Tại sao Nhà nước và xã hội cần phải hướng tới “bảo vệ công lý”

27/04/2016
Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực pháp luật (ngày 01/01/2014) với yêu cầu hiến định về hoạt động bảo vệ công lý (Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013), các văn bản pháp luật mang tính chất “rường cột” của đất nước như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật tổ chức tòa án nhân dân đã được ban hành. Cùng với Luật Luật sư trước đó, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt các đạo luật nêu trên là khẳng định nhiệm vụ bảo vệ công lý thông qua hoạt động xét xử, qua đó làm sâu sắc hơn những tư tưởng pháp quyền khi đất nước ta khi chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vậy tại sao Nhà nước và xã hội ta cần hướng tới bảo vệ công lý? Tác giả bài viết tập trung phân tích, giải thích lý do từ một số khía cạnh sau đây:
1. Công lý là thước đo căn chỉnh một nền pháp luật vì Nhân dân
Một quốc gia văn minh phải được quản lý trên cơ sở nền tảng của đạo lý, công lý, lẽ công bằng, hay như J.S.Mill gọi đó là “sự cai trị đức hạnh”. Văn hào Pascal từ thế kỷ 17 đã nhận định về sự “cộng sinh”, không thể tách rời giữa “công lý” và “quyền lực” như sau: “Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo”. Ngay từ thế kỷ thứ V.TCN, những người dân yếu ớt, bị áp bức đã mạnh mẽ đứng lên thách thức lại những điều luật phi lý, tàn bạo, bất công bởi “Quốc gia là tài sản chung của nhân dân giao cho kẻ cầm quyền quản lý; nhưng quản lý không có nghĩa là biến quốc gia thành của riêng, muốn làm gì thì tùy ý, muốn giết ai thì tùy lòng”.
Pháp luật, công cụ quan trọng của mỗi chính quyền trong quản lý xã hội, phải luôn có mối liên hệ với các giá trị công lý, như nhận định của Montesquieu “Trước khi những luật pháp được cấu thành, đã có những mối tương quan có thể có được về công lý”. Luật pháp nằm ngay trong bản chất của sự vật, hiện tượng. Luật pháp không dựa trên các giá trị cơ bản của công lý, trái với bản tính của loài người thì sẽ trở thành một thứ mệnh lệnh tàn bạo, hà khắc. Tương tự, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định mối quan hệ khăng khít này “Pháp luật ở những khía cạnh nhất định nên phục vụ và vì công lý” hay “Luật pháp phải có chức năng “phân phối công lý”.
Học thuyết Mác-Lê nin, một học thuyết khoa học và biện chứng về sự phát triển của xã hội, khẳng định luật thực định là yếu tố của kiến trúc thượng tầng, được quyết định bởi các hình thái kinh tế xã hội mà nó tồn tại. Pháp luật không thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội. Pháp luật là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội do phương thức sản xuất nhất định sinh ra. Chính vì vậy, phương pháp luận chỉ đạo các nguyên tắc hoạt động sáng tạo pháp luật là nhà lập pháp không làm ra luật, ông ta cũng không phát minh ra chúng, mà chỉ phản ánh và nêu chúng lên.
Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Với những lập luận nêu trên, ngoài việc thuần túy thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị như cách tiếp cận truyền thống trước đây, luật pháp cần phải hết sức quan tâm và phản ánh đầy đủ nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội, phải “vang vọng tiếng dân” và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công lý, công bằng, lẽ phải, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người. Từ triết lý này, Thông điệp năm mới của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định nền tảng các giá trị công lý của pháp luật dân chủ: “Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…”.
