Giới thiệu về Bộ Tư pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

08/09/2015
Phục vụ thông tin cho Bộ trưởng Hà Hùng Cường tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu thăm chính thức Hoa Kỳ, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp giới thiệu một số nét về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ chính của Bộ Tư pháp Hoa kỳ, vốn là những điểm khác biệt cơ bản với Bộ Tư pháp Việt Nam.

Sứ mệnh

Thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; đảm bảo an toàn cho người dân khỏi cáctham gia Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu thăm chính thức Hoa Kỳ.  mối đe dọa trong và ngoài nước; chỉ đạo toàn liên bang trong công tác ngăn ngừa và kiểm soát tội phạm; tìm kiếm biện pháp trừng phạt thích đáng đối với các hành vi trái pháp luật; đảm bảo thực thi công lý công bằng và khách quan cho tất cả người dân Mỹ.

Thẩm quyền luật định

Đạo luật Tư pháp năm 1789, chương 20, mục 35, điều 92-93 đã quy định thành lập Văn phòng Tổng chưởng lý. Nguyên là một vị trí bán thời gian do một người đảm nhiệm, Tổng Chưởng lý có nhiệm vụ truy tố và xử lý tất cả các vụ kiện tại Tòa án tối cao liên quan tới Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tư vấn pháp luật và nêu quan điểm khi có yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ hoặc của Thủ trưởng các phòng ban khi nảy sinh các vấn đề có thể liên quan đến các phòng ban này.” Khối lượng công việc nhanh chóng trở nên quá tải đối với một người, đòi hỏi phải tuyển thêm một số trợ lý cho Tổng Chưởng lý. Với khối lượng công việc cần thực hiện ngày càng tăng, các luật sư tư nhân cũng được bảo lưu vai trò tham gia các vụ án.

Năm 1970, do các vụ kiện tụng liên quan tới Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau Nội chiến ngày càng tăng đòi hỏi chi phí cao giành cho việc giữ lại một số lượng lớn luật sư tư nhằm giải quyết khối lượng công việc quá tải, Quốc hội đã thông qua Đạo luật thành lập Bộ Tư pháp với vai trò “cơ quan hành pháp của chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, đứng đầu là Tổng chưởng lý. Chính thức hoạt động vào ngày 1 tháng 7 năm 1870, theo Đạo luật năm 1870, Bộ tư pháp chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề pháp lý của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đạo luật trao quyền kiểm soát các vụ truy tố hình sự và các vụ kiện dân sự mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quan tâm cho Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, Đạo luật cũng trao cho Tổng chưởng lý và Bộ Tư pháp quyền kiểm soát thi hành luật liên bang. Nhằm hỗ trợ Tổng chưởng lý, Đạo luật 1870 cũng quyết định thành lập Văn phòng Tổng Biện lý sự vụ.

Đạo luật 1870 là nền tảng thành lập Bộ Tư pháp. Cấu trúc Bộ Tư pháp đã thay đổi qua các năm cùng với việc bổ sung thêm vị trí Phó Tổng chưởng lý và thành lập thêm các Vụ trực thuộc. Tuy nhiên, khối lượng công việc của Bộ vẫn liên tục tăng. Bộ Tư pháp đã trở thành văn phòng luật lớn nhất thế giới và cơ quan trung ương về thi hành pháp luật liên bang.

Chức năng của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thực thi pháp luật liên bang, phòng chống tội phạm, bảo vệ an toàn chung chống lại các mối đe dọa bao gồm khủng bố và vận hành hệ thống nhà tù liên bang. Các cơ quan và đơn vị thực hiện các chức năng nêu trên bao gồm Cục Điều tra liên bang, Cục Phòng chống ma túy, Cục Cảnh sát Hoa Kỳ, Chưởng lý và Tổng chưởng lý Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp tuyển dụng hơn 100.000 chưởng lý, điệp viên đặc biệt, nhân sự liên quan tới lĩnh vực thi hành pháp luật và nhiều nhân sự khác.  

