Đồng hành cùng doanh nghiệp - Khởi nguồn từ xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật

17/05/2017
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành sứ mệnh kinh doanh của mình. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, điều kiện bảo đảm cũng như năng lực tiếp cận chính sách, pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới gia nhập thị trường. Thực tế đó đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần phải có những giải pháp nhằm góp phần tăng cường năng lực tiếp cận, thực thi chính sách pháp luật, cũng như năng lực phản hồi trước những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật.
Một là, bảo đảm sự kịp thời, đầy đủ của chính sách, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa nếu như ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng của các văn bản thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường và thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Do vậy, bên cạnh việc quan tâm, chú trọng các giải pháp bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, Nghị định được kịp thời, chất lượng thì Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền được giao cần tăng cường đôn đốc, kịp thời ban hành ngay các văn bản hành chính để sớm trả lời, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, các cơ quan thực thi pháp luật phát sinh trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sản xuất của Chính phủ.
Hai là, bảo đảm tính ổn định của các chính sách, pháp luật nhằm thể hiện rõ ràng và thực chất cam kết của Chính phủ trong việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp không kịp thích ứng và gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành của doanh nghiệp... Ví dụ, việc xây dựng các chính sách điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách thuế cần được chú trọng. Chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm khiến doanh nghiệp chưa kịp thông suốt văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước thì văn bản khác đã ra đời. Bên cạnh đó, còn có quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin. Đặc biệt là các thông tư về thuế, vẫn còn nhiều từ ngữ đọc gây khó hiểu dẫn đến doanh nghiệp hiểu sai và thực hiện sai về thuế. Các biểu mẫu báo cáo thường hay thay đổi, gây mất thời gian cập nhật mẫu cho các phần mềm kế toán của doanh nghiệp[1]...
Ba là, khắc phục thực tế chi phí thời gian của doanh nghiệp bỏ ra quá lớn cho việc thực hiện thủ tục hành chính, cũng như công tác thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Theo báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI năm 2016, chi phí thời gian của doanh nghiệp trong 03 năm qua từ 2014-2016 đang cao kỉ lục. Số lần thanh, kiểm tra hàng năm của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các cuộc thanh kiểm tra thuế đã tăng trở lại. Bên cạnh đó, hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ địa phương bị đánh giá là kém hơn các năm trước. Mặc dù nhiều chương trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính được công bố và thực hiện trong những năm qua, song tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá “thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn” vẫn tiếp tục giảm. Các thủ tục hành chính trong suốt chặng đường hoạt động của doanh nghiệp dường như luôn là “gánh nặng” đối với doanh nghiệp.
 Bốn là, tăng cường tính minh bạch trong việc tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…) và điểm tiếp cận các tài liệu pháp lý của các doanh nghiệp.
Qua theo dõi cho thấy, mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp với cơ quan  nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế, đó là nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả. Đồng thời, đây có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn tới canh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Năm là, khắc phục tình trạng “thiết chế pháp lý” phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tòa án, luật pháp của Việt Nam, bắt đầu có xu hướng chững lại trong những năm gần đây.
Khi xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp dường như không lựa chọn việc giải quyết tranh chấp qua hệ thống tòa án do những tồn tại, hạn chế của hoạt động này (thời gian giải quyết quá dài, án phí cao, tình trạng tiêu cực…), thay vào đó doanh nghiệp chủ yếu chọn giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại, hoặc thậm chí là thông qua các mối quan hệ quen biết của doanh nghiệp[2]. Điều này cho thấy, cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, góp phần bảo đảm thực thi công lý.
Sáu là, đẩy mạnh yếu tố cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh nhằm bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Kết quả điều tra của VCCI từ 2006 - 2016 cho thấy vẫn tồn tại một “sân chơi” chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố Việt Nam. Thiệt thòi nhất vẫn luôn là nhóm doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa[3]. Đáng lo ngại, kinh doanh bằng mối quan hệ của một số doanh nghiệp tiếp tục chèn lấn các hoạt động kinh doanh của đông đảo các doanh nghiệp khác. Theo số liệu điều tra 72% doanh nghiệp tại các tỉnh miền Trung năm 2016 cho biết “Hợp đồng, đất đai,…và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”[4], tình trạng này tuy giảm so với các năm trước nhưng vẫn ở mức cao. Không chỉ xuất thân, mối quan hệ, mà ngay cả quy mô cũng trở thành rào cản đối với một doanh nghiệp tư nhân. Quan ngại bị phân biệt đối xử trong quá trình hoạt động do quy mô nhỏ bé đang ngày một nhiều lên[5]. Nếu tình trạng này không cải thiện mạnh mẽ, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 97% cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, ví dụ như: Chi phí gia nhập thị trường giảm, cơ quan quản lý nhà nước ngày càng năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến doanh nghiệp hay các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, khách quan cho thấy, xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng để mang lại những lợi ích lâu dài, thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, bền vững./.
 
                                                Hồ Quang Huy - Nguyễn Thị Ngân
 
[1] Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của Doanh nghiệp năm 2016
[2] Số doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng và khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng 4 năm qua cao hơn mức 62-69% của 8 năm trước đó, nhưng vẫn duy trì xung quanh tỉ lệ 81%. Các chỉ tiêu đánh giá của doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp qua hệ thống tòa án năm 2016 đều giảm so với giai đoạn trước. Tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng “phán quyết tòa án mà công bằng” đã giảm xuống 86% (2013) xuống còn 78% (năm 2016). Đáng chú ý, mức độ doanh nghiệp sẵn lòng sử dụng tòa án để giải quyết khi có tranh chấp, đã sụt giảm mạnh nhất trong 4 năm qua. Tỉ lệ này năm 2013 là gần 60% thì nay chỉ còn 36%. Trong số gần 2.300 doanh nghiệp không lựa chọn tòa án làm phương thức giải quyết tranh chấp trong năm 2016, lý do chủ yếu đưa ra là thời gian giải quyết tranh chấp quá dài (chiếm 52%), e ngại tình trạng “chạy án” phổ biến (41%) hoặc chi phí giải quyết tranh chấp cao (31%). Vì những lý do này, hơn một nửa số doanh nghiệp cho biết các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp hơn. Theo đó, phương thức hiệu quả nhất mà doanh nghiệp lựa chọn là trọng tài thương mại (47%). Đặc biệt, hơn 32% doanh nghiệp sẽ nhờ cậy tới mối quan hệ để giải quyết, cụ thể là nhờ tới người có ảnh hưởng trong chính quyền để tác động. Báo chí cũng là một trong những phương thức được sử dụng trong việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp (14% lựa chọn). Tỉ lệ sử dụng các phương thức khác phi chính thức như “xã hội đen” dù nhỏ, chiếm chưa đầy 4% nhưng cũng rất đáng lưu ý.
[3] Tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI hai năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp” tăng 6% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2013. Đồng thời hơn 42% doanh nghiệp đồng ý “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 14% so với năm 2013.
[4] Báo cáo PCI năm 2016
[5] Năm 2013, chỉ 35% doanh nghiệp ở tỉnh trung vị đồng ý với nhận định “ưu đãi với các công ty lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp” thì con số này đã tăng lên 56% (2015) và 55% (2016)