Cần sớm xây dựng Nghị định quy định các biện pháp thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

17/10/2018
 
1. Về việc hướng dẫn chi tiết một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) là Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ luật Dân sự năm 2005 về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 (thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Theo quy định của khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.” Do đó, về nguyên tắc, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức tín dụng vẫn căn cứ vào Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để xác lập, thực hiện và xử lý tài sản bảo đảm vì đây là văn bản quy định chi tiết về vấn đề này. Mặc dù vậy, các tổ chức tín dụng vẫn rất lo ngại về hiệu lực thi hành của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng như giá trị pháp lý của các giao dịch bảo đảm được ký kết theo hướng dẫn của Nghị định này. Do đó, cần phải có văn bản thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để hướng dẫn chi tiết việc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tạo sự thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh rủi ro pháp lý cho các tổ chức tín dụng và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bộ luật dân sự năm 2015 có nhiều quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, ví dụ như: (i) Bộ luật dân sự đã bổ sung hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới là bảo lưu quyền sở hữucầm giữ tài sản; (ii) Bộ luật dân sự đã có sự tách biệt giữa thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm và thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba; (iii) Bộ luật dân sự đã hoàn thiện cơ chế làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm, theo đó xác định biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba thông qua việc đăng ký hoặc nắm giữ, chiếm giữ tài sản… Do đó, để thực thi có hiệu quả Bộ luật dân sự, cần thiết phải có sự rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015 khi Bộ luật này có hiệu lực thi hành.
2. Vềviệc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm
Từ kết quả theo dõi thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 và thực tiễn thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, có một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực thi pháp luật về giao dịch bảo đảm, cần sớm có quy định hướng dẫn, cụ thể như sau:
2.1. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết về việc xác lập biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác nên trên thực tế đã có cách hiểu cho rằng, các bên không được ký kết hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của người khác, các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh. Thậm chí đã có trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác vô hiệu do xác định trường hợp này các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh. Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác.
2.2. Nghị định số 11/2012/NĐ-CP đã có quy định về cơ chế xử lý đồng thời quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP lại chưa quy định về cơ chế thanh toán số tiền thu được từ việc xử lý tài sản gắn liền với đất (không phải là tài sản thế chấp) nên trên thực tế đã có sự lúng túng trong quá trình áp dụng.
2.3. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về cầm cố, thế chấp số dư trên tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán; cũng như chưa có quy định cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận thế chấp số dư trên tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán trong trường hợp nhận thế chấp số dư trên tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán của tổ chức nhận tiền gửi, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác (bên nhận thế chấp và tổ chức nhận tiền gửi, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là hai chủ thể khác nhau). Điều này dẫn đến tình trạng, tổ chức nhận tiền gửi, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thể khấu trừ trước số tiền trong tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán đối với mình, cũng như không hỗ trợ bên nhận thế chấp trong việc phong tỏa tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận thế chấp.
          2.4. Nhiều quy định về xử lý tài sản bảo đảm có giá trị thi hành nhưng lại được quy định ở tầm Thông tư, cụ thể là Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNNngày 06 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, chưa pháp điển trong Nghị định, dẫn đến hiệu lực thi hành các quy định này còn chưa cao.
Từ căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên cho thấy, cần thiết phải xây dựng Nghị định hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm thực thi có hiệu quả những quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm.
 
Nguyễn Hoa