Phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

17/09/2018
Thực hiện chủ trương rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả rà soát, ngày 08/6/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 1319/QĐ-BTP về phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Bộ quản lý.

Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất đơn giản, cắt giảm 49/94 điều kiện kinh doanh thuộc 07 lĩnh vực bổ trợ tư pháp là luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản, quản tài viên, trọng tài thương mại, giám định tư pháp, đạt tỷ lệ 52%.
Để thực thi phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ xem xét ban hành 02 dự thảo Nghị định, gồm dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trọng tài thương mại và dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động thừa phát lại. Đối với các điều kiện kinh doanh được quy định tại các Luật: Luật luật sư, Luật công chứng, Luật đấu giá tài sản, Luật giám định tư pháp, Luật trọng tài thương mại, Luật phá sản thì dự kiến sẽ nghiên cứu xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng 01 Luật sửa đổi 06 Luật nêu trên để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019.
Tuy nhiên, ngoài Bộ Tư pháp thì các Bộ, ngành khác cũng đang tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Như vậy, sau khi có kết quả rà soát, các Bộ, ngành đều phải có phương án để thực thi thông qua việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có quy định các điều kiện kinh doanh cần cắt giảm, trong đó sẽ có việc các Bộ, ngành khác cũng áp dụng phương án như Bộ Tư pháp đang đề xuất đó là xây dựng 01 Luật để sửa đổi nhiều Luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ mình. Việc ban hành nhiều Luật dạng “01 Luật sửa nhiều Luật” sẽ đặt ra trường hợp 01 Luật có thể được sửa đổi, bổ sung tại nhiều văn bản Luật khác nhau, phá vỡ tính hệ thống, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua 01 Luật sửa đổi 11 Luật liên quan đến quy hoạch, nếu việc áp dụng 01 Luật sửa nhiều Luật tiếp tục được áp dụng thì hệ thống pháp luật vốn dĩ đã phức tạp nay còn trở nên phức tạp, rối rắm hơn và rất có thể sẽ trở thành một “tiền lệ”.
Để giải quyết vấn đề thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật, cũng như đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thì trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra một phương án cụ thể như sau:
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật thì Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong việc đưa ra phương án thực thi cắt giảm các điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ theo hướng đề xuất, trình Quốc hội thông qua 01 Luật sửa đổi tất cả các Luật có quy định điều kiện kinh doanh cần cắt giảm. Để thực thi theo phương án này, trước tiên các Bộ, ngành đều phải hoàn thành việc rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và trên cơ sở đó cơ quan đầu mối giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ cắt giảm các điều kiện kinh doanh là Văn phòng Chính phủ sẽ là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Luật sửa đổi nhiều Luật liên quan như đã nêu trên.
 
               Công Duy