 Các Cục, Văn phòng và Cơ quan Bộ Tư pháp

Văn phòng Tổng chưởng lý

Văn phòng Tổng chưởng lý là cơ quan đầu não trong Bộ Tư pháp, có chức năng giám sát mọi hoạt động của Bộ. Bên cạnh vai trò lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng chưởng lý là chức danh chính giám sát thi hành pháp luật, là luật sư cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ và là thành viên của Nội các Tổng thống. Tổng chưởng lý là Bộ trưởng duy nhất của nội các không đi kèm chức danh “Thư Ký”. Văn phòng Tổng chưởng lý giám sát và chỉ đạo công tác hành chính và quá trình hoạt động của các Văn phòng thuộc bộ Tư pháp bao gồm Cục Điều tra liên bang, Cục Phòng Chống ma túy, Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ, Cục đặc trách Nhà tù liên bang, Văn phòng Chương trình tư pháp, Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ và Cục Cảnh sát Hoa Kỳ. Mặc dù vị trí Tổng chưởng lý là một chức danh pháp luật do một luật sư nắm giữ, Tổng chưởng lý cũng đồng thời là một chức danh chính trị. Nhiều tổng chưởng lý đã từng là đối tượng công kích của dư luận trong nhiều năm qua, trong đó có 3 Tổng chưởng lý với các chính sách chống khủng bố gây tranh cãi dưới thời Tổng thống George W. Bush.

 Cơ quan thi hành pháp luật

Cục Điều tra liên bang

Cục Điều tra liên bang (FBI) là cơ quan thi hành pháp luật cao nhất của chính phủ liên bang. FBI thực hiện các công tác cảnh sát quan trọng, đồng thời thực thi pháp luật liên bang trong các lĩnh vực từ điều tra tội phạm có tổ chức tới theo dõi các đối tượng tình nghi khủng bố. FBI điều hành 56 văn phòng chi nhánh tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ và hơn 400 cơ quan thường trú với nhiệm vụ hỗ trợ các văn phòng chi nhánh. Danh tiếng trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm của FBI đã được hình thành từ Thời kỳ Cấm rượu với việc xử lý thành công các băng nhóm khét tiếng như băng của John Dilinger. Tuy nhiên, danh tiếng một thời này đã bị hủy hoại theo thời gian do khá nhiều vụ bê bối, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây khi hoạt động kém hiệu quả của cảnh sát và sự thất bại trong việc ngăn chặn vụ khủng bố 11/9 đã gây nên một làn sóng phản đối gay gắt. Ngay cả khi đã tiến hành nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực thu thập tình báo, FBI vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục bị suy giảm tầm ảnh hưởng.

 Cục Cảnh sát Hoa Kỳ

Cục Cảnh sát Hoa Kỳ (USMS) là cơ quan thi hành pháp luật liên bang có lịch sử lâu đời nhất. USMS đã đi vào hoạt động từ năm 1789 và hiện đang điều hành 94 khu vực tư pháp liên bang. Nhiệm vụ của Cục bao gồm truy lùng hơn một nửa số tội phạm bị truy nã trên toàn liên bang, bảo vệ nền tư pháp liên bang, thực hiện Chương trình Bảo vệ nhân chứng, chuyển giao tù nhân liên bang và thu hồi tài sản chiếm giữ trái pháp luật của tội phạm. USMS cũng từng bị buộc tội bẻ cong pháp luật, thậm chí còn bị tố cáo vi phạm pháp luật trong một số trường hợp gây tranh cãi.

Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá và súng (ATF)

ATF là một cơ quan thi hành và quản lý pháp luật với lịch sử tồn tại lâu đời trong chính phủ liên bang kể từ thời quan liêu thu thuế những năm 1800s. Trong lịch sử, cơ quan này đã và đang đấu tranh nhằm đảm bảo thế cân bằng giữa trách nhiệm thi hành pháp luật và chức năng thu thuế. Khi Đạo luật An ninh Nội bộ quy định chuyển chức năng thi hành pháp luật của ATF từ Bộ Tài chính sang Bộ Tư pháp, chức năng liên quan tới thuế và thương mại trước đó vẫn thuộc Phòng Tài chính của Cục Quản lý Thuế Rượu và Thuốc lá và Kinh doanh mới. Theo đó, nhiệm vụ của Cục là chống tội phạm sử dụng súng và tham gia các hoạt động phòng chống tội phạm khác. Cục cũng chịu trách nhiệm điều tra và ngăn chặn tội phạm liên quan tới việc sử dụng, chế tạo và tàng trữ trái phép súng và chất gây nổ, phóng hỏa và ném bom, buôn lậu hoặc sản xuất trái phép rượu và thuốc lá. Là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngành công nghiệp chế tạo súng, các quy định và nỗ lực tăng cường tính an toàn trong sử dụng súng đã trở thành mục tiêu công kích kịch liệt của phe cánh hữu vốn ủng hộ quyền sở hữu và buôn bán súng.

