Các nguyên tắc khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

01/08/2012
Dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rõ những nguyên tắc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng những nguyên tắc đó chỉ mới nhấn mạnh về tính chất kỹ thuật của việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà chưa chú ý đến các khía cạnh khác của hoạt động này. Việc xác định các nguyên tắc xây dựng pháp luật phải vừa xuất phát từ thực tế khách quan, từ đường lối chính trị của đất nước vừa xuất phát từ bản chất, vai trò của pháp luật để đảm bảo việc thể hiện đầy đủ ý chí và lợi ích của nhà nước, nhân dân trong các qui định pháp luật.

Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là những tư tưởng chỉ đạo phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan tới quá trình "nâng" ý chí nhà nước lên thành pháp luật. Đây là những cơ sở quan trọng của toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật, đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình ban hành, sửa đổi hay bãi bỏ các qui phạm pháp luật phải nghiêm chỉnh tuân theo. Theo Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam năm 2008 thì nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ gồm có:

“1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.

5. Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các nguyên tắc xây dựng pháp luật không chỉ có như Luật đã quy định mà để hoạt động xây dựng pháp luật bảo đảm được thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu hợp pháp, hợp với thực tiễn… thì hoạt động xây dựng pháp luật phải tuân theo các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguyên tắc này xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Đường lối chính sách của Đảng luôn giữ vai trò chỉ đạo đối với nội dung, phương hướng xây dựng pháp luật của Nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết, là bảo đảm cao nhất cho sự ra đời tồn tại và phát triển của Nhà nước. Mọi hoạt động của Nhà nước đều có sự lãnh đạo của Đảng trong đó có hoạt động xây dựng pháp luật đó là yêu cầu có tính khách quan và trở thành nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc tối cao đối với hoạt động của hệ thống chính trị, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động chính trị, kinh tế và quốc phòng. Đảng phải xác định những phương hướng chủ yếu, kế hoạch và nội dung chính của hoạt động xây dựng pháp luật bảo đảm tính đảng và tính khoa học đối với hoạt động này. Những nghị quyết, văn kiện của Đảng là cơ sở vững chắc cho hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước.

Thông qua Nhà nước, Đảng lãnh đạo việc quản lý xã hội bằng pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không bao biện làm thay chức năng của Nhà nước và văn kiện của Đảng tất nhiên không phải là pháp luật. Bởi vậy, Nhà nước phải cụ thể hoá nó bằng những qui phạm pháp luật.

Trong công tác xây dựng pháp luật Đảng lãnh đạo bằng cách đưa ra đường lối đúng đắn và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh khách quan của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng mà có những chủ trương, biện pháp cho phù hợp từ đó Nhà nước có cơ sở cho việc cụ thể hoá thành những quy định pháp luật. Muốn vậy Đảng phải nắm chắc qui luật khách quan của sự vận động và phát triển xã hội, thực trạng của nền kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội trong nước và những quan hệ đối ngoại thì đường lối của Đảng được đề ra sẽ luôn có tính khoa học, phù hợp với quy luật phát triển xã hội và dễ được thực hiện nhất.

Đảng thông qua Nhà nước đào tạo và tuyển chọn những người có đức, tài, có năng lực vào các cơ quan Nhà nước, có đủ năng lực chuyên môn và trình độ pháp lý làm công tác xây dựng pháp luật. Những người này được Đảng giao phó và nhân dân tín nhiệm, là cầu nối liền giữa Đảng và Nhà nước ở các cấp, có khả năng nắm chắc đường lối chủ trương của Đảng, biết thể chế hoá một cách đúng đắn đường lối chủ trương đó thành pháp luật của Nhà nước.

Thông qua hệ thống các cơ quan Nhà nước, Đảng kiểm tra giám sát nắm tình hình và đánh giá các hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước, góp ý kiến cho Nhà nước sửa chữa những lệch lạc thiếu sót trong công tác này. Thông qua công tác này Đảng còn kiểm tra, kiểm nghiệm được sự đúng đắn của các chính sách của Đảng trong hoạt động của nhà nước để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đảng lãnh đạo nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước, tạo mọi điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình về mọi mặt.

Nguyên tắc khách quan

Pháp luật là hiện tượng có tính khách quan, pháp luật sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phản ánh đúng nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhà làm luật không tự làm ra luật, họ chỉ ghi nhận những quy luật phát triển của xã hội bằng những ký tự được gọi là quy phạm pháp luật. Bất luận trong khía cạnh nào, pháp luật cũng là sự nhận thức chủ quan của con người đối với thế giới khách quan, con người nhận thức tồn tại xã hội rồi đưa ra các quy tắc xử sự chung (pháp luật). Do vậy, quá trình xây dựng pháp luật phải phản ánh được những yêu cầu khách quan về sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội nhất định. Nội dung của các quy định pháp luật phải phù hợp với các quy luật khách quan, bảo đảm phát huy vai trò tích cực của pháp luật đối với đời sống xã hội.

