Tội rửa tiền – chủ thể tội phạm nguồn theo pháp luật hình sự của một số quốc gia

12/04/2017
Thực tế, tội phạm rửa tiền không phải là loại tội phạm mới tại Việt Nam, nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến chứng cứ chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Vụ án Giang Kim Đạt tại Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là điển hình của vấn đề mà người viết đề cập trong bài viết này. Theo đó, TAND TP. Hà Nội kết tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 BLHS, đối với: Trần Văn Liêm – nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines; Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương – nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines. Đồng thời, các bị cáo Giang Kim Đạt và Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) còn bị kết tội “Rửa tiền”quy định tại Điều 251 BLHS. Được biết, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, Trần Văn Liêm cùng đồng phạm đã tham ô, rửa tiền gần 16 triệu USD. Đây là số tiền mà Trần Văn Liêm cùng với Giang Kim Đạt đã kê khống nhằm thu lợi cá nhân thông qua hoạt động thuê, mua tàu của các công ty nước ngoài. Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển đứng tên tài khoản để nhận số tiền này, sau đó rút ra để mua các tài sản có giá trị nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp.
Điểm đáng chú ý của vụ án này, cùng một lúc các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội “Tham ô tài sản” và tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Giang Kim Đạt, đây là điều mà trước đó rất ít khi được áp dụng trong thực tiễn xét xử, cho lọai tội phạm này. Chẳng hạn, như vụ án Dương Chí Dũng xảy ra tại  Vinalines. Trong số tiền xác định Dũng đã gây thất thoát, một phần được dùng vào việc mua căn chung cư cao cấp tại Sky City 88 Nguyễn Chí Thanh và căn chung cư Pacific trên phố Lý Thường Kiệt cho người tình Phan Thị Thảo đứng tên sở hữu. Nhưng Tòa án chỉ xét xử bị cáo Dũng về các tội “Tham ô tài sản”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 278; Điều 165 BLHS.
 Mặc dù, khung pháp lý đã có, nhưng việc thực thi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế tội phạm rửa tiền bị bỏ lọt, hoặc chưa bị xử lý, hoặc hành vi rửa tiền được xử lý bằng một tội danh khác nhẹ hơn, như tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 250 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong đó, một trong những nguyên nhân là quy định của BLHS hiện hành chưa quy định rõ khái niệm, yếu tố cấu thành tội phạm rửa tiền, mặt khác, còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
          Mục đích của hoạt động rửa tiền là làm cho đồng tiền “bẩn” trở nên sạch hơn hay nói cách khác là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó. Hình thức biểu hiện lợi nhuận có được ban đầu thông thường là tiền, nhưng sau các giai đoạn chuyển đổi để hợp pháp hoá đã có các hình thức biểu hiện khác như: ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản...
          Những đồng tiền “bẩn” thường có được từ:
          (i).  Nguồn tiền từ những lao động bất hợp pháp: Buôn lậu, mua bán chất ma túy, vũ khí và các loại hàng hoá bị cấm mua bán, trao đổi; Tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc;
          (ii). Nguồn tiền tham nhũng: do tham nhũng, nhận hối lộ, tham ô của các viên chức nhà nước hoặc do lợi dụng chức vụ, địa vị trong bộ máy nhà nước mà có như lợi dụng việc biết trước các thông tin về chủ trương, chính sách, quy hoạch v.v... để trục lợi;
          (iii). Nguồn tiền trốn thuế: Tiền có được do trốn thuế dù thu nhập là hợp pháp.
          Song, vì “bẩn” nên nó không thể trực tiếp đưa vào lưu thông, không thể sử dụng ngay được mà nó phải được “rửa sạch” thông qua rất nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau.
Theo nghĩa thông thường, hành vi rửa tiền được coi là “hành vi biến đổi các khoản thu nhập nhằm che đậy nguồn gốc phi pháp nguyên thủy của chúng” (theo định nghĩa của FATF - Financial Aciton Task Force on Money Laundering - Đội đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế). Rửa tiền là hành vi rất nguy hiểm. Nó không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế mà còn có những ảnh hưởng đến an ninh từng quốc gia, tác động nghiêm trọng đến sự trong sạch và hoàn chỉnh của hệ thống tài chính toàn thế giới. Hành vi rửa tiền được xem là một tội phạm “không biên giới”, một loại tội phạm quốc tế điển hình vì hành vi này mang 2 đặc trưng chính:
+ Có thể xảy ra từ khi bắt đầu đến kết thúc liên quan đến nhiều quốc gia.