 Cục Phòng chống ma túy (DEA)         

DEA là cơ quan đứng đầu cả nước  trong lĩnh vực thi hành luật pháp đối với công tác ngăn chặn việc buôn bán và phân phối cần sa và ma túy. DEA thi hành các luật liên bang về phòng chống ma túy bao gồm Đạo luật Kiểm soát các chất với chức năng theo dõi quá trình sản xuất và phân phối hợp pháp các chất được kiểm soát. DEA điều tra các đối tượng vi phạm nghiêm trọng luật các chất được kiểm soát ở cấp liên bang và quốc tế. Là một phần của chương trình tình báo quốc gia về ma túy, DEA phối hợp với các cán bộ thi hành luật cấp bang và liên bang, địa phương và quốc tế nhằm thu thập, phân tích và phổ biến các thông tin tình báo chiến lược và các thông tin hoạt động. DEA cũng làm việc với các tổ chức thi hành pháp luật khác thông qua các biện pháp bổ sung như loại bỏ hoặc thay thế các giống cây trồng cấm và đào tạo các cán bộ nước ngoài. DEA là tâm điểm của dư luận quốc gia trong vấn đề cần sa y tế, đóng vai trò cơ quan thi hành luật của chính phủ liên bang trong việc theo dõi các club địa phương chuyên phân phối cần sa cho những người bệnh nặng. Bên cạnh đó, tính hiệu quả trong hoạt động của DEA đối với vấn đề ngăn cấm sử dụng ma túy bất hợp pháp vẫn đang là một vấn đề chưa có lời giải đáp.

Lực lượng đặc nhiệm thực thi luật Tội phạm có tổ chức và Ma túy (OCDETF)

Là một cơ quan trực thuộc của DEA, OCDETF được thành lập năm 1982 với chức năng xử lý các vụ buôn lậu ma túy và các tổ chức rửa tiền lớn. OCDETF phối hợp với DEA, FBI, Cục Thực thi luật nhập cư và hải quan, Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ, Cục Cảnh sát, Sở Thuế Vụ, Tuần duyên Hoa Kỳ, Vụ Hình sự và Vụ Thuế thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và 93 Văn phòng Chưởng lý nhằm phát hiện, ngăn chặn và giải thể các tổ chức buôn lậu ma túy nguy hiểm nhất. Các nỗ lực đều nhằm hướng tới mục tiêu giảm nguồn cung ma túy trên toàn quốc và cắt giảm các nguồn tài chính có nguy cơ phục vụ cho các nhóm khủng bố toàn cầu.

Văn phòng Chương trình Tư pháp

OJP là cơ quan hành chính lớn nhất với chức năng điều hành các chương trình và sáng kiến của Bộ Tư pháp tập trung vào lĩnh vực phòng chống tội phạm. Các chương trình này cung cấp các hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật và nghiên cứu cho chính phủ và các chính quyền địa phương cũng như các chương trình thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp hình sự. OJP giám sát 13 cục và văn phòng, bên cạnh 21 sáng kiến tập trung vào nhiều lĩnh vực, trong đó có Cục Hỗ trợ tư pháp, Cục Thống kê Tư pháp, Phòng Phát triển Năng lực cộng đồng, Học viện Tư pháp quốc gia, Phòng Tư pháp Trẻ vị thành niên và Ngăn ngừa tội phạm, Phòng Phụ trách Nạn nhân của tội phạm, Phòng Quyền công dân, Phòng Kết án, Giám sát, Bắt giữ, Đăng ký và Theo dõi tội phạm tình dục. Ngoài ra còn có các chương trình liên quan tới các sửa đổi, tòa án, tư pháp trẻ vị thành niên, thi hành pháp luật, nghiên cứu, thống kê, đánh giá, phạm tội và lạm dụng chất gây nghiện, ứng dụng công nghệ trong phòng chống tội phạm, khủng bố, và nạn nhân của tội phạm.

