Ngành Tư pháp Hà Nam: Bước chuyển toàn diện trên các lĩnh vực

23/08/2016
Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thời gian qua ngành tư pháp tỉnh Hà Nam đã nỗ lực tập trung nhiều giải pháp triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt các lĩnh vực xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính…. đã có bước chuyển khá toàn diện, phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát VBQPPL luôn được ngành quan tâm chú trọng đẩy mạnh, hướng tới công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã tham gia đóng góp ý kiến vào 36 dự thảo văn bản. Đồng thời thẩm định 44 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến thẩm định và đóng góp ý kiến đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý cơ bản trong dự thảo. Công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng tiến độ thời gian và chất lượng, hiệu quả. Qua việc tự kiểm tra 14 văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cho thấy các văn bản ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, căn cứ, hình thức văn bản. Tiếp tục được tăng cường, góp phần minh bạch hóa cơ chế chính sách, loại bỏ nhiều thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, cũng như việc tìm hiểu, áp dụng pháp luật của cán bộ công chức và nhân dân, ngành tư pháp đã tập hợp, xuất bản 01 tập hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Rà soát, cập nhật 25 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, nâng tổng số văn bản được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu của địa phương lên 630 văn bản. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương, địa phương đều được cập nhật, giới thiệu kịp thời trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Cùng với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới theo hướng lựa chọn chuyên đề, đơn vị, địa phương, đối tượng, thời điểm tuyên truyền cho phù hợp, để từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự. Trong đó, Ngành đặc biệt tập trung triển khai các kế hoạch tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp theo Chỉ thị số 03/CT-TƯ ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy và các kế hoạch của UBND tỉnh triển khai các văn bản Luật mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành ngày 1 tháng 7 năm 2016 như: Bộ Luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tố tụng hành chính; Luật trưng cầu ý dân.
Cùng với đó, để phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, ngành đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Sở Văn hoá Thể thao và du lịch, Tỉnh đoàn, Sở Thông tin truyền thông, Báo Hà Nam, UBND các huyện, thành phố để đẩy mạnh việc tuyên truyền văn bản pháp luật, hướng dẫn công tác bầu cử đến các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, ngành còn xây dựng bộ tài liệu 84 câu hỏi đáp về bầu cử; gần 100 tin bài phản ánh tình hình triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về bầu cử, đăng tải toàn bộ văn bản của Trung ương và địa phương về công tác bầu cử; cử Báo cáo viên pháp luật thực hiện tuyên truyền Luật bầu cử tại các huyện, thành phố, Uỷ ban nhân dân các xã, phường thị trấn, các sở ngành, đoàn thể tỉnh. Qua việc triển khai, tuyên truyền Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể Sở Tư pháp, và đồng chí lãnh đạo Sở.
Công tác triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt hiệu quả cao và đúng kế hoạch đặt ra. Trong đó tập trung tuyên truyền nội dung của Hiến pháp đến 116 xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được phổ biến Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt tiếp tục triển khai đến người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, ngành tư pháp còn duy trì hoạt động hiệu quả của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và đội ngũ báo cáo viên, đội tuyên truyền viên ở tất cả các cấp. Kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở, đây được xem là lực lượng quan trọng trực tiếp giải đáp những vướng mắc về mặt pháp lý của người dân, góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, củng cố tình làng, nghĩa xóm và làm giảm tình trạng khiếu kiện ở cơ sở, khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Chỉ đạo xây dựng và quản lý khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật ở tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, trụ sở các xã; thường xuyên cập nhật, bổ sung các đầu sách cho tủ sách pháp luật, phục vụ hàng nghìn lượt người mỗi năm đến tìm hiểu, tra cứu và vận dụng các quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được đánh giá đã tạo được dấu ấn quan trọng khi ngành tư pháp chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các cấp tổ chức đối thoại về thủ tục hành chính, nhằm đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với các sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính tại 16 xã, phường, thị trấn với tổng số 2.623 phiếu với 5 mức độ đánh giá. Kết quả khảo sát cho thấy hộ gia đình, cá nhân cơ bản hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể: Rất hài lòng là 498 phiếu = 18,99%, Hài lòng là 1838 phiếu = 70,07%, Bình thường là 245 phiếu = 9,34%, Không hài lòng là 17 phiếu = 0,65%, Rất không hài lòng là 25 phiếu = 0,95%. Bên cạnh đó đã thực hiện phát 600 phiếu khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chất lượng dự thảo quyết định và danh mục, nội dung bộ TTHC: của các Sở, ngành: Công Thương,  BQLKĐH Nam Cao, Tư pháp, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải. Tham mưu, giúp UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan xây dựng dự thảo trình Tỉnh uỷ ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 (Sở Tư pháp đã ban hành Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Sở về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020). Đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính và nội dung, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Tổ chức 01 buổi tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016.
Công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp tiếp tục được ngành triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của Ngành và của địa phương. 6 tháng đầu năm, ngành đã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký 5 Quyết định công bố với 220 thủ tục; Trong đó ban hành mới: 105 thủ tục; sửa đổi, bổ sung: 111 thủ tục; bãi bỏ: 04 thủ tục. Đồng thời, đã nhập toàn bộ dữ liệu thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Chuyên trang kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh. Công bố thủ tục hành chính lĩnh vực Hộ tịch và Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Phát huy kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm ngành tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% văn bản đã ban hành được tự kiểm tra, phát hiện và tham mưu xử lý kịp thời những văn bản vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức đối thoại về thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật và phát phiếu lấy ý kiến để đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào các văn bản liên quan đến xây dựng nông thôn mới, bám sát vào các quy định của trung ương và địa phương về xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý lưu động, tập trung vào các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% và các xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tập huấn công tác tư pháp cho 6/6 huyện, thành phố đặc biệt là tham mưu tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh.
                                                                                                Cẩm Tú