Một số quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, bất cập và đề xuất hoàn thiện

06/02/2017

Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. BLHS năm 2015 bổ sung thêm 34 tội danh, thay hình phạt tù bằng hình phạt tiền đối với 10 tội danh, bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh… Với những nội dung sửa đổi, bổ sung tương đối toàn diện kể cả về kết cấu, bố cục, nội dung đã khắc phục phần lớn những bất cập trong BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội, BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, trừ những quy định có lợi đối với người phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một quy định của BLHS năm 2015 bộc lộ sự bất cập, không hợp lý cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn. Đó là các quy định liên quan đến phân loại tội phạm đối với pháp nhân; chế định miễn trách nhiệm hình sự; căn cứ quyết định hình phạt; quy định về tù có thời hạn và một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại một số tội phạm có sự mâu thuẫn  nhau. Cụ thể:

Thứ nhất: Về phân loại tội phạm
Có thể nói, so với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo BLHS năm 2015 đã có sự mở rộng hơn, đây là kết quả từ một thực tế tồn tại rất nhiều năm nay đó là có những pháp nhân có hành vi vi phạm nhưng lại không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc nhắc nhở yêu cầu sửa chữa, khắc phục hậu quả. Chính vì diễn biến trên thực tế của chủ thể này hoạt động vô cùng phức tạp, thường có những hành vi vi phạm gây nên những hậu quả lớn cho xã hội và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, phạm vi ảnh hưởng, tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Điều 9[1] BLHS năm 2015 quy định về phân loại tội phạm, trên cơ sở kế thừa quy định phân loại tội phạm của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, qua nghiên cứu người viết thấy rằng, hiện không có quy định về phân loại tội phạm riêng đối với pháp nhân, dù rằng, trong mọi trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Tòa án không áp dụng hình phạt tù có thời hạn, chung thân hay tử hình. Ngoài hình phạt tiền, có thể áp dụng hình phạt khác đối với pháp nhân như: Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Vấn đề đặt ra, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân được xác định như thế nào, bởi những vấn đề này, hiện BLTTHS năm 2015 cũng không quy định. Việc không có quy định riêng về phân loại tội phạm đối với pháp nhân phạm tội sẽ dẫn đến những khó khăn sau:
Một là, không có căn cứ để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân thương mại phạm tội.
Điều 75[2] BLHS năm 2015, quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, mà theo đó, tại điểm d khoản 1 của điều luật này quy định: Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”. Mà khoản 2 khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015 quy định:
“2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.”.
Nhìn vào nội dung quy định trên, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân theo khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 sẽ là bao nhiêu năm? Câu hỏi này rõ ràng không thể có đáp án chính xác, vì tại Điều 9 BLHS năm 2015 hoàn toàn không có quy định nào đề cập đến phân loại tội phạm đối với pháp nhân.
Hai là, không có căn cứ để xác định thời hạn điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, truy tố, xét xử.
Như đã trình bày ở phần trên, quy định về phân loại tội phạm trong BLHS năm 2015 là cơ sở để nhà làm luật quy định về thời hạn điều tra, thời hạn phục hồi điều tra, thời hạn điều tra bổ sung, thời hạn truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự. BLTTHS 2015 áp dụng các loại thời hạn này theo phân loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng), để ấn định từng loại thời hạn cụ thể, chẳng hạn
+Khoản 1 Điều 172 BLTTHS năm 2015, quy định về thời hạn điều tra, như sau: Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.”.
+ Khoản 1 Điều 174 BLTTHS năm 2015, quy định về thời hạn phục hồi điều tra lại, điều tra bổ sung, điều tra lại như sau: Trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.”. Ngoài ra, việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 03 tháng.
Tương tự, Thời hạn chuẩn bị xét xử cũng quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015, như sau: Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.”
Thiết nghĩ, về thời hạn tiến hành tố tụng hình sự đối với pháp nhân cần được quy định dài hơn so với thể nhân phạm tội, bởi, việc điều tra vụ án đối với pháp nhân thường phức tạp, khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, nhất là những chứng cứ chứng minh phạm tội trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, nhưng thời gian tiến hành tố tụng lại ngắn thì rõ ràng là không hợp lý, điều này không những gây áp lực lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án đó, mà còn là nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tố tụng.
Như vậy, từ việc không có quy định riêng về phân loại tội phạm đối với pháp nhân phạm tội, dẫn đến không có căn cứ để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; không có căn cứ xác định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án có bị can, bị cáo là pháp nhân phạm tội.
Thứ hai: Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
 Khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, quy định “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Nghiên cứu nội dung lời văn của quy định trên, có thể được hiểu theo những cách khác nhau về trường hợp người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự, cụ thể:
+ Cách hiểu thứ nhất: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng chỉ trong trường hợp do lỗi vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
+ Cách hiểu thứ hai: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Do luật quy định thiếu rõ ràng, nên hiểu theo hai cách trên cũng điều hợp lý. Tuy nhiên, pháp luật chỉ duy nhất đúng trong một trường hợp cụ thể nào đó, mà không thể đúng cho nhiều trường hợp khác, do vậy, để tránh việc hiểu và áp dụng thiếu thống nhất, người viết đề nghị sửa đổi nội dung quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, có thể được viết lại theo một trong những hướng sau:
+ Trường hợp ý tưởng của nhà làm luật chỉ cho người phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự thì quy định: “3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
+ Trường hợp nhà làm luật chỉ cho người phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hay vô ý đều có thể được miễn trách nhiệm hình sự cần quy định: “3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Thứ ba: Về căn cứ quyết định hình phạt
Khoản 1 Điều 50 BLHS 2015, quy định: “ Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.”.
Theo tinh thần quy định vừa trích dẫn, khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử dựa vào những căn cứ sau: i) Quy định của BLHS năm 2015; ii) Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; iii) Nhân thân người phạm tội; iv) Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; v) Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Qua nghiên cứu cho thấy, BLHS năm 2015 chưa có quy định cụ thể nào về “Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” và “nhân thân người phạm tội”. Theo quan điểm của người viết, để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi dựa vào những yếu tố như: Tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại; Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả tính chất của phương pháp, thủ đoạn, của công cụ và phương tiện phạm tội; Mức độ gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội bị xâm hại; Tính chất và mức độ lỗi; Động cơ, mục đích người phạm tội; Hoàn cảnh chính trị - xã hội và nơi hành vi phạm tội xảy ra.
Nghiên cứu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo, mà theo đó, một người có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật. Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt.
Thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến không ít các bản án mà báo chí đã phản ánh thời gian qua cho thấy, Tòa án quyết định mức hình phạt hoặc là quá thấp hoặc là quá cao không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và không phù hợp với nhân thân người phạm tội. Vì vậy, người viết đề nghị bổ sung thêm quy định theo hướng giải thích rõ hơn về hai căn cứ quyết định hình phạt “Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”; “nhân thân người phạm tội.” vào Điều 50 BLHS năm 2015.
Thứ tư: Quy định về tù có thời hạn
Điều 101 BLHS năm 2015, quy định về tù có thời hạn, cụ thể:
 “Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”
Nghiên cứu nội dung quy định trên, tác giả thật sự khó hiểu bởi cụm từ “mức phạt tù mà điều luật quy định” ở đoạn cuối của khoản 1 và khoản 2. Sự khó hiểu này, do nhà làm luật quy định chưa rõ ràng, cụ thể vì không rõ là mức phạt tù cao hay thấp, mức phạt tù của khoản nào của điều luật. Chính vì vậy, có thể được hiểu theo nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể:
+ Cách thứ nhất: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù mà điều luật quy định dự định để áp dụng đối với người đủ 18 tuổi, vì tại khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015, có quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: “Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Chẳng hạn, với trường hợp, tính đến ngày thực hiện hành vi trộm cắp, Lê B. vừa đủ 17 tuổi, B bi VKSND huyện G.T truy tố xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 173 BLHS năm 2015 với mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. HĐXX quyết định hình phạt đối với Lê B. bằng cách đặt giả thiết tình tiết trong vụ án, nếu B. đủ 18 tuổi trở lên thì sẽ bị phạt cao nhất là 07 năm tù, nhưng do B. mới 17 tuổi nên sẽ phạt cao nhất không quá ¾ của 07 năm tù, tức là khoảng 05 năm 25 ngày tù;
+ Cách hiểu thứ hai: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định. Cụ thể, với trường hợp trên,  Điều 173 BLHS năm  2015 quy định mức phạt tù cao nhất là 20 năm, do vậy, B. không bị xử phạt quá ¾ của 20 năm, tức là không quá 15 năm tù hay nói cách khác, Tòa án vẫn có thể xử phạt B. đến 15 năm tù mức cao nhất của khung 3 Điều 173 BLHS năm 2015.
+ Cách hiểu thứ ba: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù cao nhất mà khung hình phạt của điều luật quy định. Với trường hợp trên, Điều 173 BLHS năm 2015 quy định mức phạt tù cao nhất của khung hình phạt B. bị truy tố xét xử là 15 năm tù, do vậy, B, sẽ không bị xử phạt quá ¾ của 15 năm tù tức là không quá 11 năm 25 ngày tù.
Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất dựa trên nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015, người viết  đề nghị cần sửa đổi quy định tại Điều 101 BLHS năm 2015. Sau khi sửa đổi, bổ sung, được viết lại, như sau:
“Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất được quy định trong khung hình phạt mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù cao nhất trong khung hình phạt mà điều luật quy định.”
Nếu như vậy, thì nội dung các Điều 103, 104 BLHS năm 2015 cũng cần được sửa đổi và quy định rõ ràng hơn để tương thích, phù hợp với nội dung của Điều 101 BLHS năm 2015.
Thứ năm: Quy định tình tiết định khung tại một số điều luật chưa hợp lý
Trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, BLHS năm 2015 quy định tình tiết định tội cơ bản như quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), đó là, quy định tại khoản 1 của các điều 172, 173, 174, 175 BLHS năm 2015: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.” Chẳng hạn, Điều 172 BLHS năm 2015 quy định tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, như sau:
“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”
Hay với tội “Trộm cắp tài sản” Điều 173 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”
Các điểm a, b khoản 1 mà các khoản 2, 3, 4 của Điều 172, Điều 173 dẫn chiếu, không vì khác hơn đó chính là yếu tố “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”; “đã bị kết án chưa được xóa án tích”.  Việc áp dụng tình tiết “đã bị kết án chưa được xóa án tích”; “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” làm tình tiết định khung hình phạt của các khoản tăng nặng trong điều luật tương ứng, rõ ràng làm “xấu hơn”; “nặng hơn” tình trạng của người bị buộc tội là bất hợp lý, vì:
- Đã có sự đồng nhất giữa yếu tố “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”; “đã bị kết án chưa được xóa án tích”. Nghĩa là, không phân biệt được tính chất nguy hiểm của hành vi thuộc trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính",  "tái phạm" với "tái phạm nguy hiểm", khi sử dụng cả ba tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt;
- Nghiên cứu các nhóm tội phạm khác trong phần các tội phạm cụ thể của BLHS năm 2015, tác giả không tìm thấy quy định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”; “đã bị kết án chưa được xóa án tích” này làm tình tiết định khung hình phạt, mà chỉ có 04 tội danh trong nhóm tội xâm phạm sở hữu nêu trên (Điều 172, Điều 173, Điều 174 và Điều 175), là thật sự không công bằng;
- Nghiên cứu các điều luật liên quan, thấy rằng, việc áp dụng các tình tiết định khung, như: Phạm tội từ 02 lần trở lên; phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm… chỉ áp dụng đối với 01 khung hình phạt cụ thể trong 01 điều luật. 04 tội danh quy định tại các điều 172, 173, 174 và 175, tình tiết "tái phạm nguy hiểm" cũng chỉ sử dụng tại khoản 2. Tuy nhiên tình tiết "đã bị xử phạt vi phạm hành chính" và "đã bị kết án chưa được xóa án tích"  lại được áp dụng làm tình tiết định khung cho tất cả các khung hình phạt tại 04 điều luật nêu trên trong BLHS năm 2015, mặc dù, xét về tính chất nguy hiểm thì rõ ràng "đã bị xử phạt vi phạm hành chính" và "đã bị kết án chưa được xóa án tích " ít nguy hiểm hơn so với tái phạm nguy hiểm;
- Bất cập từ quy định như trên dẫn đến những trường hợp phạm tội thuộc trường hợp "tái phạm nguy hiểm" có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn so với trường hợp "đã bị xử phạt vi phạm hành chính";  "tái phạm". Nhận định này, tác giả chứng minh bằng các ví dụ sau:
+Ví dụ 1: Trần H. trộm cắp chiếc xe Honda hiệu SH 150i, trị giá 150 triệu đồng. H. có 02 tiền án về tội “ đánh bạc” và  tội "Mua bán trái phép chất ma túy", phạm tội thuộc trường hợp "tái phạm nguy hiểm". Vì cả hai bản án đối với H. không thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015 nên không sử dụng làm tình tiết "đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm." để định khung hình phạt. Do đó, hành vi của H. cấu thành tội "trộm cắp tài sản" theo điểm c, g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 với mức hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
+Ví dụ 2: Lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, Phạm C lẻn vào nhà ông Ph. trộm cắp tài sản gồm: 01 máy tính xách tay hiệu Sony; 01 máy chụp ảnh hiệu Canon; 30 chỉ vàng 24k, tổng trị giá 150 triệu đồng, nhưng trước đó C. “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” về hành vi trộm cắp tài sản. Chính vì C. “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” về hành vi chiếm đoạt nên theo quy định của điều luật, tình tiết này được áp dụng làm tình tiết định khung hình phạt. Do đó, Phạm C. phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo điểm b khoản 3 Điều 173 BLHS năm 2015 với mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Từ 02 ví dụ trên cho thấy, tuy cùng là hành vi trộm cắp tài sản, giá trị tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt như nhau và cùng bị truy tố, xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS năm 2015, nhưng với C. khi phạm tội thuộc trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”phải chịu khung hình phạt nặng hơn H. phạm tội thuộc trường hợp "tái phạm nguy hiểm". Đây rõ ràng là một bất cập quá lớn, cần được nhà làm luật nghiên cứu sửa đổi khắc phục, vì với quy định như hiện hành rõ ràng là không hợp lý.
