Một số bất cập từ quy định của Luật cư trú và văn bản hướng dẫn - kiến nghị hoàn thiện

23/11/2015
 

Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú. Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.  Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc theo thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Cư trú, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007. Luật Cư trú được ban hành đã đánh dấu bước quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền tự do cư trú của công dân, gắn với yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đáp ứng kịp thời nhu cầu tư do đi lại và cư trú của công dân trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Quá trình thực hiện, Luật Cư trú năm 2006 đã bộ lộ một số hạn chế, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà khó khăn cho người dân và phía cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, để hoàn thiện hơn nữa các quy định trong lĩnh vực cư trú, đáp ứng yêu cầu quản lý cư trú đang bức thiết đặt ra, ngày 20/6/2013 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, có hiệu lực thi hành  từ ngày 01/01/2014 (gọi chung là Luật Cư trú). Để Luật Cư trú thật sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Cư trú (viết tắc Nghị định 31/2014/NĐ-CP), thay thế Nghị định 56/2010/NĐ-CP của Chính phủ.  Tiếp đến, ngày 09/09/2014, Bộ Công an đã ban hành 02 văn bản mới, bao  gồm: Thông tư số 35/2014/TT-BCA, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú và Thông tư số 36/2014/TT-BCA quy định cụ thể về biểu mẫu, quy cách, cách ghi và quản lý biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú. Các Thông tư này có hiệu lực áp dụng từ ngày 28/10/2014, thay thế Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an, quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú.

Luật Cư trú sau khi được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và quy định mới của những văn bản pháp lý về lĩnh vực cư trú được điều chỉnh, đã góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến chỗ ở của công dân và việc quản lý nhân khẩu của cơ quan Nhà nước, ngăn ngừa việc lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành cho thấy một số nội dung cụ thể của pháp luật cư trú vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn dẫn đến việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cư trú tại nhiều địa phương thiếu thống nhất, hiệu quả đạt được còn nhiều hạn chế. Cụ thể:

Thứ nhất, chưa thống nhất trong cách hiểu về nội dung của công tác đăng ký, quản lý cư trú. Tại Điều 1 Luật Cư trú quy định: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Theo quy định này, công tác đăng ký, quản lý việc cư trú được hiểu gồm 2 nội dung là: Đăng ký, quản lý thường trú và đăng ký, quản lý tạm trú. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2014/NĐ-CP có quy định về hộ khẩu theo Luật Cư trú, bao gồm các nội dung sau: a) Đăng ký, quản lý thường trú; b) Đăng ký, quản lý tạm trú; c) Thông báo lưu trú; d) Khai báo tạm vắng. Như vậy, nội dung quy định này thực chất là quy định về hộ khẩu. Hộ khẩu là một phương thức quản lý nhân khẩu của một số quốc gia tại Á Đông. Trong phương thức này, đơn vị quản lý xã hội là hộ gia đình, tập thể do một chủ hộ chịu trách nhiệm. Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp. Khi sinh ra, con được nhập theo hộ khẩu của cha mẹ. Hộ khẩu có liên quan đến các quyền lợi khác như: phân chia ruộng đất, nhà ở, lương thực, thực phẩm, việc làm, giấy tờ, tiêu chuẩn điện nước, trường học...Khi thay đổi chỗ ở, người dân phải thực hiện thủ tục thay đổi hộ khẩu. Với người dân nhập cư vào thành phố, việc thay đổi hộ khẩu này còn được gọi là nhập hộ khẩu. Hệ thống hộ khẩu hiện nay tồn tại ở các nước: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Sổ hộ khẩu đơn giản chỉ là giấy chứng nhận đăng ký thường trú của các hộ gia đình. Với mỗi quốc gia, việc đăng ký thường trú của công dân tại địa phương là cần thiết, không chỉ để quản lý cư trú mà còn để công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi của mình tại địa phương đăng ký. Phải có đăng ký cư trú thì chính quyền địa phương mới biết mình đang quản lý ai, dân số bao nhiêu, lực lượng lao động như thế nào…, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Và cũng chính quy định này, dẫn đến nhiều bất cập trong thực tế. Điều mà người dân lo ngại nhất là sổ hộ khẩu trở thành thứ giấy phép cản trở nhiều quyền lợi hợp pháp của công dân, ví dụ trẻ em sẽ không được tiếp nhận vào trường công nếu không có hộ khẩu tại địa phương đó, thực trạng này dễ nhận thấy nhất ở các khu công nghiệp tập trung, lượng công nhân từ các tỉnh về rất đông, họ vẫn có nhu cầu gửi con vào nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhưng vì không có hộ khẩu! Do vậy, chỉ còn cách để được tiếp nhận phụ huynh phải đóng nhiều tiền, gọi là ủng hộ quỹ xây dựng trường lớp tại địa phương đó,  trong khi đó, trẻ em có quyền bình đẳng trong học hành. Người viết đồng tình với quan điểm, phải dùng hộ khẩu để quản lý nhân khẩu, nhưng cần xác định đây chỉ là nghiệp vụ của ngành công an. Nhiều ngành, nhiều nơi đang lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt ra mục đích quản lý con người mà ngành công an đặt ra. Chẳng hạn, muốn dùng điện nước theo giá tiêu chuẩn thì phải có hộ khẩu; Muốn lắp đặt đồng hồ điện, đồng hồ nước phải là người chủ nhà, trong khi đó tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA chỉ quy định: “…Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.”

