Quyết giảm gánh nặng báo cáo trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính

08/10/2018
Quyết giảm gánh nặng báo cáo trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính
Thiết thực triển khai Quyết định số 559/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xuất phát từ những đòi hỏi từ thực tiễn, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 10/2015/TT-BTP. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.
Nhiều chỉ tiêu báo cáo còn định tính
Chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi tình hình pháp luật là một trong những công cụ quan trọng tạo ra nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực XLVPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nhằm tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ báo cáo thuận tiện, thống nhất trong cả nước, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BTP quy định về chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định, Thông tư 10 là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất chế độ báo cáo về công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt, theo dõi các thông tin, tình hình về XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật. Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác XLVPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư 10 trong 3 năm qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu và báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chẳng hạn, Thông tư 10 không quy định cơ quan được quản lý theo ngành dọc là những cơ quan nào mà chỉ ví dụ một số cơ quan như Hải quan, Thuế…, gây lúng túng cho địa phương trong việc áp dụng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu báo cáo, đặc biệt là chỉ tiêu báo cáo trong công tác theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu còn mang tính định tính, dẫn tới việc đánh giá, nhận xét và kiến nghị trong báo cáo còn mang tính chung chung, chủ quan, thậm chí thiếu chính xác. Đáng nói là Đề cương báo cáo và các biểu mẫu kèm theo Thông tư 10 yêu cầu nhiều thông tin, trong đó có những thông tin không thật cần thiết, các chỉ tiêu trong các biểu mẫu phức tạp, nhiều nội dung khó thực hiện.
Cần thiết điện tử hóa
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng những hạn chế, bất cập trên cần phải sửa đổi. Hơn nữa, ngày 24/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát, xây dựng và thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, bảo đảm mục tiêu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo. Việc Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 10 nhằm thực thi phương án đơn giản hóa này. Nhưng việc sửa đổi sẽ theo hướng đơn giản các biểu mẫu, lược bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lặp không cần thiết mà vẫn đảm bảo được yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ phù hợp với thực tế, bảo đảm tính hợp lý…
Góp ý cho dự thảo Thông tư, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan) Trịnh Thanh Hải thẳng thắn cho rằng, chế độ báo cáo bằng giấy đã không còn phù hợp mà cần thay thế bằng điện tử. Hiện nay, Hải quan các địa phương phải báo cáo định kỳ trên 200 báo cáo, mỗi một lĩnh vực lại phải thực hiện báo cáo nên khối lượng báo cáo khổng lồ, mất nhiều thời gian và công sức. Bởi thế, bà Hải nhấn mạnh, cần triển khai cải cách, tinh giảm chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC thông qua điện tử hóa, ứng dụng công nghệ thông tin. Muốn vậy, các chỉ tiêu thông tin tại dự thảo Thông tư cần có tính ổn định để có cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, làm tiền đề định hướng xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC theo khoản 2 Điều 17 Luật XLVPHC.
Trong bối cảnh thực hiện Quyết định 559/QĐ-TTg, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Tống Thị Thanh Nam nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu cắt giảm 20% chế độ báo cáo không phù hợp. Do đó, cần thiết phải rà soát, nghiên cứu để xây dựng dự thảo Thông tư nhằm bảo đảm các thông tin trong báo cáo được thu thập đầy đủ, số liệu chính xác, qua đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả. Bà Nam đề nghị cần hướng dẫn cụ thể về kỳ báo cáo, nội dung và thời điểm báo cáo, tạo thuận lợi trong việc triển khai. Ngoài ra, việc quy định chi tiết về đề cương, biểu mẫu sẽ tạo thuận lợi cho cán bộ khi xây dựng báo cáo, đảm bảo sự thống nhất về nội dung, thông tin.
                           H.Thư