Thứ sáu: Quy định tình tiết chưa gây thiệt hại nhưng chế tài quy định bằng hoặc nặng hơn trường hợp đã gây ra thiệt hại trên thực tế.
Nghiên cứu quy định tại Điều 268BLHS năm 2015, quy định tội “Cản trở giao thông đường sắt”, tác giả thấy có một số bất cập sau:
Một là, phạm tội chưa gây thiệt hại nhưng hình phạt lại bằng trường hợp đã gây thiệt hại trên thực tế.
Khoản 4 và khoản 5 Điều luật này quy định:
“4. Người đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; tự ý khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường ngang, xây cống hoặc các công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt hoặc phá hoại phương tiện giao thông vận tải đường sắt hoặc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt cản trở giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Chế tài quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 268 BLHS năm 2015 là hoàn toàn trùng nhau, quy định như vậy là không hợp lý, vì:
i) Không thể cấu thành tăng nặng ở các khoản khác nhau trong cùng một điều luật, lại có khung hình phạt lại giống nhau, điều đó có nghĩa rằng, chế tài quy định xử phạt tại khung 2 phải khác với chế tài quy định xử phạt tại khung 3 và tương tự, khung 3 chế tài quy định cũng phải khác với khung 4;
ii) Quy định hình phạt tại khung 5 của Điều 268 BLHS năm 2015, trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời phải khác với trường hợp hậu quả thực tế đã xảy ra (khoản 4), do vậy, nếu quy định như tại khoản 4 và khoản 5 Điều 268 BLHS năm 2015, là không đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và hậu quả của tội phạm gây ra.
Hai là, phạm tội chưa gây thiệt hại nhưng hình phạt nặng hơn trường hợp đã gây thiệt hại trên thực tế.
Một số điều luật trong BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt trong trường hợp đã gây thiệt hại trong thực tế nhẹ hơn trường hợp có khả năng gây thiệt hại (tức là chưa gây thiệt hại), cụ thể: Khoản 4 và khoản 5 Điều 272 BLHS năm 2015, tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”, quy định:
“4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
Nghiên cứu cho thấy, trường hợp phạm tội đã gây thiệt hại trên thực tế theo khoản 5 Điều 272 BLHS năm 2015, mức hình phạt tù cao nhất 02 năm, nhưng nếu phạm tội theo khoản 4 của Điều luật này “Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời” thì mức hình phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.
Tương tự Điều 295; Điều 307  BLHS năm 2015, quy định tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”; tội “Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” cũng có bất cập tương tự.
Thứ bảy: Việc loại bỏ án tử hình đối với tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015, cần tiếp tục cân nhắc.
Về lý luận, tội cướp tài sản là tội phạm trực tiếp xâm phạm cùng một lúc hai khách thể, đó là tài sản và tính mạng, sức khỏe con người. Đành rằng nếu người phạm tội giết người để cướp tài sản có thể bị tử hình về tội giết người, nhưng không phải trường hợp cướp nào làm chết người cũng xử được tội giết người, bởi thế,  tại khoản 4 Điều 168 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng “làm chết người”. Thực tế cho thấy, nếu cướp tài sản mà làm bị thương một vài người có tỉ lệ thương tật trên 61% thì xử phạt tù chung thân còn có thể chấp nhận, nhưng làm bị thương nhiều người, có người tỉ lệ tổn thương cơ thể 90% hoặc hơn, nạn nhân suốt đời “chìm” trong đời sống thực vật hoặc làm chết người mà chỉ xử tù chung thân thì dư luận không đồng tình. Tuy nhiên, lý giải việc bỏ án tử hình đối với tội cướp tài sản vì thực tiễn xét xử chưa kết án tử hình người nào phạm tội này, mà thường chỉ phạt tù đến 15-20 năm. Nếu có xảy ra chết người thì người phạm tội đã bị xử tử hình về tội giết người. Cách lý giải này vừa chưa đúng về lý luận vừa không phù hợp với thực tiễn.