Thứ hai, chưa có sự phân biệt về điều kiện đăng ký thường trú áp dụng đối với công dân ngoại tỉnh với công dân ở ngoại thành khi đăng ký thường trú vào các quận nội thành. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú, quy định nếu công dân: “Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;” thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, mà theo đó:

- Tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên tại thành phố trực thuộc trung ương đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương đó.

- Tạm trú liên tục 2 năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

- Theo khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú ở nội thành:

a) Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú;

b) Các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định củaHội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Với quy định về điều kiện thời gian công dân đăng ký tạm trú để được đăng ký thường trú tại các quận nội thành, việc công dân trước đó có hộ khẩu thường trú ở tỉnh ngoài hay hộ khẩu tại ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương đó đều là như nhau. Trong khi đó, công dân ở tỉnh ngoài muốn nhập hộ khẩu thường trú vào các địa bàn ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương phải tạm trú tại địa phương đó từ đủ 1 năm trở lên. Từ thực tế đó theo quan điểm người viết, cần thiết có sự phân biệt giữa hai trường hợp vừa nêu dưới góc độ điều kiện đăng ký thường trú để đánh giá đúng tính chất cư trú, cũng như các tác động về sức ép dân số đối với các thành phố trực thuộc Trung ương nói chung.

Liên quan đến vấn đề đăng ký nơi thường trú, hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú); Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP.  Nếu chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Nếu người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho thường trú bằng văn bản vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương. Theo quy định hiện hành thì diện tích tối thiểu nhà ở để nhập hộ khẩu với người ở thuê, ở nhờ là 5m2/người. Tuy nhiên, mới đây ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dự thảo và đang lấy ý kiến theo đề xuất của Sở Xây dựng và Công an TP Hồ Chí Minh. Theo đó dự thảo quy định diện tích nhà ở bình quân/người để áp dụng khi người dân đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng lên là 16m²/người đối với địa bàn 19 quận và 8m² sàn/người đối với 5 huyện. Việc tăng này nhằm mục đích giải quyết tình trạng thuê, mượn và nhập nhờ vào hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không bảo đảm diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định... tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, phần lớn người nhập cư và lao động có thu nhập thấp đang thuê nhà tại các quận trên địa bàn thành phố với diện tích rất nhỏ (trung bình chỉ dưới 10m2/người), do đó, diện tích mà các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang đề xuất vô tình đánh mất cơ hội cho nhiều đối tượng đang có nhu cầu đăng ký hộ khẩu. Người viết cũng đồng tình với ý kiến này, đề xuất tăng diện tích như thế là không hợp lý và cũng không thực tế, bởi người có nhu cầu nhập hộ khẩu ngày càng đông, nhưng diện tích nhà ở xây dựng mới không thể theo kịp.

