Về dẫn độ

Bộ Công an đã lập và chuyển 12 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam (07 yêu cầu dẫn độ qua kênh chính thức, 05 yêu cầu qua kênh hợp tác trực tiếp), trong đó 04 đối tượng đã bị dẫn độ về Việt Nam, 01 đối tượng bị bắt khi trở về Việt Nam theo thông tin do phía nước ngoài cung cấp; tiếp nhận và xử lý 04 yêu cầu dẫn độ của phía nước ngoài (02 yêu cầu của Liên bang Nga, 01 yêu cầu của Tuy-ni-di và 01 yêu cầu của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len), trong đó 01 đối tượng đã bị dẫn độ về Liên bang Nga; đang phối hợp với TANDTC giải quyết 01 yêu cầu dẫn độ của Cộng hòa Séc.

b) Về chuyển giao NĐCHHPT

Bộ Công an đã chuyển giao 02 đối tượng về Hàn Quốc, tiếp nhận và giải quyết 02 hồ sơ chuyển giao NĐCHHPT từ nước ngoài về Việt Nam và phối hợp cung cấp thông tin về 04 trường hợp để xem xét việc chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1]Năm 2014 số yêu cầu UTTP gửi đi nước ngoài có trả lời là 1793/3360 yêu cầu (chiếm gần 53%).

[2]Năm 2014 tỷ lệ yêu cầu UTTP của nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện có trả lời đạt 50%.

[3]Viện KSNDTC đã phối hợp Đoàn công tác của Bộ Pháp vụ lãnh thổ Đài Loan tham gia quá trình thu thập chứng cứ tại Việt Nam vào tháng 4/2015; đưa điều tra viên sang làm chứng vụ Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết, đối tượng bị tòa án cấp sơ thẩm của Malaysia tuyên phạt tử hình về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

[4]Số liệu được cập nhật từ Công văn số 2344/BCA-V19 ngày 20/10/2015 của Bộ Công an về chuẩn bị báo cáo công tác TTTP năm 2015 trình Quốc hội khóa XIII và Phụ lục về Kết quả đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù và kết quả thực hiện công tác dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù của Bộ Công an giai đoạn từ 01/10/2014 đến 30/9/2015 (gửi kèm Công văn số 2344/BCA-V19).