Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam

12/04/2017
Ngày 11 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Quyết định này gồm các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Quy hoạch phát triển điện mặt trời
Theo Quyết định, quy hoạch phát triển điện mặt trời bao gồm quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh. Quy hoạch phát triển điện mặt trời làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện mặt trời, được điều chỉnh phù hợp với các nghiên cứu, đánh giá tiềm năng mặt trời trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia và quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh được lập một lần cho giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và được điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết. Từ các giai đoạn quy hoạch sau, quy hoạch phát triển điện mặt trời được lồng ghép vào Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện mặt trời chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới, không áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Lập, phê duyệt và công bố quy hoạch phát triển điện mặt trời
Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đã được phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời tổ chức lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Việc công bố và điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.
Nội dung chính của Quy hoạch phát triển điện mặt trời gồm: 1- Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia có các nội dung chính như: Tiềm năng năng lượng mặt trời của các địa phương; Danh mục các dự án điện mặt trời; Định hướng đấu nối các dự án điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia; 2- Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh có các nội dung chính: Tiềm năng năng lượng mặt trời của tỉnh; Diện tích và ranh giới các khu vực phát triển các dự án điện mặt trời; Danh mục các dự án điện mặt trời; Quy mô công suất của từng dự án điện mặt trời và phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Một số cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời
Trách nhiệm mua điện từ các dự án điện mặt trời: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại. Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện mặt trời được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời do Bộ Công Thương ban hành. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Bên bán điện có đầy đủ hồ sơ và văn bản đề nghị bán điện, Bên mua điện và Bên bán điện tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau 20 năm, hai bên có thể gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ưu đãi về vốn đầu tư và thuế:
Huy động vốn đầu tư: Tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời được huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thuế nhập khẩu: Dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.
Ưu đãi về đất đai: Các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.
Về giá điện của các dự án điện mặt trời:
Đối với dự án nối lưới: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. Việc điều chỉnh giá mua bán điện theo biến động của tỷ giá đồng/USD cho các dự án nối lưới được thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành.
Đối với dự án trên mái nhà: Các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Quyết định này. Hằng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời nêu trên được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đối với các dự án nối lưới và dự án trên mái nhà có hợp đồng mua bán điện được ký trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực, hai bên có trách nhiệm thỏa thuận, ký kết Hợp đồng sửa đổi theo quy định của Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2019.