Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự

04/01/2017
Về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm
Điều 292 BLDS năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản.
Điều 331 BLDS năm 2015 quy định: "Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký".
Tuy nhiên, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (sau đây gọi là Nghị định số 11/2012/NĐ-CP) chưa có quy định về bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản với tư cách là biện pháp bảo đảm.
Nghị định số 83/2010/NĐ-CP chưa quy định về đăng ký bảo lưu quyền sở hữu.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể về hai biện pháp bảo đảm mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thi hành theo hướng bổ sung quy định về đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.
Về tài sản bảo đảm
Khoản 2 Điều 295 BLDS năm 2015 quy định tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP không quy định nội dung này.
Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 cho phép sử dụng quyền tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP chỉ có quy định hướng dẫn về một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc thế chấp quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, còn quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác (như quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên...) chưa có hướng dẫn cụ thể.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được, bổ sung hướng dẫn các quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và cách thức xử lý đối với các quyền tài sản này.
Về hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm
Khoản 1 Điều 297 BLDS năm 2015 quy định biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.
Bên cạnh đó, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa BLDS năm 2005 nên chưa có hướng dẫn cụ thể về nắm giữ và chiếm giữ tài sản bảo đảm, ví dụ đối với một số tài sản đặc thù như chứng khoán, bên nhận thế chấp không trực tiếp nắm giữ, quản lý mà giao cho người khác quản lý thì có được coi là nắm giữ không?...
Sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP để phù hợp với cách tiếp cận mới của BLDS năm 2015 về phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người ba của biện pháp bảo đảm.
Về đăng ký biện pháp bảo đảm
Điều 298 BLDS năm 2015 quy định đối tượng của hoạt động đăng ký là biện pháp bảo đảm.
Tuy nhiên, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định đối tượng của hoạt động đăng ký là “giao dịch bảo đảm” - là giao dịch dân sự có nội dung thỏa thuận về biện pháp bảo đảm.
Ngoài ra, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định hệ quả pháp lý của việc đăng ký biện pháp bảo đảm khác với BLDS năm 2015. Theo quy định của BLDS năm 2015, việc đăng ký làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm. Theo đó, đăng ký biện pháp bảo đảm có ý nghĩa trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nghĩa là, có sự đối kháng về lợi ích xác lập lên một tài sản bảo đảm, chứ không phải là điều kiện để giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì đăng ký có ý nghĩa làm phát sinh giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với người thứ ba.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP nhằm đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với cách tiếp cận của BLDS năm 2015 về đối tượng của hoạt động đăng ký và giá trị pháp lý của việc đăng ký biện pháp bảo đảm.
Về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
Khoản 1 Điều 303 BLDS năm 2015 quy định việc bên nhận bảo đảm tự bán tài sản là một phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp.
Tuy nhiên, Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa quy định về phương thức này.
Sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng bổ sung nội dung hướng dẫn về phương thức “bên nhận bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm".
Về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 308 BLDS năm 2015 thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm (đăng ký hoặc nắm giữ hoặc xác lập biện pháp bảo đảm trong trường hợp biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba).
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định theo tiêu chí đăng ký (không bao gồm nắm giữ tài sản) và xác lập giao dịch bảo đảm (trong trường hợp giao dịch bảo đảm không được đăng ký).
Sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm (đăng ký hoặc nắm giữ, chiếm giữ tài sản bảo đảm hoặc xác lập biện pháp bảo đảm trong trường hợp biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba).
Theo quy định tại Điều 342 BLDS năm 2015 thì bên nhận bảo lãnh không có quyền xử lý tài sản của bên bảo lãnh mà chỉ có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khoản 14 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định về quyền ưu tiên thanh toán số tiền thu được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo lãnh.
Bỏ quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP.
Về hiệu lực của cầm cố tài sản
Khoản 1 Điều 310 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố”.
Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về hiệu lực của cầm cố tài sản theo tinh thần mới của BLDS năm 2015.
Về việc thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất
Điều 326 BLDS năm 2015 quy định về trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất và trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
Tuy nhiên, khoản 19 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP chưa quy định về xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2012/NĐ-CP theo hướng bổ sung nội dung hướng dẫn về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất.