Cần quy định thống nhất về nghĩa vụ nộp thuế liên quan đến tài sản bảo đảm

18/05/2018
Cần quy định thống nhất về nghĩa vụ nộp thuế liên quan đến tài sản bảo đảm
Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức tín dụng, nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các khoản nợ thì quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng tạo ra không ít khó khăn đối với cơ quan THADS. Đặc biệt là khâu xác nhận các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nghĩa vụ nộp thuế, phí, nợ khác liên quan đến tài sản bảo đảm.

Theo quy định của pháp luật về thuế thì người phải thi hành án là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tài sản bị kê biên, bán đấu giá. Tuy nhiên, Điều 12, Nghị Quyết số 42/2017/QH14 quy định: “sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm…” mà không quy định trừ tiền thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, cơ quan thuế cho rằng mọi thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng phải chịu thuế TNCN, nếu không nộp thuế TNCN thì cơ quan thuế không chuyển thông báo nộp thuế TNCN cho Văn phòng Đăng ký đất đai và như vậy không làm được thủ tục sang tên cho người mua tài sản bán đấu giá. Do đó, cơ quan THADS rất khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển quyền cho người mua trúng đấu giá.
Cũng theo quy định của Điều 12, Nghị quyết 42/2017/QH14 thì khi xử lý tài sản của người phải thi hành án, số tiền thu được ưu tiên thanh toán trước khi trừ án phí, đối với các vụ việc liên quan đến tài sản bảo đảm thường tuyên khoản án phí lớn. Quy định này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Thực tế cũng cho thấy còn nhiều khó khăn khi yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu xác nhận bằng văn bản các khoản phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng là nợ xấu. Do các vụ việc mà cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng và việc xử lý tài sản liên quan đến việc các tài sản đã thế chấp, cầm cố cho các tổ chức tín dụng là rất nhiều nên tạo ra áp lực công việc cho các cơ quan THADS có số lượng phải thi hành án lớn như: Hà Nội, TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Mặt khác, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định tổ chức tín dụng có trách nhiệm xác nhận nên việc xác nhận phải được thực hiện bởi đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng hoặc người được ủy quyền, từ đó phát sinh thêm các thủ tục hành chính cho các tổ chức tín dụng và cơ quan THADS.
Liên quan tới việc hỗ trợ tiền thuê nhà 1 năm cho người phải thi hành án trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất, Khoản 5, Điều 115 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án và sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì Chấp hành viên trích lại tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 1 năm”. Tuy nhiên, Nghị Quyết số 42/2017/QH14 không quy định khoản tiền này được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán cho các tổ chức tín dụng nên vấp phải sự phản đối của người dân làm mất tính nhân văn của nhà nước trong việc chăm lo cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Để khắc phục những vướng mắc trên đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì công tác xây dựng thể chế được xem như một trong những giải pháp then chốt. Theo đó, cần tiếp tục rà soát tình hình thực hiện Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành để hoàn thiện chính sách pháp luật về THADS phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới cũng như phù hợp với các quy định Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Bộ Tư pháp cần tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài Chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường… nhằm hoàn thiện thể chế liên quan đến xử lý nợ xấu. Trong đó tập trung về  các nội dung liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết; quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng…
Đồng thời kiến nghị TANDTC phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng để thống nhất trong xét xử và thi hành án. TANDTC cần sớm có hướng dẫn, chỉ đạo các Tòa án địa phương xem xét, giải quyết các vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế, tranh chấp về kết quả bán đấu giá để tránh tình trạng giải quyết kéo dài làm ảnh hưởng đến thời hạn tổ chức thi hành án.
Song song với đó, cần  tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, trong đó tích cực giải quyết theo hướng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật, cũng như việc kịp thời đính chính, giải thích bản án, quyết định của Tòa án để việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng không bị kéo dài. Cơ quan THADS địa phương cần tiếp tục nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương như Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, TP, tổ chức tín dụng... để cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu thông tin về tài sản; xác nhận các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để làm căn cứ tổ chức thi hành án theo đúng quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Lê Hồng