Cần nghiên cứu, thí điểm áp dụng hình thức hòa giải, trọng tài trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

12/10/2018
Cần nghiên cứu, thí điểm áp dụng hình thức hòa giải, trọng tài trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đây là đề xuất được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các Chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC ở cơ sở diễn ra ngày 11/10. Hội nghị do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Trần Thanh Mẫn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đồng chủ trì.
Đã tiến hành hàng trăm cuộc giám sát
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn cho biết ngay sau khi Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị được thông qua và ban hành năm 2013 thì sáng kiến ký kết, triển khai thực hiện các Chương trình phối hợp giám sát nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC ở cơ sở của 5 cơ quan, tổ chức được tiến hành trong năm 2014. Đây là bước đi đầu tiên để cụ thể hóa quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQVN, đồng thời thể hiện sâu sắc vai trò của MTTQVN trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Từ kết quả thực hiện 2 Chương trình phối hợp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng hai Chương trình phối hợp trên đã phát huy được hiệu quả tích cực trong công tác nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC của công dân.
Thay mặt 5 cơ quan, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Ngô Sách Thực đánh giá: Các chương trình phối hợp đã góp phần tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, KNTC và giải quyết KNTC, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý… tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc KNTC đúng pháp luật. Hoạt động giám sát việc giải quyết KNTC ở cơ sở bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực (có 8 cuộc giám sát ở Trung ương và 187 cuộc giám sát ở địa phương). Các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân được tổ chức thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực. Thông qua phối hợp, các Chương trình đã thúc đẩy đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương…
Rà soát toàn bộ những bất cập về chính sách
Tuy nhiên, việc triển khai các Chương trình phối hợp trong 5 năm qua còn một số tồn tại, hạn chế như việc triển khai giám sát ở một số địa phưng còn chưa chủ động, mang tính hình thức; các vụ việc được lựa chọn để giám sát thường là vụ việc phức tạp, kéo dài nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, Ủy ban Trung ương MTTQVN kiến nghị Chính phủ, ngành Tư pháp cần nghiên cứu, thí điểm áp dụng các hình thức hòa giải, trọng tài bên cạnh các hình thức giải quyết KNTC theo Luật; giải quyết các vụ việc theo trình tự tư pháp hiện nay, khắc phục bế tắc, kéo dài, không có điểm dừng trong giải quyết các vụ việc. Đồng thời rà soát toàn bộ những bất cập về chính sách là nguyên nhân dẫn đến KTTC, nhất là những quy định về đất đai, quy trình bồi thường, mức giá bồi thường hiện nay; kiểm tra và xử lý trách nhiệm cán bộ không thực hiện trách nhiệm tiếp dân, giải quyết KNTC theo quy định.
Tại Hội nghị, ông Lê Minh Khái cho hay, trong hơn 3 năm qua (2015, 2016, 2017, và 6 tháng đầu năm 2018), tình hình khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương mặc dù có xu hướng giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ KNTC diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều đoàn khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tính chất gay gắt, quyết liệt, đòi yêu sách, đeo bám dài ngày gia tăng... Do đó, ông Khái đề cao cách làm hay là chọn vụ việc phức tạp, khó giải quyết để giám sát, tạo thêm niềm tin của người dân với việc giải quyết của cơ quan chức năng. Dẫn chứng vụ Thủ Thiêm, Tổng TTCP nhấn mạnh, nếu tổ chức giám sát riêng rẽ thì không hiệu quả, vì vậy tới đây cả 5 cơ quan cần phối hợp để cùng nhau giám sát với số lượng nhiều hơn, địa bàn trọng điểm hơn.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, nếu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì tranh chấp sẽ bớt đi, từ đó giảm thiểu KNTC, nhất là KNTC đông người. Lưu ý ngành TAND cũng đang triển khai mô hình hòa giải ngoài Tòa án, ông Quyền đề nghị các hình thức mà 5 cơ quan định nghiên cứu, thí điểm cần phải tính toán triển khai phối hợp cho kỹ càng. Theo kinh nghiệm tham gia một số đoàn giám sát, ông Quyền nhận thấy có hình thức mà xã hội và người dân rất cần chính là tổ chức đối thoại, tới đây phải phát huy hơn nữa để cùng trao đổi những khó khăn, nhìn thấu trách nhiệm của cơ quan liên quan trong vụ việc, nhất là những vụ việc kéo dài nhiều năm, thì mới “ra” được vấn đề.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, ông Đỗ Ngọc Thịnh quan niệm, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn phải thuộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Còn Liên đoàn Luật sư và Hội Luật gia Việt Nam chỉ là những cơ quan cùng tham gia nhưng luôn sẵn sàng tham gia để giúp giải thích thêm cho người dân. Ông Thịnh cũng đánh giá cao hình thức đối thoại với dân để giải quyết đến cùng vụ việc, dân đúng thì bảo vệ dân, dân chưa đúng thì giải thích cho dân hiểu. Trong hoạt động giám sát, ông Thịnh kiến nghị nên chọn những vụ việc có thể góp phần hạn chế khiếu kiện đông người, phức tạp, từ đó sẽ giúp giảm KNTC ở cơ sở.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo 5 cơ quan nhất trí ký kết Chương trình phối hợp số 02 về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở cho giai đoạn tiếp theo. Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp.
                Hoàng Thư