Sự phát triển của chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong BLDS 2015 so với BLDS 2005

02/11/2017

Qua gần 10 năm thi hành và áp dụng, Bộ luật Dân sự 2005 đã bộc lộ không ít những điểm hạn chế và bất cập, nhiều quy định pháp luật đã dần trở nên lạc hậu hơn so với sự phát triển mạnh mẽ của những quan hệ dân sự đang diễn ra ngày càng phong phú và đa dạng trong thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp lý không còn phù hợp là một trong những yêu cầu cấp thiết để Bộ luật Dân sự luôn đóng vai trò là luật gốc – luật mẹ trong hệ thống luật tư. Sau một thời gian dài xây dựng, Bộ luật Dân sự 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Với việc sửa đổi, bổ sung gần như toàn bộ các quy định (chỉ giữ nguyên 81 điều)[1], Bộ luật Dân sự 2015 đã có nhiều điểm mới phát triển, tiến bộ hơn so với Bộ luật Dân sự 2005, đặc biệt là chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hợp đồng hợp pháp là một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ giữa các bên chủ thể của hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì bên đó sẽ phải gánh chịu một số hậu quả pháp lý bất lợi mà dưới góc độ khoa học pháp lý được gọi là trách nhiệm dân sự. Trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong những trách nhiệm dân sự được ghi nhận tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ là một trong những nội dung được bổ sung một cách cơ bản so với quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Thay vì chỉ quy định chung trong một điều luật (Điều 307 Bộ luật Dân sự 2005), Bộ luật Dân sự 2015 dành tới 04 (bốn) điều luật để quy định về nội dung này (từ Điều 360 đến Điều 363 Bộ luật Dân sự 2015). Từ quy định tại những điều này có thể thấy một số nội dung mới phát triển, nổi bật như sau:
Thứ nhất, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng hơn.
Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” – đây là quy định mới được bổ sung tại Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này chỉ rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh khi có các yếu tố sau: (i) có thiệt hại; (ii) có hành vi vi phạm nghĩa vụ; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm nghĩa vụ; (iv) có lỗi. Tuy “lỗi” không phải là một điều kiện được nhắc đến trực tiếp trong điều luật nhưng có thể hiểu, khi các bên trong hợp đồng có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì hành vi đó được coi là có lỗi. Bên cạnh đó, bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại nhưng sẽ không phải bồi thường thiệt hại khi rơi vào trường hợp “luật có quy định khác” hoặc “các bên có thỏa thuận khác”.
Như vậy, thay vì quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại một cách chung chung như quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thành một điều độc lập như Bộ luật Dân sự 2015 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc xác định các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, quy định này còn tạo hành lang pháp lý cụ thể cho các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng trong việc thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi một trong các bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ.
Thứ hai, các loại thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng cũng được xác định cụ thể, đầy đủ và rõ ràng, hợp lý hơn so với trước đây.
Trên cơ sở những quy định chung về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được quy định tại Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Đây là một quy định mới, có nội dung tiến bộ vượt bậc của Bộ luật Dân sự 2015 so với Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, Điều 419 đã thể hiện được các điểm mới quan trọng như sau:
Một là, các thiệt hại được bồi thường không chỉ là các thiệt hại thực tế, hiện hữu như trước đây Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định mà còn cả các thu nhập bị bỏ lỡ (khoản lợi mà đáng lẽ ra trong điều kiện bình thường thì bên bị thiệt hại sẽ có được nhưng do hành vi vi phạm của bên kia mà mình đã không thu được). Ví dụ: khoản lợi nhuận theo kế hoạch đề ra sẽ đạt được.
Hai là, đoạn 2 của Khoản 2 Điều 419 quy định thêm một loại thiệt hại được bồi thường, đó là các chi phí mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ví dụ, chi phí thuê luật sư tham gia tố tụng Tòa án hoặc Trọng tài. Trong các tranh chấp dân sự, phí luật sư hầu như chưa bao giờ được bên thua kiện hoàn trả cho bên thắng kiện. Nay, theo Khoản 2 Điều 419 nêu trên thì Tòa án đã có cơ sở pháp lý để buộc bên thua kiện phải thực hiện nghĩa vụ này. Và đây cần phải được coi là một quy định tiến bộ của Bộ luật Dân sự liên quan đến chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Ba là, theo Khoản 3 Điều 419 thì người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị hại trong đó có các pháp nhân thương mại (doanh nghiệp). Đây rõ ràng cũng là một điểm mới liên quan đến các loại thiệt hại được bồi thường mà trước đây được quy định còn mập mờ, không rõ ràng, gây tranh chấp không đáng có.
