Việt Nam luôn nỗ lực và trách nhiệm trong thực thi các nghĩa vụ thành viên

17/10/2018
Việt Nam luôn nỗ lực và trách nhiệm trong thực thi các nghĩa vụ thành viên
Trong 2 ngày 15-16/10, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo tham vấn về hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của LHQ về chống tra tấn và Phiên bảo vệ giả định cho Đoàn Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chuẩn bị cho phiên bảo vệ Báo cáo dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 11/2018 tại Geneva.

Đã có khuôn khổ pháp lý chung
Theo Trung tướng, GS, TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Công ước chống tra tấn là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của LHQ, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Nội dung Công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, do đó, Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn Công ước. Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 07/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
“Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực thi Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013” – ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Thực hiện Quyết định số 364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của LHQ, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế. Việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tiếp tục thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các nghĩa vụ thành viên Công ước chống tra tấn. Theo ông Ngọc Anh, đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công an chủ trì xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về thực thi một điều ước quốc tế về quyền con người
Có thể nói, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người cùng với tình hình chính trị ổn định và những chính sách, định hướng phát triển kinh tế, xã hội phù hợp là tiền đề và thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình triển khai, thực thi Công ước. Theo đó, Việt Nam đã có cơ sở khuôn khổ pháp lý chung về bảo vệ quyền con người, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Nhờ vậy, số vụ việc vi phạm thấp (thống kê cho thấy từ năm 2010 – 2015, TAND chưa thụ lý vụ án nào về tội “Bức cung” và tội “Mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật”; mới chỉ thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về tội “Dùng nhục hình”).
Phải tránh được việc lạm quyền có thể xảy ra
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đã thực hiện và những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục để thực thi có hiệu quả Công ước trong thời gian tới. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người chưa thật đồng bộ; nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế. Ở một số địa phương, đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân chưa cao hoặc những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thì việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước nói riêng và pháp luật Việt Nam có liên quan nói chung còn gặp nhiều khó khăn.
Trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên có thể hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, dẫn đến có thể xảy ra việc cá nhân lạm quyền trong thực thi công vụ. Điều này cũng gây khó khăn nhất định cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và đào tạo cán bộ… Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Báo cáo đã nêu bật cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tra tấn.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo của Việt Nam. Có thể nói, Công ước chống tra tấn là công ước về quyền con người có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai Công ước phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam. Việc phổ biến, tuyên truyền Công ước đến toàn thể cán bộ, nhân dân cũng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đối với các cán bộ công chức thì phải thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ để nâng cao năng lực và trình độ cho họ để tránh việc lạm quyền có thể xảy ra.
Hoàng Thư