Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

07/03/2018
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/2/2010 (Đề án) gồm 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Sau hơn 5 năm triển khai Đề án, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả trên thực tế. Cụ thể là: thể chế về giám định tư pháp đã được hoàn thiện với việc ban hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 và 38 văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực; người giám định tư pháp được quan tâm, chăm lo hơn về vật chất và tinh thần; hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được củng cố, cơ bản hoàn thiện phù hợp với tính chất, điều kiện thực tiễn; cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp được quan tâm đầu tư…
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp Đề án chưa hoàn thành đầy đủ, cần tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo như việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở vật chất cho tổ chức giám định tư pháp, chính sách thu hút, tôn vinh người giám định, ban hành các văn bản hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp… Bên cạnh đó, do yêu cầu của tình hình mới, một số nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện như cơ chế tiếp nhận, tổ chức thực hiện giám định tư pháp ở các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định pháp y tâm thần, chính sách thu hút trong đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực… Vì vậy, việc ban hành Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là yêu cầu cần thiết, khách quan.
Theo đó, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế giám định tư pháp; tiếp tục hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp; nâng cao chất lượng giám định tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp…/.