+ Muốn chống lại hành vi rửa tiền hiệu quả, phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các quốc gia.
Theo các chuyên gia, hoạt động rửa tiền có thể trải qua 3 bước sau:
(i). Thâu nhận các khoản tiền từ các hành vi thực hiện tội phạm.
(ii). Hợp pháp hóa tiền bằng nhiều cách thức khác nhau.
(iii). Sử dụng công khai các khoản tiền đã được làm “sạch”.
Thậm chí sau bước thứ ba, từ việc sử dụng các khoản tiền đã được làm “sạch” đó, các tổ chức tội phạm quốc tế lại tiếp tục cung cấp tài chính cho tổ chức tội phạm thế giới, như buôn bán vũ khí, ma túy, khủng bố, hối lộ… hoặc lũng đoạn cả nền kinh tế, chính trị của quốc gia. Vì thế toàn bộ quá trình rửa tiền (dù có lúc bí mật, có lúc công khai) luôn khép kín trong một vòng tròn lợi nhuận phi pháp.
Qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan, người viết thấy rằng, hiện có nhiều định nghĩa về rửa tiền khác nhau. Hầu hết các nước tán thành định nghĩa được sử dụng trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các chất hướng thần, năm 1988 (Hội nghị thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 ngày 19/12/1988, gọi tắt Công ước Viên) và Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, năm 2000 (Công ước Palécmô), mà theo đó:
          “Rửa tiền” là sự chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản khi biết tài sản đó có nguồn gốc từ bất kỳ hành vi phạm tội (buôn bán bất hợp pháp ma túy) nào hoặc từ việc tham gia vào hành vi phạm tội đó nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc phi pháp của tài sản hoặc tiếp tay cho bất kỳ cá nhân nào có dính líu đến việc thực hiện hành vi phạm tội nói trên, để tránh cho người đó phải chịu những hậu quả pháp lý do hành động của mình.
          “Rửa tiền” còn được hiểu là hành vi giấu giếm hoặc che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự chuyển dịch, các quyền liên quan đến tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản khi biết rằng tài sản đó có được từ hành vi phạm tội hoặc từ việc tham gia vào hành vi phạm tội đó.
          Hoặc “Rửa tiền” là việc có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản khi tại thời điểm tiếp nhận nó đã biết rằng tài sản này có được từ hành vi phạm tội hoặc từ việc tham gia vào hành vi phạm tội đó.
          Ngoài ra, “Rửa tiền” còn được hiểu là việc biến số tài sản bất chính do phạm tội mà có thành tài sản không liên quan gì đến việc phạm tội trước đây, để sử dụng số của cải đó; hay nói cách khác, đó là các hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tài sản bất chính do phạm tội mà có có thể là bất kỳ một loại tài sản nào, nhất là tiền mặt, gọi là “tiền bẩn”, “tiền đen”, đặc biệt với số lượng lớn, đang rất cần được “rửa, tẩy trắng, hợp pháp hóa” thành tiền “sạch”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng-Bộ Tư pháp-Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền. Mà theo đó, tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này có quy định về rửa tiền, như sau: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi dưới đây nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó”
Có thễ diễn đạt một cách khái quát nhất, rửa tiền là hành vi xử lý - bằng các phương thức khác nhau - tiền, tài sản do phạm tội mà có nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của chúng, tạo ra một vẻ bên ngoài hợp pháp cho những món lợi thu được một cách bất chính từ hành vi phạm tội.