Một bất cập khác, Luật Cư trú hạn chế người nhập hộ khẩu vào nội thành, thành phố trực thuộc trung ương bằng rào cản kéo dài thời hạn tạm trú, nhưng thực tế cho thấy quy định này chỉ hạn chế nhập khẩu chứ không hạn chế được nhập cư. Theo thống kê, hằng năm, thành phố Hồ Chí Minh phải "đón" hàng chục nghìn người nhập cư, trong đó phần lớn là lao động và sinh viên. Số liệu từ Ban quản lý Khu chế xuất và Khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố cho biết, hiện có trên 268.800 lao động trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, trong đó có tới trên 180.600 lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác (chiếm trên 67,4%) mà phần lớn trong số này chưa có chỗ ở phù hợp nên rất khó "an cư". Số lượng người dân cư trú từ các tỉnh, thành phố khác đến làm ăn là xu hướng tất yếu. Điều này cũng đồng nghĩa, nhu cầu nhập hộ khẩu vào Thành phố hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về nhập khẩu đã gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là đối tượng nhập cư, lao động có thu nhập thấp dẫn tới có một tỷ lệ lớn người dân tạm trú không ổn định gây khó khăn trong quản lý cư trú và ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Hơn thế nữa, việc khó khăn trong nhập khẩu còn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người dân khi con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về cơ hội học tập, chăm sóc y tế,... Việc quy định tăng thời hạn tạm trú chưa phải là giải pháp tối ưu giải quyết được vấn đề “hạ nhiệt” mật độ dân cư tăng rất nhanh theo từng năm tại các quận nội thành và cũng không đáp ứng hết được công tác quản lý nhà nước về dân cư, nhất là khu vực nội thành của các thành phố lớn mà ngược lại càng gây khó khăn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Quy định phải tạm trú 02 năm hoặc 03 năm vừa làm khó người dân vừa bất hợp lý, vì như thế họ phải tạm trú trên chính ngôi nhà của mình.

Thứ ba, bất cập trong phân cấp thẩm quyền đăng ký thường trú tại các địa bàn trung tâm. Theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 21 Luật Cư trú: “Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

 b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh”. Thẩm quyền giải quyết việc đăng ký thường trú của công dân được quy định tại Điều 9 của Thông tư 35/2014/TT-BCA, cụ thể: Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh, thẩm quyền thuộc về trưởng Công an xã, thị trấn; trường hợp công dân đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thẩm quyền đăng ký thuộc về trưởng Công an quận, huyện, thị xã đó. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Công an xã, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân và theo quy định tại khoản 5 Điều 9 của Pháp lệnh này, Trưởng công an xã có nhiệm vụ thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác… Trong khi đó, tại quận, huyện, thị xã, thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt tại các quận nội thành, Cảnh sát khu vực, Trưởng Công an phường, thậm chí là Đội trưởng đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, là lực lượng Công an chính quy, nhưng lại không được giao thẩm quyền đăng ký thường trú, mà thẩm quyền này thuộc về Trưởng Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Hơn nữa, địa bàn trung tâm là những địa bàn đông dân cư, tính chất cư trú phức tạp, có địa bàn lên đến hàng vạn nhân khẩu, người đứng đầu Công an một quận với rất nhiều các đầu việc cần giải quyết trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Người viết cho rằng, phải chăng pháp luật đã giao cho Trưởng công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương công tác quản lý thường trú của công dân trên địa bàn là chưa thật sự phù hợp với thực tiễn, việc đặt bút ký duyệt của lãnh đạo Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương cho công dân đăng ký thường trú nhưng thực tế lại không biết công dân đó là ai, cư trú như thế nào mà hoàn toàn chỉ dựa vào hồ sơ do cấp dưới đề xuất. Đây là một nghịch lý đang tồn tại rất phổ biến ở các thành phố trực thuộc trung ương, khi mà tốc độ đô thị hóa tăng nhanh như hiện nay. Do đó, theo người viết để phù hợp với thực tế, nên phân cấp thẩm quyền quản lý đăng ký thường trú về cơ sở, mà cụ thể là trao cho trưởng Công an cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) đối với các địa bàn là đô thị. Điều này sẽ đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của người có thẩm quyền ký duyệt với đối tượng là công dân trong diện đăng ký thường trú.

Mặt khác, về nơi cư trú của công dân, tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, có quy định: “ Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại Khoản 1 Điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.”Bởi quy định này chỉ dừng lại như thế, nên trong thực tiễn áp dụng sẽ phát sinh vướng mắc, đó là: Bất luận khi thuộc trường hợp quy định trên thì Công an xã, phường, thị trấn được quyền xác nhận. Nhưng có ý kiến khác cho rằng, do pháp luật quy định giải quyết việc công dân đăng ký thường trú tại địa bàn quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thẩm quyền của trưởng Công an quận, huyện, thị xã đó, nên với trường hợp xác nhận nơi cư trú theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, phải thuộc thẩm quyền của Công an xã, phường, thị trấn thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà thôi. Nên đây cũng là bất cập cần được quy định theo hướng thống nhất chung, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và kể cả chủ thể có thẩm quyền thực thi công vụ.

