Bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan

23/12/2016
Về quyền đối với bất động sản liền kề
Điều 246 BLDS năm 2015 quy định "quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”. Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 có cách tiếp cận quyền này theo tinh thần của địa dịch (là mối quan hệ giữa hai bất động sản liền kề). Đồng thời, BLDS năm 2015 không yêu cầu hai bất động sản phải sử dụng lẫn nhau, ví dụ: để bảo vệ an toàn cho sân bay, hàng không thì một bất động sản cách đó phải chịu sự chi phối hoặc hạn chế về kiến trúc, chiều cao...
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa BLDS năm 2005 nên chưa bảo đảm sự phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2015 về bất động sản liền kề. Ví dụ:
- Điều 171 Luật đất đai năm 2013 mới chỉ quy định quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề nên cần có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể hơn để phù hợp với BLDS năm 2015;
- Khoản 3 Điều 47 Luật xây dựng năm 2014 quy định "nội dung giấy phép quy hoạch xây dựng gồm phạm vi, quy mô khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng cho phép, các yêu cầu về khai thác sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên mặt đất, dưới mặt đất, bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với khu vực dự án, thời hạn của giấy phép quy hoạch xây dựng” cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để phù hợp với BLDS năm 2015...
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL có liên quan (Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng, Luật quy hoạch...) để phù hợp với cách tiếp cận mới của BLDS năm 2015 về bất động sản liền kề.
Về quyền hưởng dụng
BLDS năm 2015 bổ sung quyền hưởng dụng, theo đó, quyền này được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc nhưng quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng, chủ sở hữu được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự (không phải theo thỏa thuận) mà không giới hạn tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Như vậy, đối tượng của quyền hưởng dụng có thể là tài sản là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, cổ phần, cổ phiếu... Trong khi đó luật khác có liên quan chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Cần nghiên cứu, cụ thể hóa quyền hưởng dụng trong các quan hệ dân sự đặc thù tại VBQPPL có liên quan, như: cụ thể hóa đối tượng của quyền hưởng dụng là cổ phiếu, cổ phần trong doanh nghiệp, chứng khoán... trong pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, chứng khoán...
Về quyền bề mặt
Theo quy định của BLDS năm 2015 thì người có quyền sử dụng đất có thể chuyển giao quyền bề mặt trên thửa đất, mặt nước của mình cho chủ thể khác. Trong trường hợp này, chủ thể quyền bề mặt có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự, theo đó, họ có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của Bộ luật dân sự, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập; trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao.
Ví dụ 1: Ông A có quyền sử dụng đất trên thửa đất rộng 500 m2, thay vì ký hợp đồng thuê khoán với B (đã có quy định cụ thể trong Luật đất đai), ông A và B đã có thỏa thuận về việc A chuyển nhượng quyền bề mặt cho B với đầy đủ các quyền, nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật dân sự trong thời hạn 50 năm, phù hợp với mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Ông B sau khi tiếp nhận quyền bề mặt đã xây dựng nhà chung cư để bán các căn hộ chung cư trên đó cho các chủ thể khác. Về nguyên tắc, theo quy định của BLDS năm 2015, các chủ thể khác được sở hữu căn hộ chung cư đã mua của B trong điều kiện và phạm vi tương ứng với quyền bề mặt mà A đã chuyển giao cho B.
Ví dụ 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý cho X đầu tư dự án nông nghiệp theo mô hình sản xuất hàng hóa trên thửa đất rộng 300 ha (thuộc quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp của 500 hộ dân). Trường hợp này, theo quy định của BLDS năm 2015, thay vì giải pháp nhà nước thu hồi đất của 500 hộ dân nói trên giao cho X hoặc thay vì X phải ký hợp đồng thuê khoán quyền sử dụng đất đối với 500 hộ dân thì có thể cho phép 500 hộ dân nói trên chuyển giao quyền bề mặt cho X sử dụng trong thời hạn thực hiện dự án đầu tư và được trả tiền quyền bề mặt hoặc lựa chọn việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án đầu tư nông nghiệp của X. Hết thời hạn đầu tư, X phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho 500 hộ dân, đồng thời phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình.
Đây là cách tiếp cận mới, rất quan trọng, liên quan chặt chẽ đến pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng, quy hoạch... nên cần được cụ thể hóa trong các VBQPPL này để vừa bảo đảm quyền, lợi ích của người sử dụng đất, chủ thể có quyền bề mặt vừa bảo đảm được quy định của Hiến pháp, Luật đất đai về việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý, bảo đảm sự ổn định trật tự xã hội trong các quan hệ liên quan. Trong đó, cần tách bạch giữa quan hệ trong hợp đồng thuê khoán và quan hệ trong quyền bề mặt.
Về chấm dứt nghĩa vụ
Điều 372 BLDS năm 2015 quy định các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ bao gồm cả trường hợp bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một; vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác.
Tuy nhiên, Điều 50 Luật thi hành án dân sự năm 2008, khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014 chưa quy định về hai căn cứ này.
Sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự theo hướng bổ sung quy định: đình chỉ thi hành án khi bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một; thay đổi tài sản thi hành án trong trường hợp vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác, việc thi hành án được tiếp tục với tài sản mới.
Về mức phạt vi phạm và mối liên hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
 Theo quy định tại khoản 3 Điều 418 BLDS năm 2015 thì trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 307 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Sửa đổi, bổ sung Luật thương mại để thống nhất với BLDS năm 2015 về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại, theo hướng nếu các bên chỉ có thỏa thuận về việc bên vi phạm hợp đồng phải chịu phạt vi phạm mà không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì phải tôn trọng ý chí của các chủ thể trong hợp đồng.
Về lãi suất liên quan đến nghĩa vụ trả tiền
Điều 357 BLDS năm 2015 quy định:
"1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này".
Như vậy, Bộ luật dân sự không quy định áp dụng theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành còn quy định về việc áp dụng theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ví dụ: điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền đối với hành vi "Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay"…
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL liên quan để phù hợp với cách tiếp cận mới của BLDS năm 2015 về áp dụng lãi suất.
Về hp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng
Theo quy định của BLDS năm 2015 thì hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng, trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, BLDS năm 2015 bổ sung quy định về điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng, được hiểu là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này; điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó, trình tự, thể thức công khai điều kiện giao dịch chung thực hiện theo quy định của pháp luật; điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Trường hợp điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định về điều kiện giao dịch chung (khoản 6 Điều 3, các Điều 12, 16, 18, 26, 38 và 48 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010).
Bên cạnh đó, một số VBQPPL hiện hành chưa bảo đảm sự phù hợp với quy định của BLDS năm 2015. Ví dụ: khoản 2 Điều 2 Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung quy định việc phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là chưa phù hợp với quy định của BLDS năm 2015, vì BLDS năm 2015 chỉ yêu cầu về việc công khai hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung mà không có quy định phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Việc bổ sung các dịch vụ này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có thể không cần thiết, tạo thêm thủ tục hành chính cho tổ chức tín dụng và có thể tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để cụ thể hóa quy định về hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng theo tinh thần của BLDS năm 2015.
Về hợp đồng hợp tác                                                  
BLDS năm 2015 bổ sung hợp đồng hợp tác để tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh thống nhất về quan hệ giữa các bên trong hợp tác sản xuất, kinh doanh, nhất là tạo căn cứ pháp lý về quan hệ giữa các thành viên tổ hợp tác. Trong đó, ngoài cách tiếp cận mới khi quy định về tổ hợp tác, BLDS năm 2015 quy định chủ thể của hợp đồng hợp tác ngoài cá nhân còn bao gồm pháp nhân, bất cứ thành viên nào của tổ hợp tác đều có thể đại diện trong giao dịch dân sự và không quy định phải chứng thực hợp đồng hợp tác...
Xây dựng Nghị định mới về hợp đồng hợp tác thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác và Thông tư số 04/2008/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Theo quy định tại  khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015 thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi gây thiệt hại theo nguyên tắc suy đoán lỗi, theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, bên có yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ cần chứng minh có thiệt hại thực tế và thiệt hại là do hành vi của người bị yêu cầu gây ra.
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa BLDS năm 2005 nên không còn phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2015.
Ví dụ:
- Khoản 1 Điều 53 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định “Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm” là chưa thống nhất với quy định của BLDS năm 2015;
- Khoản 6 Điều 35, khoản 4 Điều 36, khoản 4 Điều 40, điểm h khoản 2 Điều 66, điểm g khoản 2 Điều 76 Luật du lịch năm 2005 quy định:
+ Khách du lịch "Được bồi thường thiệt hại do lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gây ra theo quy định của pháp luật" và "Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật";
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải "bồi thường thiệt hại cho khách du lịch do lỗi của mình gây ra".
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch phải "Bồi thường cho khách du lịch về thiệt hại do lỗi của mình gây ra".
+ Hướng dẫn viên có nghĩa vụ "Bồi thường cho khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành về thiệt hại do lỗi của mình gây ra"…
VBQPPL có liên quan về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới của BLDS năm 2015.
Về di chúc chung của vợ chồng
BLDS năm 2015 không quy định về di chúc chung nhưng cũng không cấm vợ chồng lập di chúc chung mà áp dụng nguyên tắc chung về di chúc để xác hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng. Theo đó, trường hợp vợ chồng có lập di chúc chung thì di chúc chung này không vô hiệu nếu bảo đảm các điều kiện về di chúc hợp pháp và điều kiện về hình thức của di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự. Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, trường hợp một bên vợ, chồng lập di chúc chung chết trước thì phần di chúc của người đó có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế - thời điểm người đó chết.
Để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật, quyền, lợi ích của người dân trong việc lập di chúc thì Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong việc công chứng, chứng thực di chúc chung của vợ chồng trong trường hợp này.