Nam Định: Đánh giá việc thi hành nghị định 110/2013/NĐ-CP và nghị định 67/2015/NĐ-CP của Chính phủ

31/08/2017
Trong những năm qua, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản Doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, số vụ xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ là 38 vụ, trong đó liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình nhiều nhất chiếm hơn 65% tổng số vụ xử phạt.
Để có được kết quả đó, các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thi hành một cách đồng bộ và thống nhất, có hiệu quả Nghị định số 110/2013/NĐ-CP; thường xuyên ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo theo đúng quy định; đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị và địa phương trong việc trao đổi, cung cấp thông tin để phục vụ cho việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Công tác tuyên truyền phổ biến được chú trọng với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng; lồng ghép phổ biến trong các hội nghị, cuộc họp, buổi nói chuyện; tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục báo, tạp chí, Đài PTTH; mua và cấp phát tài liệu pháp luật; in ấn, phát hành tài liệu, tờ gấp; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; …. 30 lớp tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xử phạt vi phạm hành chính được các cấp, các ngành có liên quan tổ chức đảm bảo chất lượng đã giúp đội ngũ này thực thi nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Nhìn chung các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đều được cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và xử lý kịp thời đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, từ tháng 11/2013 đến tháng 6/2017 toàn tỉnh đã phát hiện 40 vụ vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, trong đó có 38 vụ đã bị xử phạt, còn 02 vụ chưa xử phạt do đối tượng vi phạm đi làm ăn xa hoặc chưa hết thời hiệu xử phạt. Các lĩnh vực hoạt động xảy ra nhiều hành vi vi phạm hành chính là lĩnh vực hôn nhân, gia đình, lĩnh vực hộ tịch, lĩnh vực chứng thực; lĩnh vực xảy ra ít hành vi vi phạm là lĩnh vực công chứng; lĩnh vực chưa phát hiện ra hành vi vi phạm là lĩnh vực luật sư, bán đấu giá tài sản, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm. Các hành vi vi phạm phổ biến: hành vi vi phạm về quy định về điều kiện đăng ký kết hôn; hành vi vi phạm đăng ký hộ tịch không đúng thẩm quyền; hành vi sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, làm sai lệch giấy tờ, khai báo không trung thực trong đăng ký hộ tịch; vi phạm đăng ký hộ tịch quá hạn; hành vi sửa chữa, tấy xóa giấy tờ chứng thực.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thi hành Nghị định cho thấy cần sửa đổi bổ sung một số quy định trong Nghị định như: bổ sung quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thừa phát lại; quy định cụ thể trình tự, thủ tục, phương thức thực hiện khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi vi phạm là sử dụng giấy tờ giả, làm giấy tờ giả trong các lĩnh vực khác nhau; bổ sung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá; hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch trong trường hợp người vi phạm đã mất giấy tờ; điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi cho phù hợp với mức thu nhập của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã (như khoản 3a, Điều 24 Nghị định 67/2015/NĐ-CP)… nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp./.
 
Tùng Mai – Sở Tư pháp Nam Định