Bắc Giang: Triển khai Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý

31/01/2018
Bắc Giang: Triển khai Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý
Ngày 29/01/2018, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý. Đồng chí Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Lân- Vụ Trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp - Báo cáo viên pháp luật Trung ương.

Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án Dân sự; TAND, VKSND tỉnh; TAND, VKS Quân sự khu vực; đại diện lãnh đạo Trại tạm giam Kế; 40 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an, VKSND, TAND, Phòng Tư pháp; đại diện Nhà tạm giữ 10 huyện, thành phố; Trưởng các phòng, đơn vị, trợ giúp viên pháp lý, công chức, viên chức thuộc các phòng, đơn vị liên quan thuộc Sở Tư pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được đồng chí Đỗ Xuân Lân truyền đạt về mục tiêu chính sách, sự cần thiết ban hành các Luật, Bộ luật; tập trung giới thiệu những điểm mới cơ bản của các Luật, Bộ luật và phổ biến các hoạt động triển khai 03 Bộ luật, Luật trên.
Kết luận Hội nghị đồng chí Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã nhấn mạnh một số công việc cần quan tâm, triển khai thực hiện để các quy định của 03 đạo luật trong thời gian tới đó là: (i) các Sở, ngành, đoàn thể, đơn vị và UBND các huyện tiếp tục xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai trong ngành, đơn vị, địa phương mình để từ đó xác định rõ hơn những nội dung công việc cần tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị đảm bảo theo đúng kế hoạch triển khai thi hành của UBND tỉnh và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; (ii) tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tới cán bộ và Nhân dân để hiểu rõ những quy định của pháp luật nhất là các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện pháp luật trên các nội dung: Tuân thủ, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật đảm bảo chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật của Hiến pháp năm 2013; (iii) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để từ đó kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản QPPL đảm bảo cho việc thi hành các đạo luật. Tiến hành rà soát nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và đặc biệt là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Lao động Thương binh và Xã hội; các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thành phố; (iv) đề nghị các ngành, đoàn thể, các cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh phối hợp với ngành tư pháp trong việc triển khai các nội dung phối hợp theo các chương trình phối hợp đã ký kết trong việc PBGDPL nói chung và 03 đạo luật nói riêng nhất là nội dung phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định của Luật Tợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan; (v) đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện trong việc tham mưu, triểm khai, tổ chức thi hành các nội dung theo Kế hoạch trên địa bàn./.
Phương Linh