Thứ ba, về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Bộ luật Dân sự 2005 đã có những quy định về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trong một số hợp đồng nhất định, nhưng sự quy định này chỉ mang tính chất rời rạc, chưa trở thành một nội dung mang tính nguyên tắc. Ví dụ, liên quan đến nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và của bên bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định riêng về trường hợp này tại Điều 575, cụ thể:
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
2. Bên bảo hiểm phải thanh toán chi phí cần thiết và hợp lý mà người thứ ba đã bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại…
Hay liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành, Khoản 2 Điều 448 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “… Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”.
Vì vậy, để khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trở thành một xử sự bắt buộc của bên có quyền, cụ thể, Điều 362 quy định: "Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình.”
Việc quy định nghĩa vụ của bên có quyền ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra là có căn nguyên, đạo lý của nó. Bản chất của vấn đề này nằm ở chỗ, mọi vấn đề liên quan đến quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng đều phải dựa trên nguyên tắc thiện chí và hợp tác. Sẽ thật lãng phí và không hợp lý, nếu như buộc bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại, trong khi không buộc bên có quyền phải hạn chế thiệt hại khi họ hoàn toàn có thể làm việc đó. Quy định này rõ ràng thúc đẩy sự hợp tác, thiện chí của các bên trong hợp đồng, đảm bảo sự cân bằng lợi ích và hướng tới việc tất cả các bên trong hợp đồng cùng phát triển.
Thứ tư, về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên vi phạm có lỗi.
Đây cũng được xem là một quy định có nhiều điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 và thể hiện sự tiến bộ về tư duy lập pháp của các nhà làm luật Việt Nam. Trước đây, những quy định của Bộ luật Dân sự 2005 chỉ thể hiện được nội dụng: bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Tuy nhiên, trên thực tế đã gặp phải trường hợp khi một bên vi phạm nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại là do lỗi một phần của bên có quyền. Thực tiễn xét xử tại Tòa án cho thấy, Tòa án đã giải quyết theo hướng bên vi phạm đương nhiên sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bị vi phạm mà chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại một phần. Để đi đến cách giải quyết này, rõ ràng Tòa án chỉ có thể áp dụng tương tự những quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Để giải quyết tồn tại nêu trên, Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung Điều 363 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại xảy ra do một phần lỗi của bên vi phạm như sau: "Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình". Quy định này là hệ quả tất yếu của việc không thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại theo quy định tại Điều 362 Bộ luật Dân sự 2015 của bên có quyền. Đồng thời, quy định này phù hợp với thực tiễn và nguyên tắc tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, quy định mới này cũng bảo đảm sự phù hợp của quy định pháp luật với lẽ công bằng.
Như vậy, so với Bộ luật Dân sự 2005, các quy định về chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tại Bộ luật Dân sự 2015 đã có tiến bộ hơn rất nhiều. Điều này thể hiện ở những điểm cụ thể sau đây:
Thứ nhất, Xác định đầy đủ và rõ ràng hơn về các điều kiện (căn cứ) làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Thứ hai, xác định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và hợp lý hơn các loại thiệt hại được bồi thường, góp phần chấm dứt sự trách nhiệm không đáng có về các loại thiệt hại được bồi thường nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.
Thứ ba, quy định thêm nhiều vấn đề mới nhằm tăng cường tinh thần, thái độ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các bên ký kết hợp đồng, nhất là quy định về trách nhiệm của bên bị vi phạm trong việc ngăn chặn, hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra cho mình.
 
 
[1] Đinh Trung Tụng (chủ biên, 2016), Bối cảnh xây dựng và một số nội dung mới chủ yếu của Bộ luật Dân sự 2015 (So sánh với Bộ luật Dân sự 2005), NXB Tư pháp, Hà Nội, tr 17.