Mặc dù không thể thống kê chính xác số lượng tiền, tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền, do tính bí mật, xuyên quốc gia và tính phức tạp của nó, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng sự ảnh hưởng của dòng tiền “bẩn” trong hệ thống tài chính đã gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho hệ thống tài chính của các quốc gia, ảnh hưởng lớn đến an toàn, an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu. Nước ta đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, những thành tựu, thời cơ cho sự phát triển mọi mặt của đất nước rất lớn, thu hút số lượng vốn đầu tư nước ngoài cao. Từ khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các giao dịch về thương mại, tài chính, xuất nhập khẩu; kiều hối của Việt kiều và người Việt Nam lao động ở nước ngoài chuyển về nước được khuyến khích, nên ngày càng nhiều về số vụ và số lượng. Cùng với nhiều khoản “tiền sạch” cũng không loại trừ có cả các khoản “tiền bẩn” đã bị thẩm lậu vào trong nước. Cùng với đó, trong những năm qua tình hình tội phạm ở Việt Nam diễn biến khá phức tạp, nhiều loại tội phạm phát triển đã tạo ra một lượng tiền do phạm tội mà có lớn như: tội phạm về ma túy; tội phạm tham nhũng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán v.v… Để che đậy nguồn thu nhập bất hợp pháp đó buộc các đối tượng phạm tội phải tạo ra những vỏ bọc hợp pháp dưới các hình thức kinh doanh, đầu tư, buôn bán bất động sản, kinh doanh vàng bạc, đá quý, lập trang trại, đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK)… Các hành vi đó được pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước xác định là hành vi rửa tiền. Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2000 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua 14 năm phát triển, TTCK đã đạt được những thành tựu nhất định. Song, nó cũng chứa đựng những rủi ro và tiềm ẩn những yếu tố vi phạm pháp luật, tội phạm, có khả năng ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. TTCK cũng có thể trở thành mảnh đất màu mỡ để nảy sinh các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, đồng thời là nơi tội phạm rửa tiền hướng đến nhằm “tẩy trắng” các đồng “tiền bẩn” có được từ hoạt động phạm tội.
Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Tội phạm nguồn của tội rửa tiền là tội phạm chính tạo ra thu nhập mà khi được rửa sẽ dẫn đến tội rửa tiền. Công ước Viên chỉ quy định về các tội phạm nguồn của tội buôn bán bất hợp pháp ma túy,vì vậy, những hành vi phạm tội không liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma túy như lừa đảo, bắt cóc và trộm cắp thì không cấu thành tội rửa tiền theo Công ước Viên. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã hình thành quan điểm rằng các tội phạm nguồn của tội rửa tiền cần phải được mở rộng, chứ không phải chỉ bó hẹp trong hành vi buôn bán bất hợp pháp ma túy. Vì vậy, FATF và các tổ chức quốc tế khác đã mở rộng định nghĩa của Công ước Viên về tội phạm nguồn để bổ sung cả những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Ví dụ, Công ước Palécmô yêu cầu tất cả các nước thành viên phải áp dụng “giới hạn rộng nhất các tội phạm nguồn” tội rửa tiền của Công ước này.
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thường xuất hiện trường hợp các đối tượng, sau khi kết thúc hành vi phạm tội nguồn, thu được những lợi ích vật chất nhất định, thì cũng đồng thời tích cực và chủ động thực hiện hành vi “làm sạch” những khoản tiền, tài sản mà chính mình chiếm đoạt được, tức là hành vi “tự rửa tiền” (self-laundering). Vậy hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn, có được xem xét, xử lí về tội rửa tiền hay không? Câu hỏi này, thực tế các Công ước quốc tế cũng như pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng còn những quan điểm khác nhau.
Thứ nhất,  quy định về tội phạm nguồn trong các công ước quốc tế
Công ước Viên năm 1988, là Công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế. Theo nội dung Công ước này, không có quy định nào xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền bao gồm cả người phạm tội nguồn. Nhưng tại mục I, điểm b khoản 1 Điều 3 Công ước Viên, quy định:Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại điểm (a)[1] của khoản này hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình sự của hành vi đó;”. Mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai trường hợp sau:
+Trường hợp thứ nhất: Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản;
+Trường hợp thứ hai: Nhằm “giúp đỡ” người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Thuật ngữ “giúp đỡ” trong trường hợp thứ hai, rõ ràng đã loại trừ người thực hiện hành vi phạm tội nguồn ra khỏi phạm vi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong khi trường hợp thứ nhất lại không xác định mục đích che giấu tiền, tài sản là do bản thân người phạm tội chiếm đoạt được hay là giúp đỡ người khác. Căn cứ tinh thần của điều luật, người viết cho rằng, ý tưởng của người làm luật hướng tới cả chủ thể của tội phạm nguồn và những đối tượng khác tuy không thực hiện tội phạm nguồn nhưng tham gia vào quá trình rửa tiền.