 Văn phòng Dịch vụ Cảnh sát cộng đồng (COPS)

COPS chủ trương phương pháp tiếp cận dựa trên lợi ích cộng đồng trong lĩnh vực thi hành pháp luật nhằm đẩy mạnh phòng chống tội phạm thay vì chỉ ứng phó một khi đã có trường hợp phạm tội. Được thành lập dưới thời Tổng thống Clinton sau một loạt vụ bạo lực xảy ra trên khắp cả nước, COPS hướng tới việc cải thiện an ninh công cộng thông qua việc giải quyết không chỉ gốc rễ của tội phạm mà còn giảm thiểu nỗi lo sợ đối với tội phạm nhằm xử lý dứt điểm các hoạt động phạm pháp. Khái niệm hoạt động từ cấp địa phương và xử lý ngay từ gốc rễ tội phạm được thực hiện bởi các nhân viên cảnh sát cộng đồng đang công tác tại chính địa phương mình nhằm phát triển mối quan hệ và tạo dựng niềm tin với các thành viên trong cộng đồng. COPS đồng thời tài trợ vốn và hỗ trợ đào tạo đối với các chương trình cảnh sát cộng đồng. 

Tù nhân

Cục đặc trách Nhà tù liên bang (BOP)

BOP chịu trách nhiệm quản lý hệ thống nhà tù liên bang. Với trụ sở đặt tại Washington D.C, Cục chịu trách nhiệm giám sát 114 nhà tù, 6 văn phòng khu vực, 2 trung tâm đào tạo nhân lực và 28 văn phòng điều chỉnh cộng đồng. BOP đồng thời chịu trách nhiệm đối với việc giam giữ và quản chế khoảng 200.000 tù nhân liên bang – 85% trong số đó bị giam giữ tại các nhà tù của chính phủ, 15% còn lại bị giam giữ trong các nhà tù tư nhân. BOP đồng thời chịu trách nhiệm thi hành án tử hình theo pháp luật liên bang và điều hành một trung tâm tử hình bằng hình thức tiêm thuốc tại Terre Haute, Indiana nơi án tử hình đầu tiên bằng hình thức này được áp dụng vào năm 2001 đối với kẻ đánh bom thành phố Oklahoma Timothy McVeigh. Bên cạnh việc sử dụng án tử hình, BOB cũng phải đối mặt với dư luận về việc cắt giảm ngân quỹ và vấn đề tư nhân hóa.

Văn phòng Ủy thác Tạm giam liên bang (OFDT)

OFDT giám sát và điều phối các hoạt động tạm giam của Bộ Tư pháp, Cơ quan thi hành pháp luật về Nhập cư và Hải quan của Bộ An ninh nội địa. OFDT chịu trách nhiệm đảm bảo tù nhân được giam giữ trong môi trường an toàn và nhân đạo với chi phí hợp lý. Thêm vào đó, OFDT đồng thời giám sát hoạt động của các cơ sở đảm bảo phù hợp với tiêu chí đã thống nhất, phát triển và áp dụng các chiến lược giải quyết các khủng hoảng trại giam có thể phát sinh, đàm phán và ký kết các hợp đồng nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động, xây dựng các đề xuất và kế hoạch về xu hướng dân số, chi phí của nhà nước và địa phương so với các cơ sở tư nhân. 

Ủy ban ân xá Hoa Kỳ (USPC)

USPC là một cơ quan bán tự trị trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng thông qua các trường hợp ân xá liên quan tới các tù nhân liên bang và tù nhân thuộc hạt Columbia. USPC đưa ra các quyết định phóng thích, thông qua các biện pháp phóng thích và các điều kiện cho phép phóng thích, đưa ra các bảo lãnh đối với các trường hợp vi phạm quy định giám sát, quyết định các nguyên nhân khả dĩ để tiến hành quá trình thu hồi; quy định, sửa đổi và giám sát phù hợp với các điều kiện và điều khoản giám sát hành vi của đối tượng vi phạm đang được ân xá, được tạm tha trước thời hạn hoặc được tạm tha có quản thúc; hủy bỏ quyết định ân xá, tạm tha trước thời hạn hoặc tạm tha có quản thúc đối với các đối tượng vi phạm; chấm dứt quản thúc đối với đối tượng vi phạm không còn là mối đe dọa với an toàn của cộng đồng; đưa ra các quy định và hướng dẫn theo chính sách ân xá quốc gia. Tuy đã từng giữ nhiều trọng trách, vai trò của USPC đang dần giảm sút, thậm chí còn bị đe dọa trong suốt 20 năm qua sau quá trình thay đổi căn bản về luật xử phạt những năm 1980. 

Luật sư

Chưởng lý Hoa Kỳ

Chưởng lý Hoa Kỳ đóng vai trò luật sư tranh tụng đứng đầu quốc gia dưới chỉ đạo của Tổng Chưởng lý. Có tổng cộng 93 chưởng lý phụ trách các khu vực trên toàn Hoa Kỳ, Puerto Rico, đảo Virgin, Guam và Đảo Bắc Mariana. Chưởng lý là các chức danh cấp cao chịu trách nhiệm thi hành luật liên bang trong phạm vi quyền tài phán của mình. Chưởng lý Hoa Kỳ được bổ nhiệm bởi Tổng thống theo nhiệm kỳ 4 năm. Năm 2007, các Chưởng lý Hoa Kỳ đã trở thành tâm điểm của dư luận dưới nhiệm kỳ Tổng thống Bush khi có thông tin hàng loạt công tố viên bị sa thải vì lý do chính trị. Vụ bê bối này đã dẫn tới việc Nguyên Tổng chưởng lý Alberto Gonzales phải từ chức.

Văn phòng Tổng biện lý sự vụ

Là một trong những quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp, Tổng biện lý sự vụ Hoa Kỳ đại diện cho chính phủ liên bang trong các vụ án trước Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Tổng biện lý sự vụ cũng đưa ra phán quyết khi Hoa Kỳ kháng cáo một vụ án đã thua kiện tại tòa án liên bang và tòa án bang cấp dưới, khi sử dụng chế định Thân hữu của tòa án (amicus curiae) và khi Hoa Kỳ phải can thiệp nhằm bảo vệ tính hợp hiến của một đạo luật của Quốc hội. Dưới thời Tổng thống Bush, Tổng biện lý sự vụ đã có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong thủ tục tố tụng được xây dựng nhằm mở rộng nỗ lực của Nhà Trắng trong việc điều tra và bỏ tù vô thời hạn đối với các đối tượng tình nghi khủng bố.

Văn phòng Điều tra Trách nhiệm nghiệp vụ

OPR điều tra các cáo buộc về các hành vi vi phạm của 10.000 chưởng lý thuộc Bộ Tư pháp. OPR là đơn vị tiếp nhận hàng trăm khiếu nại về các chưởng lý Hoa Kỳ mỗi năm từ các thẩm phán, luật sư bào chữa và các chưởng lý hoặc các nhân viên khác của Bộ Tư pháp. Khoảng ¾ các khiếu nại này không tiếp tục được điều tra do mơ hồ, thiếu bằng chứng hoặc nằm ngoài thẩm quyền tài phán của OPR. Trong số khoảng 250 khiếu nại còn lại, khoảng 2/3 số này được xử lý như các thắc mắc, được giải quyết thông qua việc xem xét hồ sơ lưu trữ bao gồm bản ghi của các vụ án và các phản hồi bằng văn bản của chưởng lý bị cáo buộc đối với khiếu nại. 1/3 còn lại, bao gồm khoảng 15% các thắc mắc không giải quyết các khiếu nại sẽ được điều tra toàn diện. OPR cũng xử lý các trường hợp vi phạm  của liên đoàn luật sư các bang. Bên cạnh việc điều tra, OPR cũng chịu trách nhiệm đào tạo cho các chưởng lý Hoa Kỳ về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Tình báo

Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC)

Là cơ quan tư pháp bí mật nhất Hoa Kỳ, Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài tiếp nhận các yêu cầu của các chuyên viên thi hành pháp luật liên bang để tiến hành giám sát công dân Hoa Kỳ hoặc người nước ngoài tại Hoa Kỳ có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài năm 1978 ra đời quy định hoạt động của FISC khi nhận thức được sự lạm dụng quyền lực của chính quyền Nixon, Quân đội và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) trong giai đoạn 1960-1970. Rất ít người Mỹ ý thức được sự tồn tại của FISC cho tới khi truyền thông phanh phui các hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia theo chỉ đạo của tổng thống George W. Bush bao gồm việc giám sát các cuộc điện thoại, email và các giao dịch điện tử khác có tiềm năng chứa đựng thông tin liên quan tới hoạt động khủng bố. Việc FISC tiến hành các hoạt động nghe lén đã làm bùng nổ tranh cãi gay gắt tại Quốc hội Hoa Kỳ, dẫn tới việc sửa đổi Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài nhằm đáp ứng mong muốn tiếp tục điều tra các giao dịch trong nước và ngước ngoài của Tổng thống Bush.

