Luật tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của con người

12/01/2017
Tín ngưỡng, tôn giáo là một phần quan trọng của đời sống xã hội, là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, là giá trị văn hóa của nhân loại. Ở Việt Nam, tín ngưỡng đã hình thành trong đời sống nhân dân gắn liền với việc hình thành nền văn minh nông nghiệp lúa nước, văn minh sông Hồng, khi vua Hùng lập nước Văn Lăng. Tôn giáo cũng du nhập sớm vào nước ta, cụ thể là Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Hiện nay, Việt Nam đang tồn tại hợp pháp 6 tôn giáo phổ biến (Phật giáo, Công giáo, Hòa hảo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo) và một số tôn giáo khác với số lượng tín đồ khoảng 25 triệu người. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đòi hỏi phải bắt kịp với tình hình, xu thế phát triển của đất nước cũng như xu thế phát triển của tôn giáo hiện nay. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp nước ta ghi nhận từ bản Hiến pháp 1946. Năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp Lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Để luật hóa quy định của Hiến pháp đồng thời khắc phục những hạn chế của Pháp Lệnh tín ngưỡng, tôn giáo sau hơn 10 năm thi hành, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2018. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Chương II của Luật với 4 điều (từ điều 6 đến điều 9). Đây là lần đầu tiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ thành một chế định riêng và có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004.
Tại điều 6 của Luật, bên cạnh việc khẳng định quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo của mọi người, điều luật còn quy định cụ thể quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của con người được thực hiện thông qua việc bày tỏ niềm tin, thực hành lễ nghi, tham gia lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tín ngưỡng, tôn giáo. Điều luật còn quy định mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Việc thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành được tiến hành tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác (bên ngoài cơ sở tôn giáo). Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta quy định Người bị tạm giữ, người bị tm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước bảo đảm thực hiện và bảo vệ ngay cả đối với người phạm tội đang phải chấp hành hình phạt theo bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là sự thể hiện đầy đủ nhất về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trước hết là quyền con người, là sự tự nhiên, vốn có và phải được đảm bảo ngay cả khi con người bị tước quyền công dân.
 Điều 7 của  Luật quy định về quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, tổ chức tôn giáo được quyền hoạt động, tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo hiến chương, điều lệ; được xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, đồ dùng tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo cũng như được nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tự nguyện tặng cho. Như vậy, các điều kiện thiết yếu để duy trì, phát triển các hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo đã được đảm bảo về mặt pháp lý một cách toàn diện, đầy đủ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội, người nước ngoài đến Việt Nam từ hầu hết các quốc gia trên thế giới với nhiều mục đích khác nhau (du lịch, làm việc, học tập…). Vì vậy, cần phải đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của họ tại Việt Nam. Điều 8 của Luật quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Về nguyên tắc, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và có những quyền về tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam. Cụ thể người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được quyền sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Với những quy định đầy đủ, tiến bộ của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người, chắc chắn rằng những hoạt động tín ngưỡng sẽ được bảo tồn và phát huy, các hoạt động tôn giáo sẽ được duy trì, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, tiếp tục góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
                                                                                                                            Quốc Long