Thẩm tra Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, PL 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, PL 2016

10/06/2016
Thẩm tra Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, PL 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, PL 2016
Sáng ngày 07/6/2016, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 27 để thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trong đó có đề nghị của Chính phủ.
Tham dự Phiên họp có các đồng chí Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban pháp luật, đại diện một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội (Ủy ban kinh tế, Hội đồng dân tộc, Ủy ban đối ngoại) và đại diện các cơ quan trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, gồm Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phiên họp do đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật chủ trì.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trong đó có đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Chương trình năm 2016; các nguyên tắc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; nội dung Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2017, điều chỉnh Chương trình năm 2016. 
Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2015, số lượng các dự án mà Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến và số lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn. Về cơ bản, các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc thực hiện Chương trình còn tồn tại, hạn chế là nhiều dự án, dự thảo đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc điều chỉnh Chương trìnhxuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có những nguyên nhân chủ quan như cơ quan lập đề nghị còn chưa trù liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện Chương trình; chưa thực sự tính toán kỹ về nội dung cũng như tác động của các chính sách trong dự án, dự thảo do các cơ quan đề xuất; Lãnh đạo một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát công tác xây dựng pháp luật. Công tác phối hợp liên ngành còn hạn chế.
Chính phủ đã đưa ra một số nguyên tắc lập Đề nghị về Chương trình năm 2017, điều chỉnh Chương trình năm 2016 như thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm triển khai thi hành Hiến pháp và các dự án còn lại của Chương trình khóa XIII đã được chuẩn bị tốt, đã có dự thảo và cần sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn mới; ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét, phê chuẩn việc tham gia trong năm 2016; chỉ đưa vào Chương trình những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản của dự án luật, pháp lệnh và mối quan hệ giữa các luật, pháp lệnh có liên quan; việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, mức độ chuẩn bị và tiến độ soạn thảo; tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án.
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, Chính phủ đề nghị đưa 38 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 10 dự án (bổ sung 05 dự án, chuyển 01 dự án từ quy trình hai kỳ họp thành quy trình một kỳ họp, lùi thời hạn trình 04 dự án). Dự kiến tại Kỳ họp thứ 3, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông qua 16 dự án, cho ý kiến 11 dự án; tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông  qua 13 dự án, cho ý kiến 09 dự án.
Ngoài ra, Chính phủ còn đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 01 Quốc hội khóa XIV, theo quy trình một kỳ họp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật có liên quan, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong tình hình mới. Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Luật đầu tư  và Luật doanh nghiệp năm 2014 được ban hành với nhiều nội dung đổi mới, cải cách quan trọng tác động mạnh mẽ đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thởi điểm Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp có hiệu lực vẫn chưa được sửa đổi kịp thời để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với những cải cách của Luật đầu tư. Chẳng hạn như quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật đầu tư về trình tự thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; quy định của Luật đất đai và Luật đầu tư về trình tự, hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất trong quá trình giải quyết thủ tục về đầu tư (Luật đất đai quy định hồ sơ và thủ tục phức tạp hơn Luật đầu tư); quy định của Luật nhà ở và Luật đầu tư về thẩm quyền và yêu cầu hồ sơ thực hiện dự án đầu tư; quy định của Luật đất đai, Luật đấu thầu và Luật đầu tư về tổ chức đấu giá đất, đấu thầu dự án, quyết định chủ trương đầu tư; quy định chưa thống nhất về tính đồng bộ, liên thông giữa thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch xây dựng và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật xây dựng với Luật đầu tư... Do có sự khác nhau giữa các Luật, nên việc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, một số ngành, nghề thuộc Danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật đầu tư đã bộc lộ những bất cập, có sự trùng lặp, chưa rõ nội hàm, dẫn đến thiếu tính khả thi, mốt ố ngành, nghề không còn cần thiết quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh là hết sức cần thiết. 
Tại Phiên họp, đa số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành cơ bản với những đánh giá của Chính phủ, các nguyên tắc lập Đề nghị và nhiều dự án mà Chính phủ đề xuất. Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban pháp luật và đại biểu tham dự cuộc họp cũng có ý kiến cụ thể đối với một số dự án đề xuất đưa vào Chương trình năm 2017 và điều chỉnh Chương trình năm 2016. Có ý kiến đề nghị không sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công mà nghiên cứu để nâng lên thành Luật vì chính sách ưu đãi đối với người có công là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nhưng Pháp lệnh ưu đãi người có công đã được ban hành từ lâu, sửa đổi nhiều lần và vẫn còn nhiều bất cập, chưa đúng tầm của một chính sách quan trọng này. Có ý kiến đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng các chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia, xuất phát từ kinh nghiệm xây dựng và thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, nên đề nghị chưa đưa dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào Chương trình năm 2016. Có ý kiến đề nghị chuyển dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình hai kỳ họp sang cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình một kỳ họp...
Kết thúc Phiên họp, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật nhấn mạnh, số lượng các dự án tương đối nhiều nên Ủy ban pháp luật sẽ phối hợp rà soát, làm sao các dự án đưa vào Chương trình bảo đảm yêu cầu của Luật ban hành văn bản; những dự án chưa bảo đảm yêu cầu thì chưa đưa vào Chương trình để bảo đảm tính khả thi. Đặc biệt, cần rà soát kỹ để bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế. Theo đồng chí Phan Trung Lý, các chính sách của Việt Nam về gia nhập Asean là không rõ ràng, ai quyết vấn đề này và quyết như thế nào? Về dự án Luật dân tộc, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho rằng đây là dự án Luật khó, đặc biệt là trong việc xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nội dung chính sách để tránh trùng lặp với các luật hiện hành.
Dự kiến, tại Phiên họp ngày 13/6/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trong đó có Đề nghị của Chính phủ.
Li Mi