Khánh Hòa: Vượt chỉ tiêu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến

09/01/2018
Khánh Hòa: Vượt chỉ tiêu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến
Sau một thời gian triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trực tuyến, số hồ sơ được tiếp nhận, xử lý tại Sở Tư pháp đã vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Triển khai hiệu quả
 Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến (gọi tắt là Đề án) chính thức được triển khai trên địa bàn tỉnh từ quý III-2016. Đến hết tháng 12-2017, Sở Tư pháp đã cấp 7.086 phiếu LLTP; trong đó, có 1.944 trường hợp được tiếp nhận, xử lý qua phương thức nộp trực tuyến, đạt 27,4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Hầu hết hồ sơ đều giải quyết sớm, đúng hạn (chiếm 99,85%). Số rất ít trễ hạn do phải xác minh thêm thông tin án tích của người yêu cầu cấp phiếu tại các cơ quan liên quan. Việc triển khai Đề án đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt với những người đang cư trú tại nước ngoài, không thể trực tiếp đến yêu cầu cấp phiếu LLTP.
Ông Lê Văn Hạ - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, có được kết quả trên là do cơ quan đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trước khi chính thức triển khai, sở ban hành thông báo hướng dẫn chi tiết thủ tục cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến. Sở cũng chỉ đạo các phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đồng thời niêm yết thủ tục tại trụ sở UBND để người dân tìm hiểu, lựa chọn.
 Từ ngày 1-9-2016, sở ký hợp đồng với Tổng công ty cổ phần dịch vụ bưu chính Viettel để đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp phiếu LLTP, dịch vụ đăng ký trực tuyến kết hợp nhận trả kết quả khi có yêu cầu cấp phiếu LLTP thuộc thẩm quyền của sở. Để nâng cao hiệu quả cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, tháng 11-2017, Sở Tư pháp tiếp tục ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính tiếp nhận hồ sơ và chuyển phát kết quả cấp phiếu LLTP, chính thức triển khai từ ngày 1-12-2017.
Đặc biệt, từ giữa tháng 6-2017, sở triển khai mô hình Điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại bộ phận một cửa để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Mô hình đã góp phần nâng tỉ lệ hồ sơ trực tuyến vượt chỉ tiêu năm.
Để triển khai hiệu quả Đề án, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, sở cũng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ; duy trì sử dụng ổn định, hiệu quả Phần mềm LLTP dùng chung, Phần mềm hệ thống quản lý LLTP (thực hiện theo mô hình “kiềng 3 chân” trong công tác cấp phiếu LLTP) và Phần mềm Một cửa của UBND tỉnh trong tiếp nhận hồ sơ, đồng thời cập nhật tiến độ, tình trạng giải quyết hồ sơ. Sở cũng thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự trong cung cấp, tiếp nhận, tra cứu, xác minh và trao đổi thông tin LLTP trên địa bàn. Hiện nay, Sở Tư pháp và Công an tỉnh đã thống nhất giải pháp tiến tới giải quyết hồ sơ hoàn toàn trên phần mềm, chấm dứt luân chuyển hồ sơ giấy trong quá trình phối hợp xác minh thông tin LLTP.
Còn vướng mắc
Tuy nhiên, công tác cấp phiếu LLTP vẫn còn một số vướng mắc.
Để xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, phải xác định được thời điểm chấp hành xong bản án của người bị kết án, tuy nhiên, pháp luật hiện chưa hướng dẫn cụ thể cách tính thời gian chấp hành xong đối với trường hợp chấp hành hình phạt tù treo nhưng chưa hết thời gian thử thách đã bỏ đi khỏi địa phương không khai báo. Pháp luật cũng chưa cho phép được ủy quyền cho người khác nhận đối với thủ tục yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 (cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu cá nhân). Do đó, nhiều trường hợp đang ở nước ngoài, đã lựa chọn nộp và nhận kết quả qua bưu chính, nhưng sau khi nhận được kết quả lại phải gửi ngược về Việt Nam để ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự mới sử dụng được ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Trang LLTP trực tuyến hiện chưa có tính năng nhắn tin thông báo bổ sung hồ sơ/đã tiếp nhận hồ sơ/thời gian hẹn trả qua điện thoại của người nộp mà chỉ gửi qua email, nhưng thực tế nhiều người không có email. Yêu cầu chuẩn kỹ thuật của bản scan chứng minh nhân dân khi nộp hồ sơ trực tuyến cũng khó đáp ứng bởi đa số người dân chỉ chụp hình bằng điện thoại và upload để nộp.
Đề án mở ra nhiều phương thức cho người dân, nhưng dù lựa chọn phương thức nào, người dân vẫn phải đến cơ quan có thẩm quyền ít nhất 1 lần (để nhận kết quả nếu nộp hồ sơ trực tuyến; để chứng thực chữ ký nếu gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính…). Đây cũng chính là điểm khiến anh Nguyễn Chí Khan (Hòa Phú,  Thủ Dầu 1, Bình Dương) cảm thấy chưa hoàn toàn thuận lợi. "Tôi chọn đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến nhưng đến ngày hẹn vẫn phải trực tiếp đến sở để đối chiếu hồ sơ gốc trước khi nhận kết quả. Mong nhà nước sửa đổi quy định để người dân đăng ký trực tuyến hoàn toàn không phải đến các cơ quan", anh Khan nói.
Theo ông Lê Văn Hạ, những vướng mắc trên đã được kiến nghị, đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Luật LLTP.
NGUYỄN VŨ
 
Tính đến hết tháng 12-2017, Sở Tư pháp có 7.086 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua 9 phương thức; trong đó có 112 trường hợp nộp qua bưu chính (chiếm gần 2% tổng số hồ sơ); 1.853 trường hợp nhận kết quả qua bưu chính (chiếm hơn 26%); 1.944 trường hợp nộp trực tuyến mức độ 3 (chiếm 27,4%).