2. Công lý là công cụ quan trọng ngăn ngừa tha hóa quyền lực nhà nước
Về lý luận và cả trong thực tiễn, quyền lực nhà nước luôn có nguy cơ bị tha hóa, lạm dụng, dẫn đến sự chuyên quyền, độc đoán, xâm phạm tới quyền tự do cá nhân. Thomas Hobes (1588-1679) trong tác phẩm Leviathan đã ví Nhà nước như một con “thủy quái” và khẳng định quyền lực là một tai họa bởi quyền lực luôn luôn có bản tính của sự hủ hóa, bất kỳ người nào chỉ cần có quyền lực nhà nước trong tay đều không thể tránh được xu hướng của sự đồi bại nếu như quyền lực đó không được kiềm chế. Khi xây dựng Hiến pháp Hoa Kỳ, bản pháp điển hóa truyền thống triết học pháp luật, đặc biệt là các tư tưởng triết học của Locke, Montesquieu, Aristotle, hai nhà lập hiến James Madison và Thomas Jefferson đã đã thẳng thắn nhận định bản chất của chính phủ cũng chính là bản chất của con người “ Nhưng chính phủ là gì nếu không phải là biểu hiện lớn lao nhất của bản chất loài người?” và “Nếu loài người là những thiên thần thì chẳng cần một chính phủ nào cả”. Từ đó, các hai nhà lập hiến Hoa Kỳ khẳng định “Trong các vấn đề về quyền lực, đừng nói thêm gì nữa về lòng tin vào đức tính tốt của con người, mà phải trói anh ta lại bằng sợi dây xích hiến pháp để anh ta không còn làm được những điều ác”.
Chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp cận về bản chất con người với một cái nhìn khoa học, nhân văn và biện chứng hơn “…Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Điều đó có nghĩa là tất cả các quan hệ xã hội đều góp phần hình thành bản chất con người, tuy nhiên, trong những quan hệ đó, quan hệ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất giữ vai trò “hàng một”, quyết định, nổi lên và che lấp những khía cạnh bản chất khác. Vì vậy, trong nền kinh tế thị trường hàng hóa, bên cạnh những mặt tích cực, cũng mang lại nhiều tiêu cực như hiện tượng tha hóa qua tệ bái vật giáo hàng hóa, bái vật giáo tiền tệ, “sự vật hóa” mọi quan hệ xã hội, làm cho quan hệ giữa con người với con người tan biến trước những “lợi ích lạnh lùng”, những đòi hỏi “thanh toán sòng phẳng”, thậm chí nhấn chìm mọi tình cảm “trong làn nước băng giá của sự tính toán ích kỷ”, từ đó làm cho “…địa vị nô lệ của con người đạt tới đỉnh điểm”.  Đây cũng chính là điều lý giải xã hội Việt Nam hôm nay đâu đó vẫn đang chứng kiến những sự “vô cảm”, “lạnh lùng”, “thờ ơ” của một bộ phận cán bộ, công chức hoặc cộng đồng xã hội trước những nỗi đau, sự bất hạnh của một số thành viên xã hội yếu thế. Thậm chí, ở một thái cực khác, đó là sự “bất chấp” đạo lý, pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước để được hưởng những đặc quyền, đặc lợi.
Nghiêm trọng nhất và biểu hiện tập trung của tha hóa nhà nước là tha hóa xã hội-chính trị. Khi xã hội thiết lập ra cho mình một cơ quan, chính quyền nhà nước để bảo vệ lợi ích chung của mình chống lại những đe dọa ở trong và ngoài nước, thì do tha hóa, cơ quan đó tự làm cho mình trở thành “một cái gì ở thế giới bên kia, xa lạ với bản chất, đối lập với xã hội”. Từ chỗ là quyền lực của nhân dân, quyền lực nhà nước đã trở thành lực lượng đứng trên nhân dân, quay trở lại thống trị nhân dân. “Cảnh sát, tòa án và các cơ quan hành chính không còn là đại biểu của bản thân xã hội công dân” và “Nhà nước chỉ còn tồn tại dưới dạng những lực lượng quan chức cụ thể khác nhau…”. Có thể nói, cuộc đấu tranh giữa Tự do và Quyền uy là đặc trưng nổi bật nhất trong phần lớn lịch sử và “kẻ cai trị bội ước lấn quyền” luôn là nguy cơ tiềm ẩn trong mọi loại hình thể chế. Do đó, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước là một yêu cầu tất yếu để bảo vệ các quyền tự do cá nhân.
Ngày 16 tháng 01 năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Theo đó, sự giảm sút niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong đó, những tồn tại, yếu kém của công tác thực thi, bảo vệ công lý thời gian qua đã và đang gây nhiều hoài nghi, bức xúc từ dư luận xã hội, là một yếu tố góp phần làm giảm sút đáng kể niềm tin và sự gắn bó của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
3. Công lý là khía cạnh quan trọng của sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân
Có thể nói, công lý chính là một trong những giá trị cốt lõi, nền tảng để thực hiện quản lý xã hội vì lợi ích của Nhân dân, chống lại những nguy cơ tiềm ẩn từ sự tha hóa đó. Công lý trước hết được quan niệm là sự tôn trọng tự do và các quyền cá nhân, sự tôn trọng con người và phẩm giá con người như những mục đích tự thân. Tự do là gì? Immanuent Kant, Voltaire khẳng định “Theo luật chứ không theo người, đấy chính là tự do”, hay ở khía cạnh khác, John Locke quả quyết: “Không có luật pháp thì không thể có tự do”. Công lý đòi hỏi chúng ta bảo vệ quyền con người của tất cả mọi người, bất kể họ sống ở đâu hay mức độ chúng ta quen biết họ, đơn giản chỉ vì họ là con người, có lý trí và vì thế đáng được tôn trọng. Cũng từ khía cạnh này, Geoffrey Cupit đã đề xuất một lý thuyết mới về bản chất của công lý với lập luận cho rằng bất công được hiểu là một hình thức của việc đối xử không phù hợp mà tiêu biểu là việc đối xử thấp hơn đối với vị trí một con người. Bất công do đó gần hơn với sự thiếu tôn trọng và khinh miệt vô căn cứ giữa con người với con người và công lý là cơ chế căn chỉnh đối với khiếm khuyết này [80]. Tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân. Chính vì vậy, một nhà nghiên cứu đã ví von luật về quyền con người chính là một thứ “luật chống lại chính phủ” bởi nó giới hạn, kiểm soát những hành vi vi phạm từ phía Nhà nước.
Công lý còn giúp xã hội trật tự, ổn định, gắn kết, nhân ái, hài hòa, đồng thuận. Trật tự ở đây hàm nghĩa duy trì hòa bình bằng cách chấm dứt bạo lực cá nhân. “Trật tự được xem là tồn tại ở nơi mà dân chúng của đất nước ấy, như một quy luật phổ biến, đã không còn phân xử các cuộc tranh chấp của mình bằng bạo lực cá nhân, cũng như đã học được thói quen trao cho giới chức công quyền giải quyết các tranh cãi và bồi thường thiệt hại”. Ở nước ta, trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội, do còn những mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn nhu cầu và lợi ích, sự khác biệt hay xung đột lợi ích nên thời gian qua, xung đột xã hội còn khá phổ biến, xảy ra ở nhiều lĩnh vực như lao động, đất đai, môi trường, tài nguyên…, gây căng thẳng hoặc đe dọa gây ra nhiều hậu quả về vật chất và tinh thần của đời sống xã hội. Có nhiều giải pháp để điều chỉnh, kiểm soát các xung đột loại này, trong đó, đồng thuận xã hội là một cơ chế hữu hiệu có thể giúp giải quyết thỏa đáng, kịp thời, triệt để những mâu thuẫn, xung đột nêu trên, hướng mọi thành viên xã hội vào sự cân nhắc, tôn trọng lợi ích của nhau trên cơ sở của sự đồng tình, nhất trí của đa số các thành viên trong xã hội về một vấn đề xã hội trên cơ sở những điểm tương đồng.
Trong một xã hội văn minh, công lý chính là “đại lượng công bằng” để dàn xếp những mâu thuẫn, xung đột không thể tránh khỏi xảy ra giữa các thành viên xã hội trên cơ sở nguyên tắc “trao cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng hưởng”, hay đó là nghĩa vụ “hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”. Chính vì vậy, hầu hết các tư tưởng, học thuyết về công lý đều khẳng định chức năng to lớn của công lý là một “giá trị chung”, là điểm “quy chiếu chung” của toàn xã hội trong việc phòng ngừa và giải quyết xung đột, duy trì sự hài hòa, ổn định, gắn kết và đồng thuận xã hội. Nhà luật học nổi tiếng  Hans Kelsen cho rằng, mong ước của loài người về công lý là mong ước bất diệt về hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà con người không thể tìm kiếm với tư cách là một cá nhân tách biệt mà phải tìm kiếm trong một xã hội, do đó, công lý là hạnh phúc xã hội. Còn nhà triết học Hungari Agnes Heller cho rằng, công lý luôn khởi nguồn và bám vững vào những giá trị cơ bản khác ngoài chính bản thân công lý như tự do và cuộc sống. Vì vậy, công lý là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống tốt đẹp và cuộc sống tốt đẹp chính là điều mà công lý hướng tới.
4. Công lý ngăn ngừa những khuyết tật của nền dân chủ đại diện
Trong lịch sử văn minh nhân loại, hình thức chính thể mang tính đại diện được đánh giá là hình thức chính thể lý tưởng tốt đẹp nhất bởi nó là chính phủ được toàn dân tham dự.  Tuy nhiên, một xã hội vận hành theo mô hình chính thể đại diện luôn tiềm ẩn một số “khuyết tật” cố hữu như nguy cơ của “lập pháp giai cấp”, “xu hướng thoái hóa của chế độ quan liêu”, “bạo hành đa số”, “đồi bại bởi quyền lực”. Trong đó, nguy cơ “chuyên chế của đa số”, bạo hành của đa số với thiểu số, với quyền tự do cá nhân luôn là một nguy cơ hiện hữu. Chính vì vậy, trong một cộng đồng xã hội, các giá trị của công lý, “tinh thần lẽ phải” hay “uy quyền đạo lý” mới là đối trọng trước quyền lực đa số, giảm nhẹ nguy cơ chuyên chế của số đông.
Các nhà nghiên cứu kinh điển cũng cho rằng khi các thiết chế của một đất nước tổ chức thành công càng nhiều các phẩm chất tốt và kiểu tổ chức càng tốt bao nhiêu thì chính thể đó càng ưu tú hơn bấy nhiêu. Pháp quyền dân chủ là chế độ sẽ mở ra một không gian rộng lớn cho sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Ở khía cạnh này, các giá trị của công lý mang lại một “sức mạnh đạo lý” và “tinh thần lẽ phải” sâu rộng trong toàn xã hội, khơi nguồn cho lòng dũng cảm cần thiết để phụng sự các giá trị pháp quyền và khi đó nhân dân sẽ “bảo vệ pháp luật như bảo vệ chốn nương thân của mình”.
5. Công lý đòi hỏi nhà nước phải có cơ chế thích hợp tạo sự tuân phục của người dân
Một xã hội ổn định, trật tự và thịnh vượng đòi hỏi mọi người dân luôn phải “tuân phục” pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế nào để người dân tuân phục pháp luật lại lại một lựa chọn đầy thách thức cho mỗi chính quyền. Nhà nghiên cứu người Pháp Alexis de Tocqueville cho rằng một chính phủ mà chỉ biết đánh nhau với dân để buộc dân tuân thủ luật pháp thì sẽ trực diện dẫn đến hai nguy cơ: Thứ nhất, nếu đó là một chính phủ yếu kém và ôn hòa thì nó chỉ dùng sức mạnh khi ở độ cùng cực và lờ đi một loạt những bất tuân lệnh cục bộ, khi đó Nhà nước dần dần rơi vào tình trạng vô chính phủ; Thứ hai, nếu đó là một chính phủ liều lĩnh và mạnh thì nó luôn luôn đem dùng sức mạnh, ta sẽ thấy chính phủ đó suy thoái dần dần thành bạo quyền thuần túy quân sự. Cả hai trường hợp này đều là thảm họa cho người dân. Từ khía cạnh này, Alexis de Tocqueville đã thật sâu sắc khi nhận định: “Một chính phủ mà chỉ biết đánh nhau với dân để buộc dân tuân thủ luật pháp thì hẳn là nó đã cận kề với thời kỳ tiêu tan rồi”.
Để thắng được sự chống đối và để tạo sự thuận nguyện tuân phục của người dân, các chính phủ chỉ có hai phương diện: Thứ nhất, dùng sức mạnh vật chất nằm ngay trong bộ máy chính quyền như quân đội, cảnh sát, tài chính…; Thứ hai, dùng “sức mạnh đạo lý” do các quyết định của tòa án đem lại. Như vậy, mục tiêu lớn nhất của nền tư pháp chính là thay thế tư tưởng dùng bạo lực bằng tư tưởng dùng quyền, sử dụng “lực đạo lý” thay cho “lực vật chất”, bằng cách đặt ra khâu can thiệp trung gian giữa cầm quyền và dùng sức mạnh vật chất. Để tạo sự thuận nguyện tuân phục pháp luật, các chính quyền cần phải đặc biệt quan tâm đến vai trò của tòa án trong bảo vệ công lý.
6. Công lý là phẩm chất mang tính phòng ngừa sâu sắc, bền vững
Ở khía cạnh đạo đức và luân lý, công lý là cơ chế có tính giáo dục và phòng ngừa sâu sắc. Công lý giúp mỗi cá nhân thành viên xã hội nuôi dưỡng, bồi đắp một trật tự nội tại, giúp hình thành sự tiết chế và khả năng tự kiểm soát, giữ cho mỗi thành viên trong xã hội không làm hại người khác. Công lý là mệnh lệnh “để ngăn chặn một người chiếm đoạt thứ mà thuộc về người khác hoặc ngăn chặn việc người khác chiếm đoạt những thứ thuộc về mình”, vì vậy, nó là phẩm hạnh giữ cho mỗi thành viên xã hội hợp tác, gắn kết chặt chẽ vì lợi ích chung của toàn xã hội; đồng thời thúc đẩy “tâm thức thận trọng” chiếm ưu thế, hạn chế “tâm thức liều lĩnh” trong hành vi của mỗi con người. Với nhận thức nêu trên, công lý được quan niệm là một hình thức luân lý đạo đức phổ biến mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ và nghĩa vụ đầu tiên của mỗi cộng đồng xã hội là phải công nhận và bảo vệ các giá trị nền tảng của công lý.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục THADS
Tài liệu tham khảo:
1. Alexis de Tocqueville (2006), Nền dân trị Mỹ (Phạm Toàn dịch), Nxb Tri thức.
2. Nguyễn Cảnh Bình (2009), Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? Nxb Tri thức.
3. TS.Nguyễn Thị Thanh Huyền (2010), Quan niệm của Các Mác về tha hóa và ý nghĩa của quan niệm đó đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia.
4. TS.Lê Tuấn Huy (2005), Triết học Chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
5. John Stuart Mill (2008), Chính thể đại diện (Nguyễn Văn Trọng và Bùi Văn Sơn Nam dịch), Nxb Tri thức.
6. GS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên) (2010), Xung đột xã hội - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
7. David Johnston (2011), A brief history of Justice, (Tóm lược lịch sử về công lý), Nxb Wiley-Blackwell.