Một số quy định mới về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 2015

30/09/2018
Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tội phạm môi trường tại Chương XIX gồm 12 điều, từ Điều 235 đến Điều 246. Dưới đây là các nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Qua thực tiễn thi hành các quy định về môi trường đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường trong đó chủ yếu là do việc quy định cấu thành tội phạm còn chung chung và khó áp dụng như quy định cấu thành vật chất (đòi hỏi hành vi phạm tội phải gây ra hậu quả mới xử lý về hình sự), chưa quy định chủ thể của tội phạm về môi môi trường là các pháp nhân...
Nội dung sửa đổi, bổ sung
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), tội đưa chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239)...
- Bộ luật hình sự năm 2015 cũng bổ sung 01 tội danh mới là Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238) nhằm xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đề điều, phòng, chống thiên tai; bảo vệ bờ, bãi sông; các hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng công trình thủy lợi, đề điều, phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; không tuân thủ quy trình, quy chuẩn vận hành hồ chức, liên hồ chức, công trình phân lũ, làm chậm lũ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với cá nhân, mức phạt tiền lên tới 2 tỷ đồng, mức phạt tù lên đến 7 năm. Đối với pháp nhân, mức phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng, thậm chí có trường hợp bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 
- Bộ luật hình sự năm 2015 cũng bổ sung trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với đa số các tội phạm về môi trường. Đó là, Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242);  Tội hủy hoại rừng (Điều 243);  Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246); 
- Bộ luật hình sự năm 2015 mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền: hình phạt tiền đã được bổ sung tại khung cơ bản tại khoản 1 Điều 241 (cụ thể: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm). Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (đây là điều luật duy nhất không quy định hình phạt tiền tại khung cơ bản tại Bộ luật hình sự năm 1999). Hình phạt đã được quy định tại khung tăng nặng của một số tội (như: Tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm).