Thái Bình: Kết quả triển khai chương trình phối hợp số 14/2013/CTPH-BTP- HLHPNVN

28/11/2017
Ngày 10/01/2013, Bộ Tư pháp và HLHPN Việt Nam ban hành Chương trình phối hợp (CTPH) số 14/2013/CTPH-BTP- HLHPNVN về đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý (TGPL), tư vấn pháp luật (TVPL) cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017. Sở Tư pháp đã phối hợp với HLHPN tỉnh ban hành CTPH số 01/CTPH-STP-HLHPN ngày 05/7/2013 về việc đẩy mạnh công tác PBGDPL, TGPL, TVPL cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017 và Kế hoạch liên ngành số 12/KHLN-STP-HLHPN ngày 5/7/2013 triển khai CTPH; đồng thời kết hợp triển khai hiệu quả CTPH trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL của tỉnh, hàng năm Sở đều tham mưu cho Hội đồng ban hành kế hoạch PBGDPL trong đó nội dung tuyên truyền PBGDPL, TGPL, TVPL cho phụ nữ. Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp chủ động gắn nội dung CTPH với kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ “Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát và phản biện xã hội”... tới 286 HLHPN cơ sở; đưa các nội dung CTPH làm tiêu chí xếp loại thi đua trong các cấp Hội phụ nữ.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ, hàng năm Sở Tư pháp, HLHPN tỉnh chỉ đạo cấp huyện, xã tổ chức khảo sát, đánh giá trình độ cán bộ là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, người tham gia công tác hòa giải. Hiện nay, Sở có 71 báo cáo viên (BCV) pháp luật cấp tỉnh, 116 BCV cấp huyện , 2115 tuyên truyền viên cấp xã, 89 cộng tác viên TGPL. HLHPN có 01 báo cáo viên,16 tuyên truyền viên pháp luật cấp tỉnh, 23 cộng tác viên TGPL; 03 BCV, 33 tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện; 5.284 tuyên truyền viên pháp luật cấp cơ sở là cán bộ hội, hội viên tiêu biểu.
Hai ngành thường xuyên xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các BCV, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở... đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ. Trong 5 năm qua Sở Tư pháp đã phối hợp với HLHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 31 buổi tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ hội làm công tác PBGDPL, TGPL và hòa giải ở cơ sở các nội dung Luật Hôn nhân và gia đình, Luật TGPL, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Bảo vệ môi trường, Hiến pháp, Luật Đất đai, pháp luật về phòng chống tội phạm, dân sự, hình sự…. đảm bảo sự tiến bộ về mọi mặt của phụ nữ, giúp cho phụ nữ thấy vai trò vị trí trong gia đình, cơ quan và xã hội. Phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện Đông Hưng, Hưng Hà tập huấn nghiệp vụ cho tổ viên tổ hòa giải các xã, thị trấn. HLHPN tỉnh mở 13 lớp tập huấn kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực cho trên 2.000 lượt BCV, tuyên truyền viên của Hội và hội viên cơ sở. Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức 152 lớp tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới tại các xã trong tỉnh. Lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới … tại 181 hội nghị cho 23.062 đại biểu của Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp; Đại học Y, Đại học Thái Bình; trường THPT Nguyễn Du và trường THCS Quang Bình (Kiến Xương); 8 huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn.
Thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-HLHPN, Sở đã phối hợp với HLHPN tỉnh,  Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường, các huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà tổ chức 87 hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở…tại một số xã, phường, thị trấn cho 10.051 đại biểu là cán bộ, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ các địa phương. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố triển khai hội nghị chuyên đề về Hiến pháp cho trên 400 chi hội trưởng của hội phụ nữ toàn thành phố. Hội LHPN tỉnh mở 15 lớp tuyên truyền pháp luật cho 1.500 lượt BCV, tuyên truyền viên pháp luật; 58 buổi tuyên truyền pháp luật tại 58 cơ sở Hội  cho 8.700 chị em về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, những điểm mới của Hiến pháp 2013, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nghĩa vụ quân sự... Hội LHPN cấp huyện phối hợp với Phòng Tư pháp, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở 228 lớp cho 13.602 lượt chị em là UVBTV, BCH, Chủ tịch, Phó Chủ tịch H LHPN các huyện, thành phố và cơ sở; tổ chức hơn 800 lớp tuyên truyền PBGDPL trên các lĩnh vực cho hàng chục ngàn hội viên phụ nữ cơ sở. HLHPN 286 cấp xã đã phối hợp với Ban Tư pháp, Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức 4.326 buổi nói chuyện chuyên đề thu hút 452.326 lượt chị em về nghe.
Công tác hòa giải cơ sở tiếp tục được củng cố về tổ chức và duy trì hoạt động. Các tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên thường xuyên được kiện toàn và bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức pháp luật. Toàn tỉnh hiện có 2.061 tổ hòa giải với 14.439 hòa giải viên (có 9.469 hòa giải viên là nữ, trong đó 85% là cán bộ hội phụ nữ các xã, phường, thị trấn). 100% các tổ hòa giải đều có hòa giải viên nữ là những cán bộ, hội viên nòng cốt tại các thôn làng, tổ dân phố. Tỉ lệ hoà giải thành hàng năm đạt trên 80%. Trong những năm qua, đội ngũ hòa giải viên nữ đã tích cực sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt các vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm, tích cực tham gia các vụ hòa giải, đã góp phần hòa giải 9.241/11.580 vụ. Các vụ, việc hoà giải thành đều đảm bảo đúng nguyên tắc, tôn trọng sự tự nguyện của mỗi bên, trong quá trình hoà giải, các nữ hòa giải viên luôn chủ động, kiên trì, sáng tạo trong các bước hoà giải. Chính vì vậy mà nhiều vụ, việc phức tạp, dây dưa kéo dài ảnh hưởng đến trật tự an toàn ở địa phương đã được hoà giải thành mang lại sự bình yên cho xóm, làng, sự yên vui hạnh phúc trong mỗi gia đình, dòng họ.
Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp và các ban, ngành đoàn thể tiếp nhận, giải quyết và phối hợp giải quyết 592 đơn, thư có nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trên các lĩnh vực, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái. Trong 5 năm  2013-2017, Văn phòng TGPL cho phụ nữ của HLHPN tỉnh trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho trên 2.017 chị về các lĩnh vực Hôn nhân gia đình, thừa kế, đất đai, chế độ chính sách... Văn phòng TGPL cho phụ nữ HLHPN các cấp đã tiếp 355 lượt công dân trong đó trực tiếp giải thích, tư vấn, cho 203 lượt công dân về các nội dung theo yêu cầu. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh từ 2013 đến hết tháng 9 năm 2017 đã thực hiện TGPL được 3.493 vụ việc TGPL lưu động (trong đó tư vấn 3.316 vụ, tham gia tố tụng 177 vụ). Tại mỗi cuộc TGPL lưu động đều kết hợp tuyên truyền pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.…
Việc in ấn phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân cũng luôn được chú trọng. Sở Tư pháp biên soạn, cung cấp tài liệu hỏi- đáp về Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; in 13.000 tờ rơi cấp phát cho các xã, phường, thị trấn; cấp phát 4.800 cuốn Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Tiếp công dân, Luật Đấu giá tài sản… tại các hội nghị triển khai thi hành Luật, cho 8 huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, Tủ sách pháp luật; cấp phát gần 3000 cuốn sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải; chỉ đạo các huyện, thành phố mua, cấp phát 3000 cuốn Hiến pháp tại các hội nghị. HLHPN tỉnh phát hành 14.076 loại sổ tay, tờ gấp, tờ rơi pháp luật các loại góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ.
Như vậy, việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác PBGDPL, TGPL, TVPL cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017 đã được Sở Tư pháp và HLHPN tỉnh Thái Bình triển khai đồng bộ, tích cực từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, số đơn thư khiếu nại vượt cấp, số vụ khiếu kiện đông người có phụ nữ tham gia, các vụ vi phạm pháp luật của phụ nữ giảm; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trong tỉnh được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
                                                     
                                                                                  Hạnh Nga
                                                                       Sở Tư pháp Thái Bình