Tương tự như vậy, tại điểm a khoản 1 Điều 6 Công ước Strasbourg năm 1990 của Liên minh Châu Âu cũng không xác định hay loại trừ rõ ràng vấn đề tự rửa tiền của các đối tượng phạm tội có nằm trong phạm vi tội rửa tiền hay không.
Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 2 Quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ về chống rửa tiền, có quy định rõ ràng: “Tội phạm (rửa tiền) được quy định trong điều luật này phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử bởi tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền như một tội phạm độc lập với các tội phạm khác”. Hay nói cách khác, quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ xác định hành vi rửa tiền và hành vi thực hiện tội phạm nguồn là hai loại hành vi độc lập, mặc dù, là do cùng một cá nhân thực hiện, hai loại tội phạm này vẫn được truy tố và xét xử như hai tội danh riêng biệt.
Thứ hai, các quy định về chủ thể tội phạm rửa tiền trong luật của một số quốc gia
Cho đến thời điểm hiện nay, quy định trong hệ thống pháp luật các quốc gia liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, vẫn còn tồn tại hai trường phái khác nhau. Đại diện cho quan điểm không truy tố tội rửa tiền và tội phạm nguồn một cách độc lập, trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi tự rửa tiền, gồm các nước như Đức, Áo, Italia,… Trong pháp luật hình sự, các nước này chỉ thừa nhận hành vi rửa tiền do người khác phạm tội mà có, và tội rửa tiền không áp dụng với những người đã thực hiện tội phạm nguồn. Ví dụ, Luật hình sự Đức, khoản 9 Điều 261, quy định: “Người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn thì sẽ không đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tiền đã nêu trong các khoản từ 1 đến 5 của điều luật này”. Điều này xuất phát từ các nguyên tắc “miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tự hỗ trợ và tự vệ của bị can xảy ra sau hành vi phạm tội” trong Điều 257 Luật Hình sự Đức. Nguyên tắc “một người không thể bị truy tố hai lần về cùng một sự kiện (hành vi)” trong hệ thống pháp luật hình sự Italia ...
Quan điểm của các nhà luật học trong trường hợp này cho rằng, hành vi bị trừng phạt trong cấu thành tội phạm nguồn đã bao gồm các hành vi kèm theo như hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc tài sản chiếm đoạt được sau khi phạm tội, và hình phạt áp dụng cho tội phạm nguồn đã bao trùm toàn bộ hành vi trái pháp luật hình sự của người phạm tội. Hơn nữa, hành vi tự rửa tiền không xâm hại một cách độc lập hay gây thêm thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đồng thời những quan hệ xã hội này đã được bảo vệ hợp lý bằng cách trừng phạt hành vi phạm tội nguồn
Trường phái thứ hai mà đại diện là các nước như Hoa Kì, Vương quốc Anh, Nhật Bản[2],… giữ quan điểm truy tố hành vi tự rửa tiền; tức là trong quy định của pháp luật hình sự ở các quốc gia theo trường phái này, tội phạm rửa tiền có thể được truy tố đồng thời với tội phạm nguồn, mặc dù chỉ do một người thực hiện. Ví dụ, tội rửa tiền được quy định trong Luật Phòng chống may túy và Luật trừng trị tội phạm có tổ chức của Nhật Bản, cho phép trừng phạt hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn khi đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc phạm tội của tài sản mà chính mình chiếm đoạt được[3]
Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định ba tội phạm liên quan đến rửa tiền, đó là: tội hợp pháp hoá (rửa tiền) tiền và tài sản khác do người khác có được một cách bất hợp pháp (Điều 174); tội hợp pháp hoá (tẩy rửa) tiền hoặc tài sản khác do mình phạm tội mà có (Điều 174.1); tội sở hữu hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ là do phạm tội mà có (Điều 175). Luật về phòng, chống rửa tiền của Nhật Bản năm 1991 quy định hai tội phạm liên quan đến rửa tiền; đó là: tội che giấu những khoản bất lợi chính (Điều 9) và tội chấp nhận những khoản lợi bất chính (Điều 10). Bộ luật của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định bốn tội phạm liên quan đến rửa tiền; đó là: tội về giao dịch tài chính (Điều 1956 (a)(1)); tội vận chuyển quốc tế (Điều 1956 (a)(2)); tội về tiền tệ (Điều 1957 (a)) và tội phạm được quy định tại Điều 1956(a)(2) và 1956(a)(3)[4].