Vụ An ninh quốc gia (NSD)

NSD thực hiện chức năng an ninh quốc gia chính của Bộ Tư pháp, bao gồm: Phòng chống khủng bố và gián điệp, Văn phòng Kiểm tra và Chính sách tình báo và Văn phòng Luật và Chính sách. NSD được thành lập bởi Báo cáo năm 2005 của Hội đồng Khả năng tình báo Hoa Kỳ liên quan tới Vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, NSD ngay lập tức trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều quan ngại sâu sắc về sự thiếu tôn trọng quyền tự do công dân truyền thống.

Quốc tế

Cơ quan trung ương quốc gia Hoa Kỳ của INTERPOL (USNCB)

USNCB là chi nhánh Hoa Kỳ của tổ chức cảnh sát quốc tế INTERPOL, đóng vai trò trung tâm giao tiếp hỗ trợ công tác tìm kiếm của cảnh sát trong điều tra tội phạm xuyên biên giới. Chịu sự chỉ đạo của Tổng chưởng lý, trực thuộc Bộ Tư pháp và phối hợp với Bộ Tài chính, USNCB tập trung vào nhóm tội phạm đào tẩu, lừa đảo tài chính, tội phạm ma túy, khủng bố và bạo lực. USNCB có thể từ chối phúc đáp bất cứ thắc mắc nào trong 200.000 câu hỏi từ các quốc gia khác. Theo văn bản dưới luật của INTERPOL, USNCB không hỗ trợ hoạt động bắt giam nghi phạm.

Ủy ban Giải quyết khiếu nại nước ngoài (FCSC)

Là một cơ quan bán tư pháp, FCSC quyết định tính thỏa đáng và giá trị tài chính của các khiếu nại của công dân Hoa Kỳ về tổn thất và thiệt hại về tài sản và thương tích cá nhân ở nước ngoài. Các khiếu nại hoặc nằm trong thẩm quyền tài phán riêng được phân công bởi Quốc hội hoặc phù hợp với các thỏa thuận về giải quyết khiếu nại quốc tế. Các quỹ giành cho việc thanh toán được trích từ nguồn phân bổ ngân sách của Quốc hội, từ các hoạt động giải quyết tranh chấp quốc tế hoặc thanh lý tài sản nước ngoài tại Hoa Kỳ do Bộ Tư pháp hoặc Bộ Tài chính tiến hành. Tính đến nay, FCSC và các cơ quan tiền thân đã biên soạn và quản lý 43 chương trình khiếu nại liên quan tới chiến tranh và khiếu nại quốc tế tại nhiều quốc gia như Albania, Bulgaria, Trung Quốc, Cuba, Czechoslovakia, Đông Đức, Tây Đức, Ai Cập, Ethiopia, Hungary, Iran, Italy, Panama, Ba Lan, Romania, Liên bang Xô-viết, Việt Nam và Yugoslavia. Ngoài ra còn có các chương trình khiếu nại của những người Mỹ sống sót qua Trại tập trung. Bên cạnh đó, FCSC hiện đang tham gia lên kế hoạch bước đầu cho một chương trình tương lai liên quan tới các khiếu nại với Iraq.

Nạn nhân Khai thác Uranium và Thí nghiệm hạt nhân

Chương trình Bồi thường cho nạn nhân nhiễm phóng xạ (RECP)

RECP bồi thường về mặt tài chính cho các cá nhân bị nhiễm bệnh nặng do thí nghiệm hạt nhân hoặc khai thác uranium trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. RECP được quản lý bởi Vụ Dân sự, Phòng Xử lý Vi phạm Dân sự. 2 cơ quan này rút tiền từ một quỹ tín thác đặc biệt để chi trả cho các đối tượng trong diện nhận bội thường. Tiền bồi thường nằm trong khoảng từ 50.000 đến 100.000 USD tùy thuộc theo diện bồi thường. Tính đến 8/5/2008, RECP đã chấp nhận bồi thường cho 19.420 đối tượng và từ chối 8.071 trường hợp. Hầu hết những người được nhận bồi thường là nạn nhân thí nghiệm phóng xạ (12.063) và công nhân khai thác Uranium (4.819). Những người còn lại là những người xuất hiện trên hiện trường phóng xạ và những người vận chuyển quặng. Những người xuất hiện trên hiện trường phóng xạ là những người khó được nhận bồi thường nhất, với tỉ lệ nhận bồi thường chiếm chỉ 44,7% so với tỉ lệ hơn 70% đối với các trường hợp khác.

