Ðòi hỏi "tăng bậc" trong thi hành án dân sự trước ngưỡng cửa ASEAN 4

17/03/2017
Báo cáo đánh giá hằng năm gần đây về lĩnh vực kinh doanh và thực thi luật pháp trong lĩnh vực này của Ngân hàng Thế giới (WB) về những quy định thúc đẩy hoặc cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tư nhân của 190 nền kinh tế thế giới, thông qua 11 lĩnh vực của đời sống kinh doanh, xếp hạng thông thoáng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 tăng chín bậc, từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190.
Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, liên tục trong các năm 2014, 2015, 2016, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua đó, nhiều lĩnh vực đã có sự chuyển mình, đóng góp tích cực như bảo vệ nhà đầu tư (tăng 31 bậc), giao dịch qua biên giới (tăng 15 bậc), thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 11 bậc), tiếp cận điện năng (tăng năm bậc). Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a Thái-lan, Phi-li-pin), thậm chí trung bình của ASEAN 6. Chính phủ nhận định: Các chỉ số giảm bậc một mặt là do Việt Nam không có cải cách nào trong lĩnh vực này thời gian qua, mặt khác do các nước khác tiến nhanh hơn. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 vừa qua tiếp tục khẳng định quyết tâm đạt chỉ số trung bình của ASEAN 4 đến hết năm 2017 và ASEAN 3 đến năm 2020. Bên cạnh đó, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện với những kết quả đáng ghi nhận nhưng ASEAN 4 vẫn là một thách thức. Nhiều quốc gia trong khu vực có thứ hạng cao và giữ khoảng cách khá xa so với Việt Nam như Xin-ga-po (đứng thứ 2/190), Ma-lai-xi-a (23/190), Thái-lan (46/190).
Báo cáo hằng năm của WB trong lĩnh vực kinh doanh nhận định một cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng hiệu quả là hết sức thiết yếu đối với phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các tòa án đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các thị trường tín dụng, bảo vệ các quyền tài sản, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới và nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng, biểu hiện sự tín nhiệm, tin cậy của một nền kinh tế, phải là một tiêu chí quan trọng trong xếp hạng thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh.
Như vậy, thi hành án dân sự, hoạt động thực thi phán quyết của tòa án, đã từng bước vượt qua khỏi chức năng truyền thống là bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật để vươn tới một mục tiêu rộng lớn và năng động hơn. Ðó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, tích cực giải phóng nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc "rã đông" các tài sản đóng băng trong các tranh chấp. Tinh thần và đòi hỏi lớn chung của tiến trình phát triển trong thực thi pháp luật là, một khi công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối! Thiết nghĩ, trách nhiệm của lĩnh vực thi hành án dân sự Việt Nam trước ngưỡng cửa ASEAN 4 còn rất nặng nề, nhất là thu hẹp khoảng cách về thời gian thi hành bản án...
Phân tích cụ thể hơn kết quả báo cáo của WB, theo đó xếp hạng giải quyết tranh chấp hợp đồng qua nhiều tiêu chí, trong đó có hai tiêu chí quan trọng được chú trọng là thời gian và chi phí. Từ kết quả báo cáo cho thấy, mức xếp hạng trong lĩnh vực này của Việt Nam năm 2016 là 69/190 (tụt một bậc so với năm 2015), tổng thời gian giải quyết tranh chấp là 400 ngày với chi phí 29% giá trị tài sản tranh chấp. Trong 400 ngày giải quyết tranh chấp hợp đồng, thụ lý của tòa án là 50 ngày, xét xử và phán quyết là 200 ngày và thực thi phán quyết của tòa án là 150 ngày. Trong 29% chi phí, chi phí luật sư chiếm 21%, án phí chiếm 5% và phí thi hành bản án là 3%. Thẳng thắn nhìn nhận, thứ hạng hoạt động thực thi phán quyết của tòa án tại Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn, cả về thời gian, về các thủ tục liên quan, cơ chế phối hợp,...
Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 được ban hành với kỳ vọng tạo sức bật mới. Yêu cầu và mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày ngay trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020 là mục tiêu Nghị quyết đề ra. Như vậy, để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4, không ai còn có quyền thờ ơ, đối phó, đứng ngoài mà tất cả các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần có sự nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực. Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 mới đây, tập trung nhấn mạnh, nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng và thực thi pháp luật trong tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của nước ta, tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ASEAN 4, cho năm nay và nhiều năm tới.
NGUYN XUÂN TÙNG