Nâng cao “văn hóa đọc” đối với người làm công tác Tư pháp ở cơ sở

25/10/2017
Nâng cao “văn hóa đọc” đối với người làm công tác Tư pháp ở cơ sở
Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hoá đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba yếu tố, hay chính xác hơn là ba lớp như ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. [1]
         Vì sao người làm công tác tư pháp ở cơ sở phải “đọc”?
         Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Tư pháp có 34 nhóm nhiệm vụ và Phòng Tư pháp có 26 nhóm nhiệm vụ. Để thực hiện mỗi một nhiệm vụ thì bản thân người làm công tác tư pháp phải nghiên cứu rất nhiều văn bản bao gồm các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và các văn bản có liên quan khác. Chẳng hạn như, để thực hiện việc đăng ký khai sinh, cán bộ tư pháp – hộ tịch phải nghiên cứu các quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch để nắm các quy định về nghiệp vụ thực hiện việc đăng ký khai sinh. Ngoài ra, cán bộ tư pháp – hộ tịch phải nghiên cứu các quy định về mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch.
          Một trong những bất cập, hạn chế còn tồn tại hiện nay ở một số cơ sở, đó là người làm công tác tư pháp không nắm bắt kịp thời, không cập nhật kịp thời các quy định pháp luật; Việc nắm bắt các quy định pháp luật còn hạn chế. Bởi thế mà dẫn đến tình trạng, có một số văn bản trích dẫn các quy định pháp luật đã hết hiệu lực hoặc văn bản không thể hiện đầy đủ căn cứ pháp lý để xác định thẩm quyền ban hành, nội dung của văn bản. Mà nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này, sâu xa thì cũng là xuất phát từ việc “đọc chưa nhiều, đọc chưa tốt, đọc chưa hiệu quả”.
Không phải bỗng dưng mà mỗi người đều có sẵn một nền tảng tri thức tốt. Quá trình xây dựng tri thức cho mỗi người là quá trình học tập, nghiên cứu, cập nhật liên tục, kịp thời các tri thức. Đối với người làm công tác tư pháp ở cơ sở, mỗi năm một người thường tham gia từ 1-3 lớp/hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trong khi nhiệm vụ chuyên môn thì nhiều, công tác tập huấn, bồi dưỡng không thể bao quát được hết mọi lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy, để trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho mình phục vụ quá trình công tác thì không còn cách nào khác là phải “đọc”. Xác định nội dung đọc, phương pháp đọc, bố trí thời gian đọc, phải được xem là một “văn hóa” – “văn hóa đọc” như vậy thì mới đảm bảo hiệu quả, chất lượng của việc đọc.
Người làm công tác tư pháp ở cơ sở cần phải “đọc” những nội dung nào?
          Trước hết, để nắm bắt các quy định pháp luật, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì nội dung đọc đầu tiên là các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phụ trách của mỗi người. Ví dụ, người làm công tác hộ tịch thì phải đọc các quy định của pháp luật hộ tịch; Người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì phải đọc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Nhưng, không phải dừng ở đó. Hệ thống pháp luật nước ta mang tính thống nhất, có sự phân chia hệ thống pháp luật thành các bộ phận cấu thành là các ngành luật, chế định pháp luật, quy phạm pháp luật…do đó, ngoài các quy định pháp luật liên quan trực tiếp thì người làm công tác tư pháp cơ sở cũng cần phải nghiên cứu các văn bản có liên quan để nắm bắt được các quy định pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ và toàn diện.
          Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không thể không biết các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của cơ quan cấp trên hay là các văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, nghiệp vụ của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, hệ thống thông tin tương đối thuận lợi khi mà các quy định pháp luật đều được đăng tải công khai thông qua các kênh như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, hệ thống Công báo của Trung ương và cấp tỉnh;…các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch hay văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cũng đều được đăng tải trên Cổng/ Trang thông tin điện tử của các cơ quan có liên quan. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thì bắt buộc người làm công tác cơ sở phải đọc, phải tìm hiểu được các thông tin, nội dung này.
          Một số giải pháp nhằm nâng cao “văn hóa đọc” của người làm công tác tư pháp ở cơ sở
          Thứ nhất, hiện nay, phần lớn các cơ quan tư pháp đều trang bị “Tủ sách pháp luật”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan pháp huy “văn hóa đọc” thì cần sự quan tâm của người đứng đầu/thủ trưởng cơ quan trong việc xây dựng “Tủ sách pháp luật” này. Cụ thể, thông qua việc bố trí kinh phí để xây dựng, trang bị các đầu sách hay, có giá trị phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan mình; Quan tâm công tác quản lý tủ sách, để đảm bảo tránh việc hư hỏng, thất thoát sách; Khuyến khích, tạo thời gian hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đọc;…
          Thứ hai, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự mình phát huy “văn hóa đọc” mọi lúc, mọi nơi. Không vì điều kiện công việc khó khăn hoặc nhiệm vụ chuyên môn nhiều mà không dành thời gian bố trí cho việc đọc, nghiên cứu tài liệu cũng như các quy định pháp luật để phục vụ cho công tác chuyên môn. Phải khai thác tối đa nguồn thông tin chính thống qua các phương tiện thông tin hoặc các văn bản, sách báo, tạp chí để có nguồn thông tin đọc phong phú, đa dạng.
          Thứ ba, tại cơ quan, đơn vị hoặc các tổ chức, đoàn thể tại cơ quan, đơn vị phải thường xuyên có các phong trào phát động văn hóa đọc trong cơ quan, đơn vị mình. Chẳng hạn như hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị có mô hình đọc báo 30 phút mỗi sáng, hoặc giao ban cuối tuần, cuối tháng thường lồng ghép các nội dung về tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật hoặc các thông tin có liên quan trong lĩnh vực quản lý của ngành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị. Bằng hình thức này, cũng có thể xây dựng và hình thành văn hóa đọc tại mỗi cơ quan, đơn vị.
          Thứ tư, phải có các diễn đàn hoặc thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nâng cao văn hóa đọc tại cơ quan, đơn vị, nhằm giúp nhau trao đổi các kỹ năng, phương pháp đọc tốt, hiệu quả. Qua đó, cũng tạo được môi trường để cán bộ, công chức, viên chức mỗi cơ quan, đơn vị có cơ hội để trao đổi các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ từ kết quả của việc đọc và nghiên cứu./.
                                      
Lương Thảo – Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai
  Tham khảo:

 http://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-phat-trien-van-hoa-doc-o-viet-nam.html