Bảo đảm tính khách quan là đặc trưng cơ bản trong mọi hoạt động của Nhà nước, nhằm đảm bảo sự cân đối hợp lý không mâu thuẫn của sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội. Vì vậy, hoạt động xây dựng pháp luật phải dựa trên nguyên tắc khách quan mới bảo đảm sự kịp thời và phù hợp với yêu cầu vận động và phát triển của xã hội.

Để đảm bảo nguyên tắc khách quan trong xây dựng pháp luật thì trước khi bắt tay vào xây dựng pháp luật cần nghiên cứu sâu sắc thực tiễn xã hội, các quá trình kinh tế, chính trị, tư tưởng, tâm lý xã hội; đặc điểm dân cư, nhu cầu của các tầng lớp, các nhóm nghề nghiệp; vấn đề dân tộc và sắc tộc… thông tin từ việc nghiên cứu này sẽ là cơ sở tốt để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Ngoài ra còn phải nghiên cứu thực tiễn pháp lý trước đó như thực tiễn quản lý, thực tiễn xét xử, hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong xã hội...

Mặt khác nguyên tắc khách quan còn đòi hỏi phải luôn đặt các quy định pháp luật trong mối liên hệ với sự phát triển về mọi mặt của xã hội và làm sao để xây dựng được các quy định pháp luật phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước. Các dự án luật phải được nhiều cơ quan tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, đặc biệt là cần có nhiều phương án để cho các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn. Sau khi đã có phương án điều chỉnh cần phải có sự thẩm định về các mặt kinh tế xã hội, khoa học…, nếu thực hiện tốt nguyên tắc này hoạt động xây dựng pháp luật sẽ mang lại hiệu quả cao.

Nguyên tắc khoa học

Nguyên tắc này không chỉ đòi hỏi đối với nội dung của các quy định pháp luật mà còn đòi hỏi đối với cả hình thức thể hiện của chúng. Về nội dung các quy định pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở những thành tựu khoa học mới nhất, về hình thức bố cục, cấu trúc, cách thức trình bày các quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật... phải mang tính khoa học. Xây dựng pháp luật trên cơ sở khoa học chính là điều kiện để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả thực tế của các văn bản, quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc khoa học là yêu cầu chung đối với hoạt động xây dựng pháp luật, nó cho phép loại trừ những mâu thuẫn của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định pháp luật. Tính khoa học trong hoạt động xây dựng pháp luật đòi hỏi phải nhận thức đựơc qui luật khách quan của xã hội, biết sử dụng những thành tựu của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học pháp lý, biết phân tích dự đoán đúng đắn các số liệu về kinh tế, kỹ thuật... phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Mỗi một quy phạm phải được sắp xếp lôgíc, hợp lý, mang tính hệ thống trong văn bản. Nội dung văn bản phải chính xác, biểu đạt rõ ràng, dễ hiểu. Tính khoa học còn được biểu hiện ở kế hoạch xây dựng pháp luật chặt chẽ và có tính khả thi, các hình thức thu thập tin tức, xử lý thông tin, tiếp thu ý kiến của nhân dân, ở việc thông qua, công bố văn bản pháp luật...

Xây dựng pháp luật cần phải dựa trên những luận cứ khoa học đầy đủ, chứ không phải do ý thích của các nhà làm luật. Chẳng hạn, các quy định pháp luật về độ tuổi kết hôn đối với nam và nữ là là bao nhiêu nhà làm luật phải xem xét về mặt khoa học, căn cứ vào sự phát  triển tâm sinh lý của con người, tương lai của trẻ thơ...      

Nguyên tắc dân chủ

Nguyên tắc này xuất phát từ nhu cầu tham gia rộng lớn của nhân dân và đảm bảo cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật nhằm làm cho pháp luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mặt khác nó cho phép phát huy được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật, đồng thời cũng góp phần nâng cao hơn ý thức pháp luật của nhân dân.

Nếu quần chúng, nhân dân càng tham gia rộng rãi và tích cực vào công việc xây dựng pháp luật thì các quy định pháp luật càng đảm bảo đầy đủ và toàn diện hơn lợi ích, ý nguyện của họ. Sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật sẽ là điều kiện để đảm bảo sự thực hiện pháp luật nghiêm minh và có hiệu quả sau này. Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như bầu các đại biểu tham gia hoạt động vào các cơ quan nhà nước các đại biểu này có quyền quyết định những vấn đề cơ bản của công tác xây dựng pháp luật. Thông qua các tổ chức xã hội thực hiện phản biện dự án luật, đóng góp ý kiến cho cơ quan, tổ chức để trình dự án luật (đóng góp ý kiến bằng miệng, bằng văn bản; phát biểu ở các hội nghị, viết bài cho báo chí; gửi thư điện tử...). Để đảm bảo nguyên tắc này thì nhà nước phải không ngừng mở rộng dân chủ, các cơ quan nhà nước phải thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đông đảo và phải coi đó là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

 Nguyên tắc này phải được quán triệt từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, với mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm của quá trình đó hình thức và mức độ thể hiện sự tham gia của nhân dân sẽ khác nhau.

