Luật sư bị từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của luật luật sư cần được hướng dẫn

01/01/0001
 

“Giữa tháng 9, luật sư Đinh Văn Lương (Đoàn Luật sư TP.HCM) được mẹ bị can Trần Nhật Hoàng – người bị Cơ quan CSĐT công an TP.HCM khởi tố về hành vi đánh bạc mời tham gia bảo vệ cho Hoàng từ giai đoạn điều tra. Luật sư Lương làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa thì Điều tra viên C. thông báo từ chối vì bị can có đơn xin từ chối luật sư! Luật sư Lương đề nghị cho xem văn bản từ chối của bị can thì Điều tra viên C. không đáp ứng. Ngày 01/10 từ trại tạm giam, đích thân bị can Hoàng viết đơn mời luật sư Lương. Điều tra viên C. lại giải thích theo hướng từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với một lý do là giữa luật sư và gia đình bị can có mối quan hệ bà con thân thích.

Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định) kể đầu tháng 02/2013, gia đình bị can Tống Thị Bích - người bị Công an huyện Nam Trực khởi tố, bắt tạm giam về hành vi chống người thi hành công vụ - nhờ ông tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra. Để có giấy chứng nhận người bào chữa, ông đã nộp hồ sơ, sau đó tìm nhiều cách liên hệ với điều tra viên lấy kết quả nhưng bất thành. Hơn một tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Trực thông báo là bị can Bích từ chối luật sư. Trao đổi với luật sư, gia đình bị can Bích đều rất bất ngờ về ý kiến từ chối luật sư này. Cả ông và gia đình bị can đều nghi ngờ việc từ chối đó nhưng không thể tiếp xúc bị can để hỏi cho rõ ngọn ngành. Theo yêu cầu của gia đình bị can, luật sư Trai đã gửi văn bản đề nghị cơ quan điều tra bố trí buổi gặp trực tiếp giữa bị can, đại diện gia đình và luật sư theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an, quy định chi tiết thi hành các quy định của BLTTHS liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Mục đích là để giải thích rõ về quyền được bào chữa và trực tiếp nghe nguyện vọng của bị can Bích. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Cơ quan điều tra từ chối.

Ngày 11/3/2013, luật sư Trai đã phản ánh vụ việc đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Sau khi họp, Ủy ban Giám sát Đạo đức đề xuất Liên đoàn lên tiếng ngay để bảo vệ quyền hành nghề của luật sư. Một tuần sau, Liên đoàn đã có công văn gửi VKS, Công an huyện Nam Trực và tỉnh Nam Định đề nghị chấp thuận yêu cầu chính đáng của luật sư Trai…”[1]

“Ngày 22/6/2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Đơn kiến nghị của luật sư Đoàn Văn Phương thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng đề nghị giải quyết yêu cầu cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư. Theo Đơn kiến nghị, luật sư Phương nhận bào chữa miễn phí cho ông Lê Minh Phương - người bị Cơ quan Điều tra hình sự khu vực - Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng khởi tố về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ngày 10/6/2015, luật sư Phương đã đến trụ sở Cơ quan Điều tra hình sự khu vực - Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng gặp trực tiếp Điều tra viên Phùng Viết Quyến để nộp các giấy tờ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận bào chữa gồm: Giấy giới thiệu, bản chụp Thẻ luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư và đơn yêu cầu của bị can. Tuy nhiên, theo trình bày của luật sư Phương thì Điều tra viên Quyến không nhận với 02 lý do: (1) Lãnh đạo nghỉ phép không biết bao giờ quay lại cơ quan làm việc và không ủy quyền cho ai nên không ai ký Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; (2) Người ký Giấy giới thiệu và người được giới thiệu là một người – không hợp hiến, hợp pháp, nên yêu cầu cơ quan quản lý luật sư ký giấy giới thiệu luật sư.”[2]

Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) có quy định:“Luật sư chỉ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư;

b) Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;

c) Luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch;

d) Luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

…”.

