Điều chỉnh tiền lương năm 2017

07/12/2016
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước và điều chỉnh tiền lương năm 2017.
Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu
Với Quyết định số 2309/QĐ-TTg thì từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao sắp xếp các nhiệm vụ chi và phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2017. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2017 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 còn dư chuyển sang (nếu có).
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2017 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định. Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định.
Giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017
Thủ tướng giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các nhiệm vụ chi: Sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; Nhiệm vụ phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; kinh phí thực hiện ba văn kiện Việt Nam - Trung Quốc của Bộ Ngoại giao; Bổ sung có mục tiêu (vốn sự nghiệp) từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo từng mục tiêu, nhiệm vụ và mức dự toán đã được Quốc hội quyết định; Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng cũng Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các chỉ tiêu sau:
Giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương kinh phí đào tạo học sinh, sinh viên Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam theo diện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án từ nguồn vốn hỗ trợ hợp tác. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2016 phân bổ và giao dự toán kinh phí đào tạo đối với số học sinh, sinh viên diện Hiệp định đang có mặt; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án đủ điều kiện triển khai năm 2017, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án hoàn thành năm 2017; số kinh phí còn lại phân bổ và giao dự toán trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.
Giao dự toán chi ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính: Hướng dẫn phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu sản xuất trong nước giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trên cơ sở cơ cấu sản lượng xăng, dầu trong nước sản xuất, bán ra trong kỳ kế hoạch so với tổng sản lượng xăng, dầu kế hoạch do doanh nghiệp đầu mối bán ra; Thực hiện điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương; Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2017; Hướng dẫn cơ chế quản lý thu, sử dụng khoản phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô và phí đảm bảo hàng hải theo đúng quy định pháp luật và Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội; Tổ chức thực hiện đối với các nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2017: Dự toán chi trả nợ; chi thực hiện các chế độ đối với con người đã được ban hành (trợ cấp một lần đối với dân công hỏa tuyến; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách nội trú, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách đối với con người khi điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020,...); chi đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế và thuê đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia; hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hướng dẫn và bổ sung kinh phí phát sinh thêm do chênh lệch tỷ giá thực tế với tỷ giá tính dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Trong quý I năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho giai đoạn ổn định ngân sách 2017 - 2020 theo hướng đề nghị các địa phương phấn đấu tăng thu để nâng mức ngân sách địa phương tự đảm bảo nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm bớt yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
 Đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi, trường hợp trong năm các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có nhu cầu bổ sung dự toán, thì báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chi đầu tư phát triển) và Bộ Tài chính (đối với chi thường xuyên) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với các khoản vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước phát sinh sau thời điểm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn vốn viện trợ này và thông báo cho các bộ, địa phương triển khai thực hiện.
 Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: a) Căn cứ vào tình hình thực tế, quyết định việc tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đảm bảo mục tiêu, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định hiện hành để thực hiện các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia do địa phương quản lý, các dự án do trung ương hỗ trợ trên địa bàn (nếu có). b) Đưa vào cân đối thu ngân sách địa phương nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển. Trong đó, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50% dự toán thu được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế. Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số thu còn lại (nếu có) bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương. Trong tổ chức thực hiện, phát sinh tăng thu so với dự toán, địa phương chủ động phân bổ chi đầu tư cho các công trình quan trọng của địa phương, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế và nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. c) Ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ động bố trí chi tương ứng số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nộp ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. d) Khi quyết định ban hành các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù của địa phương, phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hàng năm và nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện. đ) Từ năm 2017, chủ động bố trí chi trả nợ lãi các khoản vay của chính quyền địa phương trong dự toán chi đầu tư phát triển; bố trí chi trả nợ gốc theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước từ nguồn bội thu ngân sách địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và vay mới trong năm.
Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm:
Chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi, được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao; chống thất thoát, lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng: a) Dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc danh mục dự kiến bố trí trong trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã có đầy đủ quyết định đầu tư, ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết dở dang; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bố trí; vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2014 chưa bố trí nguồn để thanh toán. Không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 đối với các dự án đến ngày 30 tháng 9 năm 2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, trừ trường hợp có lý do khách quan. Riêng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương, sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. b) Bố trí chi thường xuyên đảm bảo các chế độ chính sách cho con người, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng được giao. Thực hiện triệt để tiết kiệm, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và cân đối được nguồn bảo đảm.
Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công, trên cơ sở đó, giảm mức hỗ trợ trực tiếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách, tạo nguồn cải cách tiền lương và hỗ trợ mua sắm sửa chữa cho các đơn vị sự nghiệp công để nâng cao chất lượng dịch vụ.