Mức phạt vượt đèn vàng ngang đèn đỏ không trái với Luật Giao thông đường bộ và có cơ sở thực tiễn

11/08/2016
Mức phạt vượt đèn vàng ngang đèn đỏ không trái với Luật Giao thông đường bộ và có cơ sở thực tiễn
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây) thì người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền với mức phạt tiền quy định như nhau và mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành... Trước thông tin được bạn đọc rất quan tâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn để có cách nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Có ý nghĩa lớn trong việc góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Phóng viên: Thưa ông, liên quan đến Nghị định 46/2016/NĐ-CP, bạn đọc có nhiều ý kiến khác nhau. Một số thì cho rằng quy định phạt theo Nghị định 46 là không đúng với tính chất của đèn đỏ và đèn vàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Nghị định 46 quy định như vậy là phù hợp vì quy định phạt người đi xe vượt đèn vàng sẽ giúp người khác và bản thân họ an toàn hơn khi lưu thông trên đường. Vậy ông đánh giá như thế nào về hai luồng ý kiến trái ngược nhau này?
  Cục trưởng Đặng Thanh Sơn: Tôi cho rằng, đây là một trong nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có sự thay đổi đáng chú ý về hình thức, mức độ xử phạt so với quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP hiện hành. Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là xuất phát từ yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay, trên cơ sở  đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua. Việc nhận định, nêu ý kiến về một vấn đề như vấn đề nêu trên, theo tôi, trước hết cần phân tích, đánh giá thấu đáo quy định của pháp luật về vấn đề này, trên cơ sở xem xét, cân nhắc thỏa đáng đến các yếu tố thực tế liên quan.
Đối với luồng ý kiến thứ nhất, tại điểm c khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ “tín hiệu đỏ là cấm đi, khi đèn tín hiệu chuyển sang vàng là phải dừng lại trước vạch dừng”. Điểm a khoản 5 Điều 5; điểm c khoản 4 Điều 6; điểm g khoản 4 Điều 7; điểm h khoản 2 Điều 8 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có quy định quy định xử phạt đối với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Thực tế, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP hiện hành đang quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vượt đèn vàng tại điểm l khoản 3 Điều 5; điểm o khoản 3 Điều 6; điểm i khoản 3 Điều 7 và điểm c khoản 1 Điều 8 (hành vi “không chấp hành tín hiệu đèn giao thông”). Do vậy không thể coi là quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP không đúng tính chất của đèn đỏ và đèn vàng.
Về phương diện thực tiễn, cá nhân tôi cho rằng, việc xử phạt hành vi vượt đèn vàng có ý nghĩa lớn trong việc góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì đèn vàng có ý nghĩa báo hiệu cho người tham gia giao thông rằng chuẩn bị đèn tín hiệu sẽ chuyển sang đèn đỏ. Khi có tín hiệu đèn vàng thì đối với trường hợp người đang tham gia đã di chuyển quá vạch dừng phải khẩn trương đi tiếp, hoàn thành việc qua giao lộ; trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng chưa đến vạch dừng khi đèn từ xanh chuyển sang vàng thì phải giảm tốc độ, tránh trường hợp phanh gấp khi chuyển đèn tín hiệu từ đèn vàng sang đèn đỏ sẽ dẫn đến va chạm với phương tiện lưu thông phía sau. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người tham gia giao thông, mặc dù thời điểm đèn vàng bật sang và chưa đến vạch dừng nhưng thay vì đi chậm lại, dừng trước vạch dừng thì lại cố tình tăng tốc độ khi đèn chuyển sang vàng để tránh chờ đợi, dẫn đến nguy cơ thực tế xảy ra tình huống nguy hiểm, đó là tai nạn giao thông, đặc biệt là tại các giao lộ lớn.
  Tuy vậy, ở đây thiết nghĩ cũng cần phải thống nhất với nhau rằng “vượt đèn vàng” là trường hợp người tham gia giao thông cố tình tiếp tục đi khi đèn chuyển sang màu vàng trước khi phương tiện chạm đến vạch dừng. Còn đối với hai trường hợp: (i) đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng; hoặc (ii) tiếp tục đi khi đèn vàng nhấp nháy được Luật Giao thông đường bộ cho phép, thì không bị coi là vượt đèn vàng hay không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Phóng viên:  Ông vừa nói về quy định tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008. Như vậy, phải chăng có thể hiểu vượt đèn vàng đã được Luật Giao thông đường bộ coi là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính?
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn: Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải đảm bảo có vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý nhà nước.
Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ khi đèn tín hiệu chuyển sang vàng là các phương tiện giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp phương tiện đã đi quá vạch dừng  hoặc tín hiệu vàng nhấp nháy thì được đi tiếp. Điều này có nghĩa Luật đã quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của người tham gia giao thông khi có đèn tín hiệu vàng. Do vậy, tôi thấy rằng câu hỏi của phóng viên cũng đồng thời là câu trả lời chính xác: đó là hành vi người tham gia giao thông vượt đèn vàng là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và hành vi ấy phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và sắp tới (kể từ ngày 1/8/2016) là theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Giải pháp để không xử phạt “oan”
Phóng viên:  Có điều, hành vi cố tình vượt tín hiệu đèn vàng khi tại thời điểm tín hiệu chuyển đèn vàng mà phương tiện chưa đến vạch dừng có ý kiến cho rằng có sự khác về tính chất, mức độ xâm hại của hành vi so với việc cố tình vượt đèn đỏ. Trong khi đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt tương đương nhau giữa hai hành vi này liệu có phù hợp với Luật Giao thông đường bộ không?
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn: Nếu đánh giá cảm quan đơn thuần về câu chữ thì hành vi vượt tín hiệu đèn vàng có vẻ khác về tính chất, mức độ so với hành vi vượt đèn đỏ vì trong Luật Giao thông đường bộ đã dùng hai cách diễn đạt có ý nghĩa khác nhau: đèn đỏ cấm đi, đèn vàng phải dừng lại. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ cấm người tham gia giao thông vượt đèn đỏ và không được vượt đèn vàng. Hai trường hợp này đều là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, hành vi vượt đèn vàng có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng tương tự hành vi vượt đèn đỏ, thậm chí, như tôi đã đề cập ở trên, trong một số trường hợp có thể còn nguy hiểm hơn. Vì vậy, tôi cho rằng, việc Chính phủ sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, thay đổi mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn vàng từ mức bằng 1/2 so với mức tiền phạt vi phạm vượt đèn đỏ (Nghị định số 171/2013/NĐ-CP) sang quy định mức xử phạt tương đương nhau đối với hai hành vi vi phạm này là không trái với Luật Giao thông đường bộ và có cơ sở thực tiễn.
Sở dĩ có sự thay đổi quy định tăng gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng so với mức phạt quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, tương đương mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ là do cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính chất, mức độ xâm hại đối với trật tự quản lý chính về giao thông đường bộ của hành vi vượt đèn vàng trong điều kiện, tình hình thực tiễn giao thông đường bộ hiện nay là tương đương với hành vi vượt đèn đỏ, cần phải quy định mức phạt như vượt đèn đỏ để bảo đảm tính răn đe phù hợp, bảo đảm giáo dục phòng ngừa chung. 
Phóng viên:  Vậy theo ông, đâu là giải pháp hợp lý để không mất đi ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng và nhằm hạn chế tranh chấp giữa cán bộ thực thi với người tham gia giao thông khi đèn tín hiệu vàng thường rất ngắn?
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn:  Xét dưới giác độ về tính khả thi trong thực tiễn thì việc triển khai áp dụng các quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP cần phải tính toán thêm. Hiện nay, tại nhiều giao lộ, đèn tín hiệu giao thông không được trang bị đồng hồ đếm ngược, đèn vàng cũng chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn, nên người tham gia giao thông rất khó có thể xác định được khi nào đèn từ xanh chuyển sang vàng để điều chỉnh tốc độ di chuyển cho phù hợp và kịp dừng lại trước vạch dừng.
Bên cạnh đó, nếu bằng mắt thường, cảnh sát giao thông khó phân biệt được người điều khiển giao thông đã vượt quá vạch dừng trước khi đèn chuyển vàng hay chưa. Vì vậy, việc triển khai áp dụng ngay quy định không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP rất dễ nảy sinh những tình huống khó xử lý, có thể xảy ra tranh cãi giữa người có thẩm quyền xử phạt với người tham gia giao thông, cá biệt có trường hợp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
 Vì vậy, theo tôi, giải pháp hợp lý trong trường hợp này là lực lượng cảnh sát nhân dân, đặc biệt là Cảnh sát giao thông, cần phải tập huấn kỹ cho các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực thi hoạt động xử phạt về quy định của Luật Giao thông đường bộ và quán triệt việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ trong quá trình tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng người tham gia giao thông tuân thủ đúng pháp luật mà vẫn xử phạt. Hơn nữa, cần phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân hiểu đúng tinh thần và ý nghĩa của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật cũng như để người dân có thể tự bảo vệ quyền của mình.
Quan trọng nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và các cơ quan hữu quan để đầu tư đồng bộ, chất lượng hệ thống đèn giao thông trên toàn quốc, đặc biệt là tại các giao lộ lớn, đảm bảo có đồng hồ đếm ngược tại mỗi trụ đèn để người tham gia giao thông có thể tự chủ trong việc điều khiển tốc độ di chuyển của mình.
Không những thế, thời gian đèn vàng cũng như thời gian luân chuyển đèn giữa các trụ đèn giao thông tại các giao lộ cần điều chỉnh ở mức hợp lý, nhất là các giao lộ lớn, lưu lượng người tham gia giao thông cao để người điều khiển giao thông không bị động. Ngoài ra, cần phải trang bị các thiết bị hỗ trợ phát hiện hành vi vi phạm cho các cảnh sát giao thông để đảm bảo việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói chung, hành vi vượt đèn vàng nói riêng được chính xác, công bằng.  
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư (thực hiện)