Sự không thống nhất trong lập pháp hình sự về vấn đề tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền đã thể hiện rõ sự khác biệt trong lí luận về cấu thành tội phạm và các nguyên tắc khoa học luật hình sự của mỗi quốc gia. Xem xét sự khác nhau này, lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong các khuyến nghị của mình cho phép các quốc gia có thể quy định tội rửa tiền không áp dụng đối với những người đã thực hiện tội phạm nguồn với điều kiện đó là nguyên tắc luật pháp cơ bản của nước mình. Tuy nhiên, nếu không có một nguyên tắc cơ bản nào trong nội luật quốc gia chống lại việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền, thì FATF sẽ xem xét việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền như một tiêu chí đánh giá sự tuân thủ các Khuyến nghị số 1, 2 trong 40+9 Khuyến nghị của FATF[5].
Thứ ba, quy định về chủ thể tội phạm rửa tiền trong BLHS năm 2015
 Trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 251 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), BLHS năm 2015 có quy định tội “Rửa tiền”. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp luật hình sự, sửa đổi, bổ sung tội phạm này thể hiện tính bao quát hơn các hành vi rửa tiền được đề cập trong các Công ước quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền ở nước ta, đồng thời góp phần thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền.
Điều 324 BLHS năm 2015 quy định về tội rửa tiền, như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Qua nghiên cứu các quy định về cấu thành tội phạm rửa tiền tại Điều luật vừa trích dẫn, người viết nhận thấy, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là các yếu tố về chủ thể của tội phạm.
Như vậy, quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 324 BLHS năm 2015 đều không đưa ra định nghĩa thế nào là rửa tiền và cũng chưa thể hiện rõ chủ thể của tội phạm rửa tiền có bao gồm chủ thể của tội phạm nguồn hay không, điều đó dẫn đến các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các quan điểm khác nhau. Khi phân tích, so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với 40+9 khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, có quan điểm cho rằng: Nếu bản thân người phạm tội thực hiện hành vi cất giấu, chứa chấp tiêu thụ tài sản do mình phạm tội mà có thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn[6]. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của FATF, khi nghiên cứu, đánh giá các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam để xem xét sự tuân thủ các khuyến nghị về chống rửa tiền, lại nhận định rằng: Quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho phép trừng trị các hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn, dù rằng, nó chưa được thể hiện trong thực tiễn xét xử. Giải thích vấn đề này, một số quan điểm khác cho rằng, thực tiễn xét xử của Việt Nam, khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì thông thường người phạm tội chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố về tội “Rửa tiền” theo Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), vì hình phạt đối với các tội phạm nguồn trong trường hợp này thường đã rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp hình phạt cao nhất được áp dụng là tử hình, như tội “Tham ô” Điều 278 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 353 BLHS năm 2015; tội “Nhận hối lộ” Điều 279 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 354 BLHS năm 2015;… Do vậy, không cần thiết phải truy tố một hành vi kém nghiêm trọng hơn quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 324 BLHS năm 2015. Trên thực tế, theo các chuyên gia của FATF, cách lí giải này đã không được công nhận như một nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam để lấy đó làm cơ sở không truy tố hành vi tự rửa tiền một cách độc lập.
