Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 27

09/10/2018
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9562/VPCP-QHĐP về việc thực hiện kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 27. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu một số nội dung sau:

Đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cần lưu ý về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57 của dự thảo Luật), tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về 02 phương án: Phương án 1 - Thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm này theo trình tự xem xét, giải quyết tại Tòa án; Phương án 2 - Coi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ thu thuế thu nhập cá nhân.
Về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7, tập trung vào các nội dung sau: 1- Về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 2, Điều 3 của dự thảo Luật), đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung “văn hóa” nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam; 2- Đối với các chính sách, nhất là 02 chính sách mới về không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 95 của dự thảo Luật); về nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm (Điều 70 của dự thảo Luật), cần tiếp tục đầu tư đánh giá tác động của các chính sách mới đối với các đối tượng liên quan; quy định rõ điều kiện, thời điểm, lộ trình triển khai, dự kiến nguồn lực thực hiện. Làm rõ khả năng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất và các điều kiện khác khi bổ sung quy định về chính sách học phí cho đối tượng phổ cập, chính sách lương nhà giáo, tín dụng sư phạm, giáo dục hòa nhập.... Ngoài ra, cần tiếp tục đánh giá tác động về tính khả thi của các chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật khi nguồn lực bảo đảm chỉ giới hạn trong tỷ lệ 20% tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách trên đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; 3- Về quản trị của cơ sở giáo dục, đề nghị cân nhắc, nghiên cứu tính khả thi của Hội đồng trường gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; 4- Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, để bảo đảm thống nhất trong quan điểm và phương thức triển khai thực hiện, cần quy định rõ việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và học tập; tránh lãng phí, tạo độc quyền giáo dục trong in, phát hành sách giáo khoa.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học: Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, đặc biệt lưu ý các vấn đề sau: 1- Giữ ổn định hệ thống, bao quát được các loại hình, mô hình cơ sở giáo dục đại học hiện có nhưng đồng thời mở hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lớn mạnh của các trường; 2- Quy định rõ cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện tự chủ; phân định rõ ràng, minh bạch và chế định cụ thể các trường được tự chủ và trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ. Trong đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa thiết chế Hội đồng trường và Hiệu trưởng, việc phân cấp và ủy quyền giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng; phân định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của từng chủ thể một cách hài hòa để phát huy tối đa ưu thế của tự chủ và bảo đảm chế độ trách nhiệm của cá nhân và của tập thể; 3- Cần làm rõ hơn việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, giữa trung ương và địa phương để bảo đảm thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Chú trọng công tác kiểm định các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo; quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, trách nhiệm của tổ chức kiểm định để bảo đảm và nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá chất lượng; 4- Ngoài ra, đề nghị rà soát kỹ lưỡng về các thuật ngữ và kỹ thuật lập pháp nhằm bảo đảm tính khoa học, ngắn gọn, thống nhất trong cách hiểu; bảo đảm tính tương thích trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Luật Giáo dục, Luật Đầu tư; hoàn thiện thêm các nội dung của dự thảo Luật, gửi xin và tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018: Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, giao Thanh tra Chính phủ rà soát, nghiên cứu tiếp thu bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội, trong đó phân tích làm rõ thêm các số liệu, đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân của tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 so với năm 2017 để làm nổi bật thêm những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; phân tích cụ thể hơn những tồn tại, hạn chế, bất cập trong những năm qua; đưa ra các giải pháp căn cơ, cốt lõi để khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế, bất cập, phấn đấu làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.