Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tiếp chuyên gia quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

02/10/2018
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tiếp chuyên gia quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
Trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo quốc tế về “Đề xuất sửa đổi các hiệp định đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế” do Đoàn Thanh niên Vụ Pháp luật quốc tế tổ chức nhân dịp chào mừng 15 năm thành lập Vụ Pháp Luật quốc tế, chiều ngày 28/9/2018, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp hai chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo, ông Richard Braddock, Luật sư thành viên của hãng luật Lexbridge, Úc và bà Min Jung Kim, chuyên gia của Uỷ ban của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế, khu vực Châu Á Thái Bình Dương (UNCITRAL-RCAP).
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao đổi với các chuyên gia quốc tế về những xu hướng mới nhất của việc sửa đổi các hiệp định đầu tư và quan điểm của các nước về cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ICSID), kinh nghiệm của Úc, Hàn Quốc và kết quả thảo luận tại các cuộc họp nhóm làm việc của UNCITRAL và các diễn đàn khu vực, quốc tế khác.
Về kinh nghiệm của các quốc gia, ông Richard Braddock, với kinh nghiệm làm việc cho Chính phủ Úc khi đàm phán các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định thương mại tự do ASEAN- Úc- Newzealand và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) và là thành viên nhóm luật sư biện hộ cho Chính phủ Úc trong vụ Phillip Morris kiện Chính phủ Úc về đạo luật bao bì trắng thuốc lá, đã thông tin về cách tiếp cận khá linh hoạt của Úc đối với cơ chế ISDS. Úc  là một trong số ít quốc gia phát triển, đồng thời là nước chủ yếu xuất khẩu đầu tư có quan điểm không ủng hộ cơ chế ICSDS. Mặc dù còn có sự dè dặt và quan ngại, Úc vẫn đã tham gia tích cực vào việc đàm phán và đã cam kết về cơ chế ISDS trong các Hiệp định bảo hộ đầu tư cũ từ những năm 1990 và gần đây trong các hiệp định thương mại và đầu tư song phương, các hiệp định thương mại tự do khu vực như CPTPP, RCEP.
Về bức tranh toàn cầu, ông Richard Braddock nhấn mạnh xu thế đàm phán lại hoặc thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư thế hệ cũ được các quốc gia đàm phán từ những năm 1990 và 2000 bằng các chương đầu tư tại các Hiệp định thương mại khu vực, với những sửa đổi quan trọng về nội dung các cam kết bảo hộ đầu tư, cũng như quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Nhà đầu tư. Theo đó, các cam kết bảo hộ đầu tư được đàm phán theo xu hướng dành sự cân bằng lớn hơn giữa bảo hộ đầu tư và các mục tiêu xã hội khác như môi trường, lao động, sức khỏe cộng đồng, các lĩnh vực mà các quốc gia muốn dành quyền tự chủ nhiều hơn trong ban hành các chính sách này. Về giải quyết tranh chấp, việc đàm phán đang hướng tới các cơ chế công bằng minh bạch và thống nhất trong các diễn giải và áp dụng các cam kết bảo hộ đầu tư, trong đó có thảo luận về thành lập Tòa đầu tư đa phương. Ông Richard Braddock cũng gợi ý đây là cơ hội rất tốt cho các quốc gia như Úc và Việt Nam khi tham gia đàm phán sửa đổi để hướng tới các cam kết bảo hộ đầu tư hài hòa và hoàn hảo hơn cho các mục tiêu chính sách của mình trong khuôn khổ đàm phán các Hiệp định thương mại khu vực như RCEP.
Bà Min Jung Kim, chuyên gia UNCITRAL thông tin về việc Hàn Quốc đã trở thành bị đơn của khoảng 4 vụ tranh chấp đầu tư và quốc gia này đang ngày càng quan tâm đến cơ chế ISDS cũng như tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và toàn cầu vè cải tổ thiết chế này.
Bà Min Jung Kim cũng thông tin về kết quả các cuộc họp của nhóm làm việc của UNCITRAL về cải tổ ISDS đang diễn ra sôi nổi thời gian gần đây, các chủ đề được thảo luận chủ yếu tập trung vào cơ chế minh bạch hóa và tiếp thu ý kiến của các quốc gia liên quan đến mô hình tòa đầu tư thường trực…. 
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cảm ơn các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho các công chức trẻ của Bộ Tư pháp, các đoàn viên thanh niên của Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đang tham gia trong các lĩnh vực công tác liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế và nhấn mạnh đây là hoạt động trao đổi  chuyên môn có ý nghĩa và cần được tiếp tục phát huy.