Thứ tư, kiến nghị hoàn thiện tội phạm tại Điều 324 BLHS năm 2015
Một là, như trên đã đề cập, các quy định về tội rửa tiền tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 324 BLHS năm 2015, không có quy định cụ thể nào xác định hay loại trừ rõ ràng hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn. Tuy nhiên, nếu dựa vào lời văn của điều luật với cụm từ “biết hoặc có cơ sở để biết” quy định tại các điểm a, b, c  khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015,   có thể thấy, ý tưởng của nhà làm luật là hướng tới người thứ ba bên cạnh chủ thể tội phạm nguồn. Chỉ có người không thực hiện tội phạm nguồn, mới đặt vấn đề xác định yếu tố “biết hoặc có cơ sở để biết” hay không biết hoặc không có cơ sở để biết tiền tài sản là do phạm tội mà có, còn đối với chính người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn thì việc quy định “biết hoặc có cơ sở để biết” … trở thành vô nghĩa. Nếu hiểu theo nghĩa này thì rõ ràng quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015 đã loại trừ hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống rửa tiền trong tương lai, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế, tác giả cần bổ sung quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015, theo hướng: Coi hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn cũng là hành vi phạm tội rửa tiền khi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm này. Như vậy, hành vi tự rửa tiền phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập, trên cơ sở những căn cứ sau đây:
+Xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc công bằng về trách nhiệm hình sự. Theo lí luận truyền thống, hành vi tự rửa tiền được thực hiện là kết quả tự nhiên, kéo dài của việc thực hiện tội phạm nguồn và sẽ không tách riêng để xử lý như một tội danh độc lập. Giống như trường hợp đối tượng sau khi thực hiện hành vi trộm cắp đã tiến hành tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được, hay tiêu hủy vật chứng…Hành vi trước do vậy đã hấp thu hành vi sau như một hệ quả tất yếu để thực hiện mục đích chiếm đoạt và sử dụng tài sản chiếm đoạt được của người phạm tội. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển, hành vi tự rửa tiền không còn đơn giản là việc tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được. Tiền, tài sản phạm tội có được từ các tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán người ngày càng khổng lồ. Việc che giấu nguồn gốc phạm tội và đưa số tiền, tài sản do mình phạm tội mà có vào trong hệ thống tài chính, đầu tư kinh doanh hay tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ hành vi phạm tội mới rõ ràng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tách biệt và độc lập so với hành vi phạm tội nguồn, xâm hại đến khách thể riêng biệt là sự ổn định của hệ thống tài chính. Trong trường hợp này, cả hành vi phạm tội nguồn và hành vi tự rửa tiền đều phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập như những tội danh riêng biệt.
+Xuất phát từ lợi ích quốc gia và yêu cầu của hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống rửa tiền. Với tính chất xuyên quốc gia, tội phạm rửa tiền và tội phạm nguồn không phải lúc nào cũng xảy ra và kết thúc ở trên lãnh thổ một quốc gia. Nếu như loại trừ người thực hiện tội phạm nguồn ra khỏi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong trường hợp điều tra làm rõ người phạm tội thực hiện tội phạm nguồn ở một quốc gia khác nhưng lại thực hiện hành vi rửa tiền ở nước ta và gây ra những hậu quả nguy hại cho xã hội, thì chúng ta sẽ không thể dựa và luật hình sự trong nước để xử lý người phạm tội. Nếu trong hệ thống nội luật, chúng ta không có căn cứ để xử lý đối tượng phạm tội trong trường hợp này, thì hiển nhiên chúng ta cũng sẽ không có tư cách tham gia vào quá trình chia sẻ tài sản bị tịch thu từ đối tượng phạm tội. Điều này rõ ràng là bất lợi trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Như vậy, quy định truy tố, xét xử hành vi tự rửa tiền trong BLHS là cần thiết trong xử lý những đối tượng rửa tiền xuyên quốc gia và đảm bảo lợi ích của quốc gia trong hợp tác quốc tế. Điều đó cũng phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trong xu thế tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố trên toàn cầu.
Hai là, thực trạng hiện nay, các cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) quốc tế sẽ phân các quốc gia thành 3 danh sách: (i). Danh sách các quốc gia có rủi ro về PCRT và gây bất ổn cho hệ thống tài chính (có 2 quốc gia); (ii). Danh sách các quốc gia có sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết; (iii). Danh sách các nước có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền nhưng có các cam kết cấp Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hành động, phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về PCRT[7]. Mặc dù năm 2014 Việt Nam đã được đưa ra khỏi quy trình rà soát của FATF (là một tổ chức liên chính phủ, có chức năng đưa ra các tiêu chuẩn, xây dựng và phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố), sau gần 4 năm nằm trong quy trình này, tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải tiếp tục giải quyết các thiếu hụt được chỉ ra trong báo cáo đánh giá đa phương, trong đó có nội dung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thành nội dung này và định kỳ báo cáo cho Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
Tuy nhiên, do Điều 76 BLHS năm 2015 về phạm vi chủ thể chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chỉ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 31 tội danh mà không bao gồm tội rửa tiền. Song điều này là không khả thi bởi theo Khuyến nghị số 3 về tội rửa tiền trong 40 Khuyến nghị (chuẩn mực quốc tế) về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của FATF, các quốc gia phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hoặc chứng minh việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là trái với nguyên tắc pháp luật của quốc gia.
Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, có cơ sở để cho rằng: Nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn cho phép việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; Hơn nữa Việt Nam đã không thực hiện đúng cam kết với APG và FATF về việc hoàn thành nội dung này vào năm 2015. Vì vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ bị xếp hạng “không tuân thủ” đối với nội dung này và khả năng một lần nữa bị đưa vào danh sách các quốc gia có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và phải chịu sự rà soát của FATF là tất yếu.
Vì lý do đó, theo tác giả, trong sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 lần này, việc bổ sung tội rửa tiền vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 là cần thiết và cấp bách.
Tóm lại:Rửa tiền” là một trong những loại tội phạm diễn biến phức tạp và để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội, tội rửa tiền đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta  hết sức quan tâm đấu tranh phòng, chống. Một trong những giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả nhất đối với loại tội phạm này, theo tác giả, đó là hoàn thiện quy định về khái niệm tội phạm; hành vi khách quan của tội phạm, cả về phương tiện phạm tội và chủ thể của tội phạm nguồn và đặc biệt là quy định về tình tiết tăng nặng định khung và hình phạt đối với loại tội phạm nguy hiểm này.
 
Phạm Thị Hồng Đào
 
 
[1] i) Sản xuất, điều chế, chiết xuất, pha chế, chào hàng, phân phối, bán, trao đổi dưới bất cứ hình thức nào như môi giới, gửi, quá cảnh, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu ma tuý và các chất hưởng thần trái với các quy định của Công ước 1961, Công ước 1961 sửa đổi hoặc Công ước 1971;
ii) Trồng cây thuốc phiện, cây côca hay cây cần sa với mục đích sản xuất trái phép ma tuý, trái phép với các quy định của Công ước 1961 và Công ước 1961 sửa đổi;
iii) Tàng trữ hoặc mua bán bất kỳ chất ma tuý hoặc chất hướng thần nào với mục đích thực hiện bất kỳ hoạt động nào quy định tại điểm (i) nói trên;
iv) Điều chế, vận chuyển hay cung cấp phương tiện, nguyên liệu hoặc các chất trong các Bảng I và Bảng II mà biết rõ những chất đó được sử dụng để trồng trọt, sản xuất, điều chế trái phép các chất ma tuý hoặc các chất hướng thần;
v) Tổ chức, chỉ đạo hoặc tài trợ cho bất kỳ hành động phạm tội nào quy định tại các điểm (i), (ii), (iii) hoặc (iv) nói trên;
 
[2] xem đoạn 1956 và 1957, Luật Kiểm soát rửa tiền liên bang (1986) của Hoa Kì; đoạn 327 đến 340 Proceed of Crime Act (POCA) (2003) của Vương quốc Anh; Điều 6, Luật Phòng chống ma túy (1992), Điều 10 Luật trừng trị tội phạm có tổ chức (2000) của Nhật Bản
[3] http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien,-tai-tro-khung-bo/phong-chong-rua-tien-tai-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-49421.html
[4] Nông Xuân Trường (2005), "Tìm hiểu về việc phòng chống tội phạm rửa tiền trên thế giới", Tạp chí Kiểm sát,(số 9), tr. 52-54.
[5] https://luattaichinh.wordpress.com/2015/06/04/40-khuyen-nghi-cua-luc-luong-dac-nhiem-ti-chnh-ve-chong-rua-tien-fatf/
[6] UNODC (2008), Báo cáo so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với 40 khuyến nghị và 9 khuyến nghị đặc biệt của lực lượng đặc nhiệm tài chính, tr. 14.
 
[7] http://thoibaonganhang.vn/preview_article/t/de-xuat-hai-toi-danh-tai-tro-khung-bo-va-rua-tien-vao-blhs-de-phu-hop-voi-cam-ket-quoc-te-59574.html