Chưa kể gây thương tích cho rất nhiều người hoặc làm chết nhiều người thì sao? Chẳng hạn, vài tên cướp chặn xe khách đang xuống đèo, chúng lên xe dùng súng khống chế tài xế và hành khách buộc phải giao nộp tài sản cho chúng, nhưng lái xe chống cự làm xe lao xuống vực, tai nạn xảy ra làm nhiều người tử vong, liệu hình phạt tù chung thân đối với người phạm tội có xứng đáng?
Thiết nghĩ, việc bỏ hay giữ hình phạt tử hình tội nào phải hết sức cẩn trọng, căn cứ vào yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Còn nhớ năm 2009, khi Quốc hội vừa sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999, bỏ án tử hình đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó không bao lâu, số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng lên đáng kể với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số tiền mà người phạm tội chiếm đoạt không chỉ vài chục tỉ đồng mà hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ chín:Về áp dụng quy định xử lý người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP.
Căn cứ vào Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội, ngày 30/6/2016 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân nhân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 làm cơ sở áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý các hành vi phạm tội, trong đó có nội dung về xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP (viết tắt Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP), quy định: “Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 đến ngày Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, chỉ áp dụng quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) và khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13”.
Như vậy theo Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP, thì chỉ xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi thỏa mãn 02 điều kiện sau:
i) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999;
ii) Đối với các loại tội phạm trong phạm vi 29 tội danh được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015.
Vấn đề ở đây là phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 và khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 là khác nhau. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; còn theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo một số tội danh cụ thể (29 tội danh) trong đó có cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. Do đó đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Xin được chứng minh bởi trường hợp cụ thể. Ngày 10/9/2016 Phạm Văn H., sinh ngày 10/9/2001, bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Công B. (cán bộ xã T, huyện M.T), gồm 01 chiếc xe Honda hiệu SH 300i; 01 điện thoại di động hiệu Vertu Signature S Ultimate Black. Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện M. khởi tố về Tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 137 BLHS năm 1999. Xoay quanh quyết định khởi tố bị can đối với H. hiện có những luồng ý kiến sau:
+Quan điểm thứ nhất : Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 (trừ 01 tội danh mới chưa được áp dụng “Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”)
Như vậy, với trường hợp nêu trên, tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” không thuộc một trong các điều quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 nhưng vì đây là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) quy định tại khoản 3 Điều 137 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên H. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
+Quan điểm thứ hai: Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh được quy định tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015. Với trường hợp cụ thể trên, dù H. phạm tội “Công nhiên chiến đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 137 BLHS năm 1999 là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, nhưng H. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì áp dụng nguyên tắc có lợi theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13, nghĩa là H. chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tội danh quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015. Trong khi đó, tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, mà Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện M.T khởi tố đối với H. không được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015.
Người viết, đồng tình với quan điểm thứ hai, vì theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm khi thỏa mãn đồng thời cả 2 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015. Nghĩa là,  người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các điều quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015. Mặt khác tại điểm a khoản 4 Nghị quyết 144 có quy định “… tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết 109/2015/QH13”; điểm đ, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIII, có nêu: “Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015
Như vậy, có thể thấy trong thời điểm hiện nay khi mà BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành nhưng Nghị quyết 144/2016/QH13lại quy định thực hiện những điểm có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, có nghĩa là một phần của BLHS năm 2015 đã có hiệu lực. Thực tế này đã gây ra không ít những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiến hành hoạt động tố tụng trong thực tiễn. Việc các cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết hướng dẫn thực hiện là điều hết sức cần thiết nhưng cũng không thể giải quyết hết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở các địa phương. Do vậy việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 là vấn đề cấp bách mới bảo đảm tính đồng bộ trong thực tiễn.
 
Phạm Thị Hồng Đào  

 


[1] Điều 9. Phân loại tội phạm

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
 

[2] Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.