Nguyên tắc pháp chế

 Nguyên tắc pháp chế trong xây dựng pháp luật được thể hiện ở hai nội dung cơ bản:

Một là, tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành pháp luật. Để đảm bảo các quy định pháp luật khi đã được ban hành có giá trị pháp lý, thì chúng phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục về nội dung cũng như hình thức. Điều này có nghĩa là các cơ quan nhà nước chỉ được ban hành những văn bản pháp luật phù hợp với thẩm quyền của mình, theo một trình tự thủ tục luật định, với những hình thức qui định trong Hiến pháp và luật.

Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi các quy định pháp luật phải thống nhất với nhau không mâu thuẫn chồng chéo, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và phải tôn trọng tính tối cao của hiến pháp và luật (các văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp).

Đảm bảo  nguyên tắc pháp chế trong xây dựng pháp luật sẽ tránh được tình trạng ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền, tránh được tình trạng “Pháp luật từng địa phương”, “Pháp luật riêng của từng vùng, ngành” tránh được sự chồng chéo, sai phạm ở nội dung và hình thức các loại văn bản pháp luật.

Nguyên tắc bảo đảm sự hài hoà về lợi ích giữa các lực lượng xã hội

Pháp luật phụ thuộc ý chí của nhà nước, xuất phát từ lợi ích nhà nước, giai cấp, dân tộc, nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật. Tuy nhiên, để giữ cho xã hội ổn định, pháp luật được mọi người tôn trọng và thực hiện thì Nhà nước phải luôn chú ý bảo đảm sự hài hoà về mặt lợi ích của các lực lượng khác nhau trong quá trình ban hành pháp luật.

Việc bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa các lực lượng xã hội sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực hiện pháp luật, bảo đảm sự thống nhất ý chí và lợi ích cơ bản giữa các lực lượng xã hội, làm cho xã hội ổn định, đoàn kết và phát triển bền vững.

Thực tiễn cho thấy rằng pháp luật muốn trở thành công cụ hữu ích của nhà nước, của cộng đồng dân cư trong xã hội thì phải đảm bảo lợi ích của nhà nước, của cộng đồng và sự hài hoà về lợi ích của các lực lượng khác nhau trong xã hội. Do vậy, quá trình xây dựng pháp luật phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa các lực lượng khác nhau trong xã hội (sao cho có thể chấp nhận được).

Khi xây dựng pháp luật đòi hỏi phải cân nhắc được các loại lợi ích của tất cả những đối tượng được văn bản pháp luật điều chỉnh. Đồng thời phải làm sao cho các loại lợi ích không mâu thuẫn, không phủ nhận lẫn nhau, đảm bảo tương đối công bằng xã hội, với tinh thần tất cả vì con người, cho con người.

Để bảo đảm được sự hài hoà lợi ích của các lực lượng, các ngành, các cấp, các nhóm, tập thể cũng như của mỗi con người vấn đề đặt ra là làm thế nào để hoàn thiện cơ chế xây dựng pháp luật, làm sao cho cơ chế đó cân nhắc được đầy đủ nhất, khách quan nhất, toàn diện nhất các loại lợi ích của con người, của nhà nước và toàn xã hội. Việc cân nhắc các lợi ích trong xây dựng pháp luật sẽ tránh được những xung đột về mặt lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau, đảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển.

Nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng pháp luật

Việc công khai quá trình xây dựng pháp luật là cần thiết trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước. Cần quán triệt tinh thần là xây dựng pháp luật không chỉ là công việc của nhà nước mà còn là công việc của toàn xã hội, nên cần phải để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Không chỉ bảo đảm sự công khai còn phải bảo đảm tính minh bạch trong quá trình xây dựng pháp luật. Tất cả các công đoạn, quy trình của quá trình xây dựng pháp luật, các nguyên tắc xây dựng pháp luật đều cần phải được quy định rõ ràng, rành mạch.

Nguyên tắc bảo đảm tính khả thi của các quy định pháp luật

Khi xây dựng pháp luật luôn phải chú ý để làm sao các quy định pháp luật phải có khả năng thực hiện được trên thực tế. Sự phù hợp với các điều kiện thực tế (về vật chất, kỹ thuật, tổ chức...) bảo đảm cho quy định pháp luật có thể thi hành được trên thực tế. Nếu quy định pháp luật không phù hợp với thực tế thì nó sẽ khó được thi hành trong thực tế hoặc được thi hành nhưng kém hiệu quả.

Nam Nguyễn