Nghị định về quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

20/02/2017
Ngày 09/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2017/NĐ-CP  về Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 Nghị định s 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hưng dẫn thi hành một sđiều Luật thuế giá trị gia tăng.
 
Theo đó, Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với một số nội dung sau:
Quy chế quy định việc quản lý tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định về quản lý tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của Chính phủ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế này. Nhà nước là chủ sở hữu của EVN. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan có liên quan được phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với EVN.
Vốn của EVN bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại EVN, vốn do EVN tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vốn điều lệ của EVN được ghi trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vốn điều lệ của EVN được điều chỉnh tăng trong quá trình kinh doanh, trình tự và thủ tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Nguồn bổ sung vốn điều lệ của EVN bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển; Từ nguồn tiếp nhận tài sản, tăng vốn chủ sở hữu tại EVN theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các nguồn vốn bổ sung khác theo quy định của pháp luật.
EVN được quyền chủ động sử dụng số vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều lệ Tổ chức và hoạt động của EVN; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo theo đúng quy định cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định. Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
Cũng theo Quy chế. EVN phải đảm bảo quản lý và sử dụng vốn Nhà nước có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo đúng quy định của pháp luật. EVN thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp sau đây: Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật; Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro như dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và các biện pháp khác về bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
EVN có quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của EVN theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên EVN quyết định các hợp đồng cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản có giá trị dưới 50% vốn chủ sở hữu ghi trong báo cáo tài chính quý hoặc năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản nhưng giá trị còn lại của tài sản cho thuê, thế chấp, cầm cố không vượt quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công. Trường hợp vượt quá mức quy định tại điểm này, Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc sử dụng tài sản để cho thuê, thế chấp, cầm cố phải tuân theo đúng các quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật.
EVN được thuê tài sản (bao gồm cả hình thức thuê tài chính) để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của EVN và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Việc thuê và sử dụng tài sản thuê phải tuân theo đúng quy định của Bộ luật dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
EVN được quyền chủ động thực hiện nhượng bán, thanh lý tài sản đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, kém mất phẩm chất, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trường hợp nhượng bán, thanh lý tài sản hình thành từ vốn vay lại của Chính phủ, từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh khi khoản vay còn dư nợ thì phải có ý kiến chấp thuận của Nhà tài trợ (đối với khoản vay lại Chính phủ) hoặc của Người cho vay (đối với khoản vay có bảo lãnh Chính phủ) và ý kiến của Bộ Tài chính trước khi nhượng bán, thanh lý.
Việc nhượng bán các khoản đầu tư vốn ra ngoài EVN thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định hiện hành của pháp luật, trong đó:
Phương thức chuyển nhượng, tùy theo hình thức góp vốn, EVN thực hiện chuyển nhượng các khoản đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật, điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp và các cam kết tại các hợp đồng hợp tác kinh doanh của các bên. Việc chuyển nhượng vốn đầu tư của EVN tại công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; Việc chuyển nhượng vốn đầu tư của EVN tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng; Việc chuyển nhượng vốn đầu tư của EVN tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì thực hiện đấu giá công khai. Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Hội đồng thành viên EVN quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương. Trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của EVN sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư thì EVN báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Tiền thu về chuyển nhượng các khoản vốn đầu tư ra ngoài EVN (cổ phần, phần vốn góp và chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn) thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Đối với các loại công trái, trái phiếu mà EVN đã đầu tư để hưởng lãi, việc chuyển nhượng thực hiện theo quy định khi phát hành hoặc phương án phát hành của tổ chức (chủ thể) phát hành. Trường hợp EVN chuyển nhượng trái phiếu trước kỳ hạn thì giá chuyển nhượng phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn trước khi chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng trái phiếu đã được đăng ký lưu ký, niêm yết và giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán, EVN thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Ngoài ra, Nghị định số 10/2017/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2017. Bãi bỏ Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Nghị định số 82/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ.