Nghĩa vụ của quan lại thời phong kiến trong việc thực thi công vụ và trách nhiệm khi vi phạm công vụ

02/05/2018
Trong thời kỳ phong kiến, Nhà nước đã ban hành các chế định về nghĩa vụ của quan lại trong việc thực thi công vụ và ghi nhận trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường của quan lại khi cóhành vi vi phạm công vụ. Ngày nay, bên cạnh Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành còn một số văn bản khác quy định cụ thể về trách nhiệm của công chức do hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành công vụ. Nhằm mục đích nghiên cứu, rút ra bài học để nâng cao việc thực thi công vụ trong mối quan hệ giữa công chức với công dân và công chức với Nhà nước, bài viết này tìm hiểu các quy định về nghĩa vụ của quan lại thời phong kiến, đặc biệt trong việc thực thi công vụ và trách nhiệm bồi thường của quan lại.

“Quan” là người có chức, giữ một trọng trách trong bộ máy chính quyền, là người có phẩm hàm, có tư và có thể có tước, quan giữ vai trò tư vấn, giúp việc cho nhà vua trong việc xây dựng các chính sách và ban hành pháp luật đồng thời triển khai thực hiện quyền lực nhà nước[1]. “Lại” là người giúp việc cho các quan trong các cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên[2], là người thừa hành mệnh lệnh của quan, đóng vai trò trung gian giữa quan và dân. Như vậy, “Quan lại” được hiểu là những người giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước, có nhiệm vụ và quyền hạn khi tham gia hoạt động quản lí nhà nước và hoạt động chuyên môn dưới thời kì phong kiến ở Việt Nam được gọi là quan và lại[3]. Quan lại là yếu tố cấu thành thể chế chính trị quân chủ phong kiến Việt Nam, vị trí, vai trò của quan và lại chịu sự quy định của hình thức chính thể nhà nước. Từ thế kỉ XI – XIX, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn được tổ chức theo hình thức chỉnh thể quân chủ chuyên chế, toàn bộ quyền lực nhà nước đều thuộc về nhà vua. Tuy nhiên nhà vua không thể tự mình triển khai và thực hiện toàn bộ quyền lực nhà nước. Vì vậy, với cương vị điều hành trong các cơ quan nhà nước, quan và lại kết thành khối thống nhất giúp vua quản lí đất nước, giữ vị trí bản lề trong bộ máy nhà nước[4]. Về cơ bản, cách hiểu quan lại trong xã hội phong kiến Việt Nam gần tương đồng với khái niệm “công chức nhà nước” ở nước ta hiện nay[5].
Theo Bộ Quốc triều hình luật - Bộ luật Hồng Đức[6], có thể rút ra được 8 nhóm nghĩa vụ của các quan lại, cụ thể: (i) nghĩa vụ triệt để tuân theo mệnh lệnh của Vua; (ii) nghĩa vụ trung thực, tận tụy và tôn kính nhà vua và hoàng tộc; (iii) nghĩa vụ làm tròn công vụ, chấp hành kỷ luật về giờ giấc, nội quy; (iv) nghĩa vụ giữ bí mật công vụ; (v) nghĩa vụ giữ gìn của công, không lãng phí của công; (vi) nghĩa vụ làm việc tận tụy, công tâm, có trách nhiệm; (vii) nghĩa vụ phải thanh liêm (không được tham ô, sách nhiễu nhân dân, không được cửa quyền, hách dịch) và (viii) nghĩa vụ phải tu dưỡng bản thân, cư xử mực thước, hợp tác với đồng liêu; nghĩa vụ ăn mặc nói năng đúng phép, có lễ độ. Trong Bộ Hoàng Việt luật lệ - Luật Gia Long[7], đặc biệt Quyển 4 và 5 về Lại luật quy định quan lại và công chức. Theo đó, cũng ghi nhận một số nghĩa vụ của quan lại như nghĩa vụ tuyệt đối trung thành với nhà vua, quan lại chỉ phải thực hiện theo đúng chức năng chỉ là phụ tá và thực thi quyền lực của nhà vua theo đúng cương vị của mình; nghĩa vụ thanh liêm, v.v.Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến nghĩa vụ pháp lý của quan lại thời phong kiến trong việc thực thi công vụ, thể hiện trong Bộ Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ và trách nhiệm bồi thường.
1. Trong Bộ Quốc triều hình luật
1.1. Về nghĩa vụ của quan lại
Quốc triều hình luật đã có nhiều quy định về trách nhiệm chính trị và pháp luật của người làm quan. Trách nhiệm của quan lại được thể hiện cụ thể trong từng lĩnh vực và thông qua các biện phát xử phạt và hình thức xử lý vi phạm, có thể thấy trách nhiệm của quan lại trong từng lĩnh vực, một số vi dụ như sau:
Trong việc thực thi pháp luật, Quốc triều hình luật đã quy định trách nhiệm về “tội bê trễ, thiếu trách nhiệm trong công việc”. ví dụ chậm trễ trong việc thông báo công văn, xử án. Cụ thể, Điều 671 quy định những quan xét án, dùng dằng để quá kỳ hạn đến một tháng thì xử tội biếm, quá ba tháng thì xử tội bãi chức, quá năm tháng thì xử tội đồ. Ngoài ra, đối với tội phản ánh sai sự thật, Điều 120 quy định nếu tâu trình sự việc không đúng sự thật thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội, nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm hai bậc.
Ngoài ra, Quốc triều hình luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ, có thể nêu một số biện pháp xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm như: tội nhũng nhiễu, lạm dụng tước để ức hiếp nhân dân, theo Điều 230 Quốc triều hình luật, nếu quan cậy thế quyền mà ức hiếp người dân như chặn đón đường, cướp lấy tờ tâu của dân thì xử như bị cáo trong tờ tâu. Bộ Quốc triều hình luật cũng có nhiều quy định yêu cầu phải làm đúng trách nhiệm, bổn phận của các cấp quan lại, không được lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, vì ân oán cá nhân, ví dụ Điều 197 Quốc triều Hình luật quy định: “Những quan liên phóng (quan mật tra) mật xét việc phải đúng sự thật, nếu sơ xuất sai lầm, thì bị tội biếm hoặc đồ. Nếu vì báo ân báo oán, hay ăn hối lộ mà đổi trắng thay đen, thì không kể việc lớn hay nhỏ, ăn nhiều hay ăn ít, đều xử tội lưu hay tội chết” hay Điều 199 có quy định: “Các quan đang tại chức, mà trễ nhác việc công thì bị phạt 70 trượng, biếm ba tư và bãi chức. Nếu trễ nhác để xảy ra việc gì, thì tội thêm một bậc”[8].
Về nghĩa vụ tuân thủ các thủ tục, quy trình tố tụng, Bộ Quốc triều hình luật quy định rất chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm của các quan coi ngục đối với sức khỏe, quyền lợi của người phạm tội. Theo đó, nếu tù nhân phạm tội nặng, bị thương cần xét nghiệm, bị bệnh cần thuốc men, thức ăn mà không trình lên để xin cấp…bị phạt 80 trượng, nếu vì cớ ấy mà chết thì xử biếm hai tư (Điều 663). Tính tiến bộ, nhân văn của Bộ Quốc triều hình luậtđược thể hiện qua các quy định về thủ tục tra khảo phạm nhân, người thực thi phải tuyệt đối tuân thủ, không được tuỳ tiện: tra khảo tù phạm không được quá ba lần; đánh bằng trượng không được quá số 100; trái luật này thì quan tra án sẽ bị phạt tiền 100 quan; nếu vì thế mà tù nhân bị chết thì phải khép vào tội cố sát. Khi đã có lệnh thả tù phạm mà còn giam giữ quá hạn thì quan coi tù bị xử phạt: "Gặp ân xá mà tội nhân không phạm tội ác nghịch thì đều được ân xá theo chiếu chỉ lúc ấy…Nếu đã nhận giấy báo mà còn giam giữ đến quá hạn thì xử biếm một tư và bãi chức" (điều 690). Quan xử án phải có trách nhiệm phải vô tư, không được thiên vị bao che cho người quyền quý phạm tội. Nếu làm trái luật thì sẽ bị xử phạt[9]. Điều 679 nghiêm cấm quan lại xử tội người phạm tội tùy tiện, trái luật. Quan xét xử, nếu xử tội không đúng luật quy định thì xử tội xuy đánh 30 roi, nếu để tội nhân bị chế thì xử biếm[10].
Qua một số ví dụ nêu trên, có thể thấy, chế độ quan lại thời phong kiến đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của các quan lại trong thừa hành công vụ. Quốc triều Hình luật có nhiều quy định mang tính chất trừng trị nghiêm khắc như: phạt do để chậm trễ chiếu chỉ công văn giấy tờ (Điều 23), quan do vô tình dùng dằng để lỡ mất việc, nếu việc nhỏ (công việc hàng ngày) xử tội biếm, việc thường (công việc hàng tháng) xử tội đồ, việc lớn (công việc hàng năm) xử tội lưu (Điều 136). Bên cạnh đó còn có những quy định khác như: đối với quan tại chức, không đến nơi làm việc mà không có lý do thì bị xử phạt biếm hoặc bãi chức (Điều 4), nếu ở sở làm mà ngồi không đúng phép sẽ bị xử tội Biếm hoặc phạt tiền (Điều 33). Những quy định này khá mẫu mực để thiết lập một trật tự kỷ cương, chế độ phục vụ.
1.2. Về trách nhiệm bồi thường của quan lại
          Thông qua một số quy định nêu trên, có thể thấy, trường hợp có vi phạm công vụ của quan lại, thì một mặt, quan lại sẽ bị xử phạt hình sự thông qua các chế tài hình sự hoặc/và xử phạt hành chính thông qua hình thức phạt tiền. Mặt khác, Bộ Quốc triều hình luật cũng quy định trách nhiệm bồi thường và “trách nhiệm hoàn trả” và “sung ngân sách nhà nước” đối với phần tiền phạt đó. Cụ thể, Điều 28 Quốc triều hình luật quy định “Tiền bồi thường tang vật chia làm hai bậc: bồi thường hai lần, bồi thường một lần, tội nặng thì bồi thường thêm 5 lần, 9 lần cộng với nguyên tang vật tịch thu vào nhau mà cùng phạm tội, hay không có chủ thì tịch thu vào nhà nước, còn thì trả lại người chủ. Phần bồi trả lại người chủ chia làm 10 phần, trả cho chủ 8 phần, cho quan ty 2 phần này lại chia làm 10 phần, hình quan được 6 phần, ngục quan được 3 phần, nha lại lính tráng được 1 phần”. Điều này cho thấy, trường hợp vi phạm công vụ, quan lại không chỉ có trách nhiệm đối với nhà nước mà còn có trách nhiệm đối với nhân dân thông qua việc “tiền bồi thường tang vật”.
          Khi xem xét hành vi vi phạm của quan lại và trách nhiệm bồi thường thì, yếu tố lỗi cũng được xem xét. Điều này được thể hiện tại Điều 494 và Điều 567 Quốc triều hình luật, theo đó, đối với lỗi vô ý hoặc không vì mục đích tư lợi riêng thì mức bồi thường được quy định nhẹ hơn các trường hợp có lỗi cố ý, vì mục đích tư lợi.
2. Trong Hoàng Việt luật lệ
2.1. Trách nhiệm của quan lại
Điều 1 Hoàng Việt luật lệ quy định : “Phàm các vị tiến sĩ, cử nhân, cống sinh, giám sinh và các quan có mũ và đai khi phạm phải tội nhẹ bị xử đánh roi, đánh trượng thì chiếu theo luật được nộp tiền chuộc”[11]. Điều này, một mặt, cho thấy, Gia Long và Minh Mệnh đều thể hiện thái độ kiên quyết trừng trị thật nặng đối với quan lại; mặt khác, cho phép quan lại vi phạm công vụ chuộc tiền khi mắc phải ngũ hình, vừa thể hiện tính giai cấp và nhân đạo của nhà nước phong kiến triều Nguyễn, vừa làm giàu quốc khố cho nhà nước. Điều 60 Hoàng Việt luật lệ quy định: “Phàm phụng chế thư để thi hành mà cố tình vi phạm đánh 60 trượng. Thi hành chậm trễ chế thư một ngày đánh 50 roi, cứ chậm thêm một ngày tăng thêm một mức, tội chỉ đánh đến 100 roi thì thôi”[12]. Kế thừa một số quy định của Bộ Quốc triều hình luật, Bộ Hoàng Việt luật lệ cũng ghi nhận trách nhiệm của quan lại trong từng lĩnh vực và quy định và ngay trong cùng một lĩnh vực quản lí, Hoàng Việt luật lệ có xu hướng phân định mức độ áp dụng hình phạt đối với từng đối tượng vi phạm.
Trong Hoàng Việt luật lệ, hình phạt tiền áp dụng đối với mọi hình thức vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm chế độ công vụ. Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn có cách thức áp dụng hình thức phạt tiền đối với hành vi vi phạm công vụ dựa trên lương bổng của quan lại. Tuy nhiên, hình thức xử lý thông qua xử phạt hình sự cũng được quy định, cụ thể Điều 7 Hoàng Việt luật lệ có ghi: “Phàm quan văn, võ lớn nhỏ trong triều ngoài nội phạm công tội bị xử đánh 10 roi trừ 1 tháng lương. Bị đánh 20 roi, 30 roi, mỗi loại tăng thêm 1 tháng lương; bị đánh 40 roi, 50 roi, mỗi loại tăng thêm 3 tháng lương; bị xử đánh 60 trượng thì trừ 1 năm lương; bị đánh 70 trượng thì hạ 1 bậc lương; 60 trượng hạ 2 bậc lương; 90 trượng hạ 3 bậc lương nhưng đều cho giữ chức; bị đánh 100 trượng thì hạ 4 bậc lương rồi điều đi nơi khác”[13]. Căn cứ vào mức phạt tiền đó, các điều khoản cụ thể trong từng điều luật hay ghi chép trong chính sử cũng quy định rõ các hành vi, các lĩnh vực vi phạm. Năm 1827, Minh Mệnh đưa ra quy định: “Phàm nhân viên bị phạt bổng, người nào chết thì miễn không đòi nữa; hưu trí thì chia làm hai hạng: già ốm được về hưu thì không cứ tội công, tội tư đều được miễn đòi, nếu bị bắt về hưu, hay bị tham hặc về tội công thì được miễn, về tội tư thì đòi; bị cách chức cũng chia làm hai hạng: phàm tham tang vặn sai pháp luật và lầm lẫn hỏng việc quân cơ mà bị cách thì phải đền đủ mới thôi; vì việc công mà lầm lẫn thì đợi khi nào phục chức thì chiết trừ; sau khi cách chức mới phát ra án mà án phải phạt bổng thì cũng như thế; đến như cách lưu thì chưa vào sổ, đợi sau khi phục chức thì trừ; bỏ chức trốn đi thì theo nguyên quán tra thu; phải giải chức đợi xét thì đợi khi xét xong được bổ làm quan sẽ trừ, bị cách bãi thì theo tội công hay tư mà phân biệt đòi hay tha; cáo tang, cáo nghỉ, cáo bệnh, đều đợi đến ngày cung chức sẽ trừ; các tôn nhân bị phạt bổng cùng nhân viên bị trú bổng[14], đình bổng, đình lẫm[15], có việc giống như thế thì cũng chiếu theo lệ này mà làm”[16]. Trường hợp quan không vì tư lợi nhưng do nhầm lẫn việc công mà phạm tội thì chiếu theo quy định của luật về “phạm công tội” để áp dụng hình phạt. Hình thức phạt chủ yếu là phạt lương, giáng phẩm trật, lưu nhiệm, điều động đi nơi khác. Trường hợp quan vì mục đích cá nhân mà phạm tội thì áp dụng mức phạt nặng hơn[17]. Như vậy, Nhà nước đã ghi nhận đồng thời hình thức xử lý hình sự và xử lý hành chính đối với quan lại vi phạm công vụ.
Ngoài các hình thức phạt tiền và xử lý hình sự, Hoàng Việt luật lệ còn quy định các hình thức khác để xử lý đối với hành vi vi phạm trong quá trình thực thi công vụ là bãi chức là biện pháp cắt chức của quan lại, không cho họ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đang làm (có thể đảm nhiệm công việc khác). Hình phạt bãi chức chỉ được đặt ra đối với quan lại khi vi phạm chế độ công vụ và có phẩm chất kém. Cách chức là biện pháp buộc người đang giữ một chức vụ nhất định phải thôi đảm nhiệm công việc. Có hai hình thức: cách lưu và cách nhiệm. Cách lưu là bị mất chức quan nhưng cho ở lại làm việc để thử thách. Cách nhiệm là bị cách chức và phải rời nơi làm quan đến một nơi khác để làm việc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quan lại sau khi bị cách chức có thể phục chức theo quyết định của nhà vua nếu lấy công chuộc tội hoặc tu dưỡng đạo đức. Chính sử chép nhiều viên quan bị cách chức được Minh Mệnh cho khai phục như: Phạm Quang Quyên, Lưu Bá Tú, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Đức Nhuận…
2.2. Trách nhiệm bồi thường của quan lại
Theo thống kê, trong tổng số 53 vụ án quan lại chịu trách nhiệm bồi thường trên các lĩnh vực của 4 triều đại, các hành vi vi phạm trên lĩnh vực xây dựng là nhiều nhất (27 vụ), tiếp đó là quản lý kho tàng, chi dùng tiền công, quân chính, tư pháp và thuế[18] và tình trạng quan lại phải chịu trách nhiệm bồi thường xảy ra ở địa phương với 31 vụ án, chiếm 58,5% tổng số vụ án; ở cấp trung ương có 22 vụ án chiếm 41,5%. Như vậy có thể thấy, Hoàng Việt luật lệ bên cạnh việc ghi nhận nghĩa vụ của quanlại, còn quy định về trách nhiệm bồi thường của họ. Để thực hiện trách nhiệm bồi thường của quan lại, bên cạnh Hoàng Việt luật lệ, Nhà nước cũng ban hành các quy định để bảo đảm thực hiện quy định này. Ví dụ: vào năm 1858, có quy định về “lệ cho hạn bồi số tiền tang”; năm 1870 quy định “thể lệ quan lại bồi thường tang vật”; năm 1874 quy định về “lệ truy thu tang vật phải bồi”; năm 1975 quy định “lệ xét xử bồi tang về hao hụt của công” v.v.[19] Mặt khác, rà soát các quy định của Bộ Hoàng Việt luật lệ cũng cho thấy nhiều quy định cụ thể về từng trường hợp thực hiện việc thu hồi, hoàn trả tiền bồi thường của quan lại đối như trường hợp đã chết, nghỉ hưu chưa chết nhưng bị ốm đau, v.v.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong các vụ án quan lại phải chịu trách nhiệm bồi thường thời nhà Nguyễn, có các mức bồi thường, miễn giảm mức bồi thường khác nhau. Cụ thể, có trường hợp quan chức được khoan giảm (theo diện Bát nghị) hoặc được miễn một phần mức bồi thường hoặc khi đã chết thì vẫn phải tiếp tục bồi thường (ví dụ vụ án năm 1832, quan Nguyễn Văn Thụy lợi dụng chức vụ quyền hạn buộc dân phải xây dựng riêng theo ý mình)[20].
3. Bình luận
Thông qua việc nghiên cứu các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường của quan lại như đã phân tích trên, có thể rút ra một số nội dung sau:
Thứ nhất, trong các bộ luật nêu trên ghi nhận đồng thời hai mối quan hệ, quan hệ thứ nhất là giữa quan lại và nhân dân và mối quan hệ thứ hai là giữa Nhà nước và quan lại. Dưới thời phong kiến, tài sản của Nhà nước là tài sản của nhà vua, do đó, để bảo vệ tài sản của Nhà nước - của nhà vua, Bộ Quốc triều hình luật và Bộ Hoàng Việt luật lệ đã quy định cụ thể, rõ ràng và tương đối nghiêm ngặt, khắt khe về trách nhiệm của quan lại trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước. Mặt khác, để duy trì trật tự xã hội, pháp luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm giữa quan lại với nhân dân.
Thứ hai, so sánh mức xử phạt hành vi vi phạm của quan lại, cho thấy, ở bộ luật triều Nguyễn cao hơn thời Lê. Nếu như Quốc triều hình luật quy định mức phạt tối thiểu là dưới 1 tháng lương, mức phạt tối đa là 8 tháng lương thì  Hoàng Việt luật lệ quy định mức phạt tối thiểu là 1 tháng lương và mức phạt tối đa là 1 năm lương. Điều đó cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, sự tăng lên của lương bổng của quan lại dưới thời nhà Nguyễn đã quy định mức phạt tiền của nhà Nguyễn trong Hoàng Việt luật lệ cao hơn Quốc triều hình luật. Số tiền phạt này sẽ được đem sung công. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy tư tưởng của Gia Long và Minh Mệnh về quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, theo đó,  xử phạt quan lại vi phạm công vụ theo đúng nguyên tắc “quyền lợi tương xứng với nghĩa vụ”.
Thứ ba, Bộ Quốc triều hình luật và Bộ Hoàng Việt luật lệ quy định cụ thể về các mức bồi thường; mức giảm hoặc miễn bồi thường; các trường hợp được dùng tiền để thay vì thi hành hình phạt hình sự; bồi thường đối với các trường hợp đã chết, đã nghỉ hưu, v.v. Qua đó, có thể thấy, tính giai cấp và tính phong kiến của các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường của quan lại, việc vận dụng còn phụ thuộc vào ý chí của nhà vua./.
 
Tác giả: Thịnh Anh
 
Tài liệu tham khảo:
1. PGS. TS Nguyễn Hoài Văn, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Giám sát quan lại thời Lê Thái Tông và ý nghĩa đối với công tác cán bộ hiện nay.
2. PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Những Bộ luật cổ Việt Nam và một số giá trị đối với đương đại.
3. PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Quan chế dưới triều vua Lê Thánh Tông và giá trị kế thừa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, tập 29, số 2 (2013).
4. TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ quan lại trong nền hành chính Việt nam thời kỳ phong kiến, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11 (2008).
 
[1] TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ quan lại trong nền hành chính Việt Nam thời kỳ phong kiến, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11 (2008), trang 19.
[2] Hoàng Thị Kim Quế, Quan chế dưới triều vua Lê Thánh Tông và giá trị kế thừa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, tập 29, số 2 (2013) trang 29.
[5] TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ quan lại trong nền hành chính Việt Nam thời kỳ phong kiến, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11 (2008), trang 19.
[6]Bộ Quốc triều hình luật được vị vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) cho biên soạn.
[7]Bộ Hoàng Việt luật lệ được biên soạn từ năm 1811 - 1814 dưới thời vua Gia Long.
[8] Quốc triều hình luật, NXB thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003, trang 94.
[9] Quốc triều hình luật, NXB thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003, trang 243
[10] Quốc triều hình luật, NXB thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003, trang 244
[11]Viện Sử học (2009), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[12]Như trên.
[13] Như trên.
[14] Trú bổng: gửi bổng lại đó đợi xét xong án.
[15] Đình lẫm: bị đình chỉ không cấp lương ăn như lương giám sinh - Sinh viên học tại Quốc tử giám, một thứ trường đại học của triều đình phong kiến, lập ở kinh đô để đào tạo người ra làm quan.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2010), Đại Nam thực lục, NXB Giáo dục, Hà Nội, trang 587
[17] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2015, trang 318.
[18] ThS. Trần Hồng Nhung, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3, 2015 - Trách nhiệm bồi thường của quan lại trong pháp luật phong kiến Việt Nam, trang 39-40.
[19] ThS. Trần Hồng Nhung, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3, 2015 - Trách nhiệm bồi thường của quan lại trong pháp luật phong kiến Việt Nam, trang 41.
[20] ThS. Trần Hồng Nhung, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3, 2015 - Trách nhiệm bồi thường của quan lại trong pháp luật phong kiến Việt Nam, trang 40.