Đây là nội dung hoàn toàn mới so với quy định Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư năm 2006 và chỉ được quy định bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư số 20/2012/QH13. Quy định này ghi nhận vai trò quan trọng của đội ngũ luật sư trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và minh bạch hóa những trường hợp theo luật định mà cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án được quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư khi tác nghiệp. Tuy nhiên, từ khi Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về nhận thức khi thi hành quy định này, do vậy trong thực tiễn áp dụng đã nảy sinh những cách hiểu khác nhau giữa giới luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí giữa những người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự đó cũng chưa thống nhất về cách hiểu quy định trên, cụ thể:

Thứ nhất: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối luật sư. Từ thực tiễn trên cho thấy, quy định của pháp luật về việc bảo đảm quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong nhiều trường hợp không được người tiến hành tố tụng trong vụ án đó tôn trọng, mà còn tìm mọi cách để có hành vi ngăn cản sự có mặt của luật sư ngay từ giai đoạn ban đầu. Thật sự nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối luật sư tham gia thì luật sư đó có được cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án đó đáp ứng đề nghị được xem văn bản từ chối mà chính tay người bị tạm giữ, bị can, bị cáo viết không? Nếu được thì trong thời hạn tối đa bao nhiêu ngày đề nghị đó phải được đáp ứng? Điều này rất cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tránh việc luật sư bị “làm khó” khi tác nghiệp, đồng thời người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và cả những người thân của họ sẽ an tâm hơn khi có luật sư mà họ tin tưởng gửi trọn niền tin vào hoạt động tranh tụng theo quy định của pháp luật tố tụng.

Thứ hai: Người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư” Theo quy định này, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án theo thẩm quyền được từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa đối với luật sư, khi: i) Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối luật sư; ii) Người đại diện hợp pháp cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư theo chỉ định của cơ quan đang tiến hành hoạt động tố tụng vụ án. Nhưng trong thực tiễn có những trường hợp sau nếu xảy ra thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án theo thẩm quyền có được từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư không? Đó là:

-Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ chối luật sư bào chữa theo chỉ  định cho mình, nhưng người đại diện hợp pháp của họ (cha, mẹ hoặc anh, chị,…) lại đề nghị chính luật sư được chỉ định là người tham gia bào chữa;

-Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên chấp nhận luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định cho mình, nhưng người đại diện hợp pháp của họ (cha, mẹ hoặc anh, chị,…) lại đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư đó;

-Trường hợp bị can, bị cáo là người có nhược điểm về thể chất từ chối luật sư bào chữa theo chỉ định cho mình, nhưng người đại diện hợp pháp của họ (cha, mẹ hoặc anh, chị,… của bị can) lại đề nghị chính luật sư được chỉ định là người bào chữa;

-Trường hợp bị can, bị cáo là người có nhược điểm về thể chất chấp nhận luật sư tham gia bào chữa cho mình theo chỉ định, nhưng người đại diện hợp pháp của họ  (cha, mẹ hoặc anh, chị,…) lại đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư đó.

Theo quan điểm của người viết, trong các trường hợp vừa nêu cho dù giữa bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và người đại diện hợp pháp của họ có quan điểm khác nhau về việc chấp nhận hay không chấp nhận luật sư theo chỉ định thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết theo thẩm quyền vụ án đó đều phải cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư để họ thực hiện quyền bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất trong vụ án, vì theo quy định tại Điều 57 BLTTHS năm 2003:

“1. Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

…”

Theo quy định này, quyền được lựa chọn người bào chữa đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc có nhược điểm về thể chất được pháp luật tố tụng bảo đảm, ngay như sự lựa chọn đó giữa họ theo hướng không mời người bào chữa, thì cơ quan đang tiến hành tố tụng vụ án đó vẫn phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên nếu họ là người của tổ chức mình (điểm a, b khoản 2 Điều 57 BLTTHS). Để thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn quy định này tại Tiểu mục d2, Mục 3, Phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP) có quy định: Trường hợp yêu cầu từ chối người bào chữa (kể cả trường hợp đã có yêu cầu từ chối người bào chữa trước khi mở phiên tòa), thì Hội đồng xét xử cần phải giải thích cho họ biết người bào chữa sẽ giúp bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo và chi phí cho người bào chữa do Tòa án thanh toán.

Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến từ chối người bào chữa thì cần phải ghi vào biên bản phiên tòa và tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung mà không có sự tham gia của người bào chữa đã dược cử. Nếu chỉ có bị cáo từ chối người bào chữa, còn người đại diện hợp pháp của bị cáo không từ chối người bào chữa hoặc chỉ có người đại diện hợp pháp của bị cáo từ chối người bào chữa, còn bị cáo không từ chối người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử.”

Thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 57 BLTTHS năm 2003 và điểm a khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 - viết tắc LLS) vẫn còn có các cách hiểu khác nhau, trong điều kiện hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể quy định tại điểm a khoản 4 Điều 27 LLS, thiết nghĩ cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng quy định này vào thực tiễn nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, bởi họ là những đối tượng mà chính sách pháp luật hình sự của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm.

Thứ ba: Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Thực chất nội dung của quy định này nhằm bảo đảm sự vô tư của người được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án đó, hướng đến tôn trọng sự thật khách quan mà không bị một “áp lực” nào từ các mối quan hệ về mặt gia đình, xã hội chi phối. Theo quy định này, nếu luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý hồ sơ vụ án đó, được quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư mà phía người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã đề nghị. Nhưng hiểu thế nào là người thân thích? Theo Từ điển Tiếng Việt, người thân (d) người có quan hệ ruột thịt hoặc gắn bó thân thiết với mình; thân thích (d) người có quan hệ họ hàng gần – Bà con thân thích (NXB Đà Nẵng, 1998, tr 676, 892). Thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn thống nhất nhận thức trong áp dụng quy định trên, bởi thực tế đã có những trường hợp luật sư bị từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho bị can trong vụ án, với lý do mà cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án đó đưa ra là luật sư và Điều tra viên đã được phân công điều tra vụ án đó, từng công tác chung trong ngành, do vậy giữa họ chắc chắn tồn tại mối quan hệ gắn bó thân thiết với nhau; hoặc có trường hợp vì cho rằng Điều tra viên đã được phân công điều tra vụ án đó từng là học trò cũ của vị luật sư mà phía bị can yêu cầu tham gia bào chữa, nên cũng bị từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa;… Ngoài ra, còn nhiều trường hợp luật sư bị từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa mà lý do phía cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra hoàn toàn không dựa vào cơ sở pháp lý nào, dù rất bức xúc nhưng luật sư cũng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định lý do mà họ bị từ chối là xác đáng. Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu hoàn thiện hướng dẫn cụ thể quy định tại điểm b khoản 4 Điều 27 LLS, nhằm thống nhất trong áp dụng.

Tham khảo những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2003: Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo;

Để thống nhất trong nhận thức và áp dụng, tại Điểm b Mục 4 Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP, có quy định: “Người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo là người có quan hệ sau đây với một trong những người này:

- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;

- Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;

- Là cụ nội, cụ ngoại của một trong những người trên đây; là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; là cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.”

Từ hướng dẫn trên, theo quan điểm của người viết để quy định tại điểm b khoản 4 Điều 27 LLS không bị lạm dụng một cách tùy tiện, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng hướng dẫn tại Điểm b Mục 4 Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP mà từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư khi có căn cứ xác định luật sư đó là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó, nếu thuộc một trong các trường hợp liệt kê tại hướng dẫn trên. Ví dụ: Có căn cứ xác định Luật sư đề nghị cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho bị can trong vụ án, là vợ của Điều tra viên được phân công điều tra vụ án đó hoặc là cậu ruột của Thẩm phán được phân công xét xử vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận hồ sơ đề nghị có quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Nếu được như vậy sẽ tạo điều kiện bảo đảm tốt hơn cho luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo. Thực tiễn xét xử còn cho thấy, không chỉ có mối quan hệ là người thân thích với nhau giữa luật sư và người được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án, có thể sẽ làm sự thật, khách quan của vụ án; sự bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng trong vụ án bị ảnh hưởng mà còn có thể có những trường hợp tuy mối quan hệ giữa họ không phải là người thân thích nhưng dưới sự tác động của nó sẽ làm cho họ không thật sư vô tư khi giữa họ cùng tham gia trong vụ án với tư cách là người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký Tòa án), người tham gia tố tụng là người bào chữa cho bị can hoặc bị cáo, đó là trường hợp giữa luật sư và người đã được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án đó đang tồn tại quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,... mà có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ được phân công. Ví dụ: Hội thẩm là anh em kết nghĩa với luật sư; Thẩm phán là con rể của luật sư; ... Mặc dù thực tiễn xét xử cho thấy, các mối quan hệ này đã có sức chi phối ảnh hưởng không nhỏ sự vô tư trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của người được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án đó,  nhưng nội dung này LLS hiện hành không quy định thuộc trường hợp luật sư bị từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Từ thực tiễn đó, theo quan điểm của người viết đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thật thận trọng khi đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 27 LLS trong thời gian tới cho phù hợp và đồng bộ hơn với các quy định của BLTTHS khi được Quốc hội thông qua.

Ths. Lê Văn Sua

[1] http://liendoanluatsu.org.vn/news/Ky-nang-Nghiep-vu/Lam-kho-luat-su-Bai-1-Hanh-tu-khau-cap-giay-chung-nhan-428/

 [2]http://liendoanluatsu.org.vn/vi/news/Lien-doan-luat-su/Co-quan-Dieu-tra-hinh-su-khu-vuc-Tong-cuc-Cong-nghiep-quoc-phong-giai-quyet-kip-thoi-kien-nghi-cua-Lien-doan-luat-su-Viet-Nam-1104/