Cơ cấu, nhiệm vụ và chức năng của Tổng chưởng l‎ý, Phó Tổng chưởng lý và các đơn vị trực thuộc

Tổng chưởng lý/ Phó Tổng chưởng lý/ Văn phòng Phó Tổng chưởng lý

Văn phòng Tổng chưởng lý

Tổng Chưởng lý là chức danh được quy định trong Đạo luật Tư pháp năm 1789. Tháng 6 năm 1870, Quốc hội ban hành luật mang tên “Đạo luật Thành lập Bộ Tư pháp”. Đạo luật này quy định Tổng chưởng lý là người đứng đầu Bộ Tư pháp và cho phép Tổng chưởng lý chỉ đạo và quản lý các chưởng lý cũng như đội ngũ các luật sư nhân danh hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đạo luật này cũng cho phép Tổng chưởng lý thực hiện quyền giám sát hoạt động của Các chưởng lý và Cục Cảnh sát Hoa Kỳ.

Văn phòng Chưởng lý Hoa Kỳ có chức năng giám sát và chỉ đạo tổ chức hành chính và hoạt động của Bộ Tư pháp và các đơn vị trực thuộc, bao gồm Cục điều tra liên bang, Cục Phòng chống ma túy, Cục quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Thuốc nổ, Cục quản lý nhà tù, Văn phòng Chương trình tư pháp, Chưởng lý Hoa Kỳ và Cục Cảnh sát Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ chính của Tổng chưởng lý bao gồm:

  • Nhân danh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong các vấn đề pháp lý; 
  • Giám sát và chỉ đạo công tác hành chính và hoạt động của các văn phòng, ban, vụ và cục trực thuộc Bộ; 
  • Đưa ra các tư vấn và góp ý chính thức hoặc không chính thức về pháp lý cho Tổng thống, Nội các Chính phủ và Thủ trưởng các phòng ban hoặc cơ quan chính phủ theo luật định.
  • Đề xuất với Tổng thống về vấn đề bổ nhiệm các chức danh tư pháp liên bang và các chức danh thuộc Bộ bao gồm Chưởng lý và Cục Cảnh sát Hoa Kỳ.
  • Đại diện hoặc thực hiện giám sát đại diện của Chính phủ Hoa Kỳ tại Tòa án tối cao Hoa Kỳ và tất cả các tòa án trong nước và nước ngoài mà Hoa Kỳ là một bên tham gia hoặc có sự quan tâm thích đáng.
  • Thực hiện hoặc giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp hoặc Mệnh lệnh hành pháp

Văn phòng Phó Tổng Chưởng lý

Ngày 24/5/1950, Tổng trưởng lý J. Howard McGrath đã thành lập Văn phòng Phó Tổng Chưởng lý (ODAG). Phó Tổng chưởng lý là chức danh được Tổng thống bổ nhiệm theo sự tham mưu và nhất trí của Thượng Nghị viện, là chức vụ cao thứ hai trong Bộ Tư pháp với vai trò Trưởng Giám sát điều hành. 25 cơ quan cấu thành và 93 Chưởng lý Hoa Kỳ hoạt động trực tiếp dưới quyền Phó Tổng chưởng lý và 13 cơ quan cấu thành khác hoạt động dưới quyền Phó Tổng chưởng lý thông qua Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Hàng ngày, Phó Tổng chưởng lý sẽ đưa ra các quyết định về nhiều lĩnh vực liên quan tới pháp lý, chính sách và cách thức tổ chức vận hành.

ODAG có nhiệm vụ tư vấn và hỗ trợ Tổng chưởng lý trong công tác xây dựng và thực hiện các chương trình và chính trách của Bộ Tư pháp cũng như tiến hành giám sát và định hướng chung cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp.

Chức năng chính của DAG bao gồm:

  • Thi hành quyền lực và thẩm quyền của Tổng chưởng lý trừ trường hợp quyền lực và thẩm quyền đó phải được thực hiện bởi chính Tổng chưởng lý.
  • Đại diện cho Bộ Tư pháp tại cuộc họp liên ngành tại Nhà Trắng của Hội đồng Bảo an Quốc gia và Hội đồng An ninh nội địa, đảm bảo hệ thống nhân viên để thực hiện các chính sách tư pháp liên quan.
  • Thay mặt Tổng chưởng lý cho phép tiến hành tìm kiếm và giám sát điện tử theo Đạo luật về Giám sát tình báo nước ngoài (FiSA) và mệnh lệnh hành pháp về Tình báo.
  • Xem xét và đề xuất với Tổng chưởng lý việc phán quyết hoặc từ chối phán quyết án tử hình trong các trường hợp cụ thể.
  • Đóng vai trò đầu mối liên lạc với Nhà Trắng về các vấn đề hình sự còn tồn đọng chưa giải quyết.
  • Đề xuất với Nhà Trắng sau khi xin ý kiến từ văn phòng Biện lý đặc trách Ân xá về vấn Tổng thống đưa ra quyết định ân xá hoặc giảm án.
  • Chịu trách nhiệm các vấn đề nhân sự của Bộ Tư pháp, bao gồm việc đưa ra động thái cuối cùng trong các vấn đề liên quan tới tuyển dụng, chia tách và kỷ luật (trừ GS-15 và các vấn đề luật sư đã được phân công cho văn phòng Tuyển dụng và Quản lý Biện lý).
  • Phối hợp và kiểm soát phản ứng của Bộ Tư pháp đối với các rối loạn dân sự và khủng bố.
  • Giám sát các vấn đề ngân quỹ và xác nhận với Quốc hội các phương án đầu tư hiệu quả về mặt chi phí của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
  • Đặt ra các ưu tiên thực hiện khi xin ý kiến Tổng chưởng lý, xử lý các ưu tiên hàng đầu, chủ trì các lực lượng đặc nhiệm và các tổ chức liên ngành hoặc nội ngành, ví dụ Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống gian lận đấu thầu, Hội đồng quốc tế về Tội phạm có tổ chức, Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống gian lận doanh nghiệp, Hội đồng Hợp tác chống các băng nhóm tội phạm, Hội đồng cố vấn của Tổng chưởng lý.
  • Điều hành các văn phòng chương trình có tầm ưu tiên cao thuộc ODAG, ví dụ: Lực lượng đặc biệt Phòng chống Tội phạm có tổ chức và Ma Túy, Văn phòng Quyền riêng tư và Tự do công dân, Lực lượng đặc biệt về Các dự án có nền tảng nơi Đức tin và Cộng đồng, chương trình Nhà nước pháp quyền Iraq. ODAG cũng có trách nhiệm cùng với Tổng chưởng lý giám sát Văn phòng đặc trách Pháp lý người Mỹ bản thổ.
  • Thực hiện các hoạt động và chức năng được Tổng chưởng lý phân công.

Văn phòng Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Văn phòng Thứ trưởng Bộ Tư pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 699-77 ngày 10 tháng 3 năm 1977 của Tổng chưởng lý.

Là chức vụ đứng thứ 3 trong Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp là thành viên chính của ban điều hành cấp cao của Tổng chưởng lý.

Thứ trưởng Bộ tư pháp có nhiệm vụ:

  • Tư vấn và hỗ trợ Tổng chưởng lý và Phó Tổng chưởng lý trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách.
     
  • Giám sát hoạt động của Vụ Dân sự, Vụ Quyền dân sự, Vụ chống độc quyền, Vụ Thuế, Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên. Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng giám sát các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của Văn phòng chương trình tư pháp, Văn phòng Dịch vụ Chính sách định hướng cộng đồng, Cơ quan Tiếp cận Công lý, Văn phòng giải quyết tranh chấp, Văn phòng chính sách thông tin, Văn phòng Chống bạo lực đối với phụ nữ và Hội đồng giải quyết tranh chấp nước ngoài. thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cùng với Phó Tổng chưởng lý giám sát các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của Văn phòng đặc trách pháp lý người Mỹ bản thổ.

                                    Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

Các tin đã đưa: 

1.       Tổng quan về hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ;

2.       Thông  tin cơ bản về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ;

3.       Bộ trưởng Hà Hùng Cường tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa Kỳ