​Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018

09/10/2018
Ngày 06 tháng 10 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018.

Theo đó, đối với công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ yêu cầu: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, tờ trình, báo cáo trình Quốc hội thuộc trách nhiệm của bộ, cơ quan mình theo phân công, bảo đảm chất lượng, đúng thủ tục và gửi Quốc hội theo thời hạn yêu cầu; Các thành viên Chính phủ dành thời gian nghiên cứu kỹ, cho ý kiến đối với những tài liệu, báo cáo gửi xin ý kiến trước khi trình Quốc hội. Chủ động nắm bắt thông tin; kịp thời cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu, giải trình cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan báo chí những vấn đề đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt là việc chuẩn bị báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về những cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ; Chính phủ cũng giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, phối hợp các bộ, cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện các dự án luật, tờ trình, báo cáo theo phân công, bảo đảm các báo cáo, tài liệu gửi Quốc hội đúng tiến độ yêu cầu.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ, Chính phủ thống nhất đánh giá: Nhờ sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào thực chất hơn. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng chứng khoán phát triển ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 duy trì đà tăng cao, ước đạt 6,88%; 9 tháng ước đạt 6,98%, cao nhất so với cùng kỳ trong 07 năm qua. Cả ba khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ, trong đó khu vực nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, thiên tai nhưng tăng trưởng ước đạt 3,65% cao nhất kể từ năm 2012. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh, ước đạt 8,89%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng 6,89%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 11,3% so với cùng kỳ; thu hút 11,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,9%. Xuất khẩu 9 tháng tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó khu vực trong nước tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 14,6%; xuất siêu đạt gần 5,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%; tỷ lệ nợ công so với GDP giảm. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập và quy mô vốn bình quân đều tăng so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường, lao động, việc làm tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tăng cường. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đặc biệt là công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập được chú trọng, tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018; khẳng định và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết: Các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và đúng quy định; Các bộ, cơ quan chủ trì xây dựng các dự án Luật trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 6 khẩn trương giải trình ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo quy định; Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền những văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng trước ngày 15 tháng 10 năm 2018.
Về tình hình ban hành văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh: Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Về việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác: Giao Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ; trong đó yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm 2018.