Thứ tư, bất cập trong một số trường hợp xóa đăng ký thường trú.Theo quy định tại khoản 1 Điều 22  Luật Cư trú, quy định về những trường hợp xóa đăng ký thường trú:

“a) Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Ra nước ngoài để định cư;

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.”

Qua nghiên cứu thấy rằng, trường hợp công dân đã đăng ký thường trú mà ra nước ngoài định cư, Luật Cư trú hiện hành không quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh với Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Do đó, cơ quan quản lý thường trú công dân không có cơ sở để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Dẫn tới việc hồ sơ quản lý thường trú công dân vẫn có, song thực tế, công dân lại không sinh sống tại Việt Nam. Đây là một thực tế đang tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước. Cũng tương tự như vậy đối với trường hợp công dân chuyển đi nơi khác nhưng không làm thủ tục chuyển hộ khẩu, hoặc người đang chấp hành án phạt tù chung thân tại các trại giam cũng không thuộc diện xóa đăng ký thường trú, dù rằng theo quy định về việc giảm án tha tù, những người đang chấp hành án chung thân vẫn có cơ hội trở về tái hòa nhập với cộng đồng, nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLHS, họ phải bảo đảm chấp hành án thời hạn thực tế là 20 năm. Nghĩa là trong suốt thời gian 20 năm phải chấp hành án, họ không có mặt tại địa phương nơi đã đăng ký thường trú, điều này dẫn tới sự khác biệt giữa quản lý hồ sơ và quản lý thực tế việc công dân cư trú.

Thứ năm, Luật Cư trú cũng chưa quy định cụ thể về cách hiểu và áp dụng đối với cụm từ “thường xuyên sinh sống”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP: “Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”. Vậy hiểu như thế nào là thường xuyên? Ví dụ, anh A đăng ký thường trú tại địa phương, nơi gia đình vợ con anh đang sinh sống, đây cũng là chỗ ở hợp pháp của bản thân anh A, nhưng phải thường xuyên vắng nhà do yêu cầu công việc của công nhân xây dựng, nên mỗi khi các hạng mục của công trình của Công ty hoàn thành xong, họ phải chuyển đến địa bàn khác để tiếp tục xây dựng công trình khác, mỗi nơi như vậy trung bình họ sống tại địa phương có công trình đó với thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng, cứ như thế họ có thể đi đến nhiều địa bàn khác nhau, có thể rừng núi hẻo lánh cũng có thể ở vùng đồng bằng, đô thị…Tại mỗi nơi họ dừng chân, như thế có được coi là thường xuyên sinh sống không? Vì quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một nơi ở, mà nơi đó là chỗ ở hợp pháp và cũng là nơi công dân đó thường xuyên sinh sống. Rõ ràng các điều kiện mà nhà làm luật đưa ra trong quy định vừa nêu có mối quan hệ bắt cầu và bổ sung cho nhau, điều kiện này là tiền đề của điều kiện kia, nếu thiếu một trong hai điều kiện đã nêu thì không thể thỏa quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP.Trong khi đó, cụm từ “thường xuyên sinh sống” chưa được giải thích cụ thể và chỉ là yếu tố định tính, dẫn tới cách hiểu và cách áp dụng ở mỗi địa phương là không giống nhau. Có nơi coi việc công dân mỗi tháng cư trú 2 - 3 tuần là thỏa mãn quy định “thường xuyên sinh sống”, nhưng cũng có nơi lại quy định công dân phải cư trú tuy không liên tục, nhưng ít nhất từ 09 tháng trở lên trong một năm mới được coi là “thường xuyên sinh sống”. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP trường hợp của anh A trong ví dụ trên, anh ấy có nơi thường trú không? Và trong thực tế hiện nay, trường hợp như anh A là rất và rất phổ biến. Do vậy, để giúp lực lượng công an tại địa phương thực hiện nhiệm vụ đăng ký, quản lý việc cư trú của công dân nói chung được thuận lợi và thống nhất khi áp dụng, rất cần quy định cụ thể vấn đề này.

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về cư trú hiện hành cũng như một số kiến nghị, đề xuất khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú đối với công dân. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi cùng Quí bạn đọc